Tăng trưởng GRDP của tỉnh Ninh Thuận nửa đầu năm 2024 đạt 8,07%

GRDP 6 tháng đầu năm của tỉnh Ninh Thuận đạt 8,07%, đứng thứ 14/63 tỉnh thành cả nước và đứng thứ 3/14 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung.
Tăng trưởng GRDP của tỉnh Ninh Thuận nửa đầu năm 2024 đạt 8,07%. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Với sự chủ động, linh hoạt triển khai các giải pháp phù hợp, có trọng tâm trọng điểm, bức tranh kinh tế-xã hội của tỉnh Ninh Thuận có chuyển biến khá.

GRDP 6 tháng đầu năm đạt 8,07%, đứng thứ 14/63 tỉnh thành cả nước và đứng thứ 3/14 tỉnh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung.

Đây là tín hiệu tích cực, được Thường trực Tỉnh ủy Ninh Thuận nhấn mạnh tại hội nghị lần thứ 20 do Tỉnh ủy tổ chức sáng 4/7, nhằm đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm; triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm.

Từ đầu năm 2024, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã bám sát tinh thần chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy, tập trung chỉ đạo điều hành quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả, sát tình hình, có trọng tâm, trọng điểm.

Nhờ đó, những khó khăn, điểm nghẽn trong tăng trưởng và hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư cho doanh nghiệp đã và đang được tháo gỡ và đẩy mạnh phát triển.

Tỉnh cũng tổ chức thành công Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Các chính sách an sinh xã hội được triển khai đầy đủ, kịp thời. Hoạt động chăm lo cho các đối tượng chính sách và hộ nghèo được thực hiện tốt hơn. Quốc phòng được bảo đảm; công tác thực hành, tiết kiệm chống lãng phí được quan tâm thực hiện theo đúng kế hoạch đề ra.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận Nguyễn Đức Thanh, kết quả đạt được về phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm của tỉnh cơ bản phản ánh rõ nét những nỗ lực của các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể các cấp.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa đạt mục tiêu đề ra. Một số sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo chủ lực của tỉnh còn nhiều khó khăn do nhu cầu tiêu thụ giảm. Xuất khẩu thủy sản giảm mạnh do khó khăn về thị trường.

Việc triển khai một số công trình, dự án trọng điểm về du lịch; đô thị; cảng biển; giao thông còn nhiều khó khăn, vướng mắc, tiến độ còn chậm...

Bên cạnh đó, đời sống nhân dân một số khu vực khó khăn do tình hình hạn hán gay gắt cục bộ, thiếu nước sản xuất ở một số địa phương.

Tai nạn thương tích trẻ em chưa được kiềm chế. Tình hình trật tự an toàn xã hội có thời điểm còn diễn biến phức tạp, một số loại tội phạm có chiều hướng gia tăng, tai nạn giao thông tăng 2 tiêu chí…

Tỉnh Ninh Thuận phấn đấu đến năm 2025 kinh tế biển chiếm từ 41-42% tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP). (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Phấn đấu đến cuối năm đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP từ 11-12%, Tỉnh ủy Ninh Thuận yêu cầu tiếp tục bám sát và triển khai quyết liệt, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết 01 của Chính phủ, Nghị quyết 28 của Tỉnh ủy và Quyết định 36 của Ủy ban Nhân dân tỉnh.

Đặc biệt, Ủy ban Nhân dân tỉnh cần tập trung chỉ đạo quyết liệt có trọng tâm, trọng điểm, đồng bộ, hiệu quả 3 khâu đột phá theo Nghị quyết của Tỉnh ủy và 6 ngành lĩnh vực trọng tâm, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gồm thúc đẩy đầu tư, nhất là đầu tư công; năng lượng; du lịch; công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; kinh tế đô thị.

Ba khâu đột phá là tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn về cơ chế chính sách, khơi thông nguồn lực tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất-kinh doanh và đầu tư; đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án trọng điểm nhất là dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm, liên vùng; tạo đột phá trong lĩnh vực đất đai để khơi thông nguồn lực và phát triển.

Ngoài ra, Ủy ban Nhân dân tỉnh cần rà soát, điều chỉnh đồng bộ các quy hoạch, kế hoạch, đề án với Quy hoạch tỉnh; triển khai có hiệu quả kế hoạch sử dụng đất năm 2024, triển khai quyết liệt Đề án tăng thu ngân sách từ đất đai, tăng cường công tác quản lý, sử dụng đất, khai thác tài nguyên khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường.

Song song với triển khai giải pháp phát triển kinh tế, tỉnh cũng tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chủ trương, chính sách về giáo dục, y tế, an sinh xã hội... Đồng thời, tỉnh tiếp tục kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan hành chính các cấp; xây dựng chính quyền điện tử; cải thiện mạnh mẽ, bền vững các chỉ số cải cách thủ tục hành chính.

Ninh Thuận triển khai có hiệu quả Đề án chuyển đổi số của tỉnh và Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ; đẩy mạnh công tác thanh tra, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm người đứng đầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục