Tăng trưởng GDP sụt giảm, kinh tế Anh trước ngưỡng suy thoái

Sự yếu kém trong hoạt động sản xuất và bảo dưỡng tại các mỏ dầu ở Biển Bắc đã khiến GDP của Anh trong tháng Tám giảm 0,3% so với tháng trước đó.
Người dân mua sắm tại một khu chợ ở London, Anh, ngày 7/1/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Kinh tế Anh có nguy cơ rơi vào suy thoái khi mà dữ liệu kinh tế cho thấy tăng trưởng GDP nước này trong tháng Tám sụt giảm.

Đây được xem là thách thức đối với chính phủ của Thủ tướng Liz Truss trong việc thực hiện cam kết thúc đẩy nền kinh tế đi lên.

Số liệu do Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS) công bố ngày 12/10 cho thấy sự yếu kém trong hoạt động sản xuất và bảo dưỡng tại các mỏ dầu ở Biển Bắc đã khiến GDP trong tháng Tám giảm 0,3% so với tháng trước đó. Bên cạnh đó, lạm phát phi mã cũng tác động mạnh đến người tiêu dùng Anh.

[Nền kinh tế Anh bất ngờ suy giảm trong tháng Tám năm 2002]

Mức tăng sản lượng trong tháng Bảy đã được điều chỉnh xuống 0,1% so với ước tính trước đó là 0,2%, và trong 3 tháng tính đến tháng Tám, GDP của Anh đã giảm 0,3%, đánh dấu lần đầu tiên giảm kể từ đầu năm 2021 đại dịch COVID-19 bùng phát.

Nhà kinh tế trưởng Yael Selfin thuộc KPMG UK - công ty chuyên cung cấp dịch vụ thuế, kiểm toán và tư vấn - cho biết các hộ gia đình siết chặt chi tiêu tiếp tục đè nặng lên tăng trưởng kinh tế và nhiều khả năng nền kinh tế Anh rơi vào suy thoái kỹ thuật từ quý 3 năm nay.

Nhà kinh tế trưởng Grant Fitzner thuộc ONS nhận định nhiều dịch vụ hướng tới người tiêu dùng gặp khó khăn, với các cửa hàng bán lẻ, tiệm làm tóc và khách sạn đều kinh doanh kém khởi sắc.

Trong tương lai, ONS dự báo GDP trong tháng Chín có thể tiếp tục giảm và nền kinh tế Anh dường như sẽ tăng trưởng chậm lại khi lạm phát gia tăng ảnh hưởng đến các hộ gia đình và buộc Ngân hàng Trung ương Anh nhanh chóng tăng lãi suất ngay cả khi hoạt động kinh tế đình trệ.

Nhà kinh tế học Samuel Tombs thuộc Pantheon Macroeconomics cho biết khoảng 33% số hộ gia đình tại Anh không còn tiền tiết kiệm và 30% hộ gia đình có khoản vay thế chấp ngân hàng sẽ giảm chi tiêu khi chi phí đi vay tăng lên.

Trước đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo GDP của Anh sẽ tăng trong năm 2023 song với mức tăng trưởng khiêm tốn là 0,3%.

Những số liệu ảm đạm này được xem là thách thức đối với chính sách sắp tới của chính phủ.

Thủ tướng Anh và Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwarteng đã cam kết đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, song kế hoạch cắt giảm thuế chưa hoàn lại đã khiến thị trường tài chính rơi vào tình trạng hỗn loạn và làm dấy đồn đoán rằng Ngân hàng trung ương Anh có thể tăng chi phí đi vay.

Trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng cao, Chính phủ Anh cùng ngày đã công bố dự luật về giới hạn doanh thu đối với các nhà máy điện năng lượng tái tạo.

Dự luật có tên "Hạn chế doanh thu và chi phí" (Cost-Plus-Revenue Limit) là một phần trong gói hỗ trợ năng lượng mở rộng hơn mà Chính phủ Anh công bố hồi tháng trước.

Theo chính phủ, thông thường giá khí đốt chi phối giá điện, do vậy biện pháp mới trên sẽ có hiệu lực đối với các nhà máy phát điện năng lượng tái tạo song được hưởng lợi trên nền giá điện tăng cao mà không mất chi phí mua nhiên liệu.

Động thái của Anh diễn ra sau khi Ủy ban châu Âu đã đề xuất mức giá trần 180 euro/MWh (175 USD) đối với doanh thu của các công ty năng lượng tái tạo nhằm các hộ gia đình và doanh nghiệp trả hóa đơn điện và khí đốt trong mùa Đông./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục