Tăng trưởng kinh tế Anh trong năm 2016 qua các con số

Các số liệu cập nhật mới công bố cho thấy kinh tế nước Anh năm 2016 tăng trưởng tích cực hơn dự báo; đặc biệt, trong những quý sau cuộc trưng cầu ý dân về tư cách thành viên EU.
Đồng bảng Anh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các số liệu cập nhật mới công bố cho thấy kinh tế nước Anh năm 2016 tăng trưởng tích cực hơn dự báo.

Đặc biệt, trong những quý sau cuộc trưng cầu ý dân về tư cách thành viên Liên minh châu Âu (EU), kinh tế Anh vẫn trên đà tăng trưởng và quyết định rời EU, hay còn gọi là Brexit, dường như chưa tác động tiêu cực tới nền kinh tế này.

Tuy nhiên, giới phân tích lưu ý rằng nền kinh tế Anh có thể đối mặt với thách thức và khó khăn trong năm 2017 sau khi Chính phủ Anh bắt đầu kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon để khởi động tiến trình rời liên minh.

Điểm lại kinh tế Anh năm 2016 qua các số liệu sau:

Con số 2,2% là nhịp độ tăng trưởng thực của kinh tế Anh (sau khi đã tính tới yếu tố lạm phát) trong năm vừa qua.

Kinh tế xứ sở sương mù đã tăng trưởng liên tục trong 7 năm kể từ sau suy thoái kinh tế.

Năm vừa qua, kinh tế Anh ước tăng trưởng ở mức nhanh nhất trong nhóm bảy nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7). Tuy vậy, hầu hết các nhà phân tích dự báo kinh tế Anh sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm 2017, do chi phí nhập khẩu tăng sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới chi tiêu của người dân nước này.

Các dự báo mới nhất cho thấy kinh tế Anh trong năm 2017 sẽ tăng trưởng khoảng 1,2%, thấp hơn đáng kể so với mức dự báo tăng trưởng 2,3% công bố hồi đầu năm 2016.

Quý 3/2016, sản lượng kinh tế khu vực chế tạo ở nước Anh giảm 5,7% so với thời điểm trước khủng hoảng tài chính.

Kinh tế Anh tăng trưởng trong những năm gần đây, song các lĩnh vực của nền kinh tế tăng trưởng không đồng đều.

Sản lượng khu vực chế tạo vẫn thấp hơn so với mức đỉnh trước khủng hoảng, trong khi lĩnh vực xây dựng chỉ nhỉnh hơn không đáng kể so với đầu năm 2008. Ngược lại, khu vực dịch vụ lại tăng mạnh.

123 chính là số lần từ "không chắc chắn" xuất hiện trong biên bản các cuộc họp của Ủy ban Chính sách Tiền tệ thuộc Ngân hàng trung ương Anh (BoE) trong năm 2016.

Số từ “không chắc chắn” tăng tới 78% so với năm 2015, mặc dù Ủy ban này năm 2016 họp ít hơn một lần so với năm 2015.

Tỷ trọng xuất khẩu của Anh sang Liên minh châu Âu (EU) từ tháng 10/2015 đến tháng 9/2016 chiếm 46% kim ngạch xuất khẩu của xứ sở sương mù.

Trong thời gian này, tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa của Anh đạt 291 tỷ bảng và dịch vụ đạt 240 tỷ bảng. Xuất khẩu sang EU tăng 5,6% so với một năm trước đó, trong khi xuất khẩu sang các nước ngoài EU tăng 0,2%.

So với giai đoạn trước cuộc khủng hoảng tài chính, thương mại toàn cầu tăng trưởng chậm lại và ước tăng chậm hơn nữa trong năm 2016.

14% là tốc độ mất giá bình quân của đồng bảng Anh so với các đồng tiền chủ chốt khác trong năm qua.

Đồng bảng đã trải qua hai đợt giảm giá mạnh trong năm 2016, một lần ngay sau khi kết quả cuộc trưng cầu ý dân hồi tháng 6/2016 được công bố và lần thứ hai là tuyên bố của hội nghị đảng Bảo thủ hồi tháng 10/2016 làm dấy lên mối quan ngại về khả năng Brexit "cứng."

Kể từ sau đó, đồng bảng đã dần phục hồi và hiện cao hơn so với mức đáy hồi giữa tháng 10/2016 là 4,8%.

150 tỷ bảng Anh là con số điều chỉnh tăng thêm trong dự toán mới về vay nợ của chính phủ trong giai đoạn 2016-2021, so với dự toán lập trước đó một năm, chưa tính các khoản bất thường.

Trong số này, 59 tỷ bảng phát sinh từ quyết định Brexit và 9 tỷ bảng nảy sinh từ các chính sách mới được cựu Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne và Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond công bố.

Số tiền 82 tỷ bảng còn lại được dùng để đối phó với các diễn biến kinh tế bất lợi khác.


Số 650.000
là kỷ lục về số người nhập cư vào nước Anh trong 12 tháng tính tới tháng 6/2016, tăng 11.000 người so với một năm trước đó.

Mặc dù khoảng 315.000 người đã rời nước Anh, nhưng số người nhập cư “ròng” 335.000 người vào nước này vẫn xấp xỉ mức cao kỷ lục.

Việc làm luôn là lý do chính khiến người ta muốn nhập cư vào nước Anh. Trong số những người nhập cư vì lý do công việc, 58% đã được nhận vào làm trước khi đến Anh.

Thống kê chính thức cho thấy lượng nhà mới xây ở Anh từ tháng 4/2015 đến tháng 3/2016 đạt 168.210 căn nhà, cao hơn 10% so với một năm trước đó.

80% nhà trong số này được xây dựng bởi các công ty tư nhân. Tuy vậy, số lượng nhà mới hàng năm vẫn thấp hơn con số 200.000 căn tại thời điểm trước cuộc khủng hoảng tài chính.

Theo Văn phòng Thống kê Quốc gia, 6,9% là mức tăng giá nhà bình quân trên toàn nước Anh trong năm qua. Giá nhà tư nhân cho thuê tăng khoảng 2,3%.

Trước cuộc trưng cầu dân ý về quyết định Brexit, Bộ Tài chính Anh công bố dự báo cho hay việc rời khỏi EU sẽ làm giá nhà chững lại.

Thực tế, giá đã tăng chậm lại trong nửa cuối năm 2016. Tuy vậy, Brexit không phải là yếu tố chủ chốt duy nhất tác động tới thị trường nhà đất trong năm nay.

Các chính sách mới với chủ trương không khuyến khích hoạt động “mua để cho thuê” cũng ảnh hưởng đến quyết định về thời điểm mua nhà cũng như giá nhà.

Số người có việc làm ở Anh trong giai đoạn từ tháng 8-10/2016 tăng thêm 342.000 người so với một năm trước đó. Tỷ lệ có việc làm ở nước Anh đạt mức cao kỷ lục 74,5% vào giữa năm 2016.

Tuy nhiên, lực lượng lao động tăng không đồng đều giữa các vùng trên cả nước. Scotland, miền Tây Nam và miền Đông nước Anh là các khu vực có số người có việc làm giảm, trong khi vùng Đông Bắc và xứ Wales có số người có việc làm tăng mạnh nhất.

Con số 1,2% là mức tăng giá hàng tiêu dùng trong năm qua. Tuy nhiên, có sự khác biệt lớn giữa các mặt hàng cũng như dịch vụ.

Chi phí bảo hiểm tăng 6,6% do Chính phủ Anh áp mức thuế cao hơn trên phí bảo hiểm, lên 10% trong tháng 10/2016. Trong khi đó, giá các loại đồ uống không cồn giảm 4,1% và rau quả giảm 4,8% so với một năm trước đó.

25.500 bảng Anh là thu nhập bình quân sau thuế của hộ gia đình ở Anh vào năm 2016 theo ước tính của Viện Nghiên cứu Tài chính công bố hồi đầu năm nay.

Sau khi khấu trừ lạm phát, thu nhập bình quân đã tăng 2,1% so với năm 2015./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục