Trong hai ngày 16 và 17/7, tại Hà Nội, Đại hội đại biểu Đảng bộ Tập đoàn Điện lực Việt Nam lần thứ III, nhiệm kỳ 2020-2025 đã diễn ra với sự tham gia của 203 đại biểu đến từ 21 tổ chức Đảng trực thuộc, đại diện cho 3.965 đảng viên trong Tập đoàn.
Đại hội có nhiệm vụ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tập đoàn lần thứ II, nhiệm kỳ 2015-2020; xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhiệm kỳ 2020-2025; tiếp thu, thảo luận, đóng góp vào dự thảo các văn kiện Đại hội lần thứ III Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương, Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Báo cáo chính trị do ông Nguyễn Hữu Tuấn, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trình bày tại Đại hội cho thấy, EVN thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tập đoàn lần thứ II, nhiệm kỳ 2015-2020 trong bối cảnh kinh tế-xã hội ngày càng phát triển, nền kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt mục tiêu Đại hội XII của Đảng đề ra.
Bên cạnh những thuận lợi, Tập đoàn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như thiên tai, dịch bệnh, thời tiết, thủy văn ngày càng khốc liệt và biến động bất thường, ảnh hưởng lớn đến cung ứng điện và gây thiệt hại nặng nề cho hệ thống điện. Một số chi phí đầu vào tăng như tỷ giá, giá than, giá khí cho sản xuất điện, thuế tài nguyên nước, phí dịch vụ môi trường.
Việc cân đối cung cầu điện khu vực phía Nam tiếp tục thiếu hụt, hệ thống điện truyền tải 500 kV Bắc-Nam thường xuyên trong tình trạng truyền tải cao; việc triển khai các thủ tục đầu tư, thu xếp vốn đầu tư và giải phóng mặt bằng các dự án điện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc…
Mặc dù nhiệm kỳ 2015-2020, Tập đoàn phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, song dưới sự chỉ đạo của Đảng bộ Tập đoàn, có 3/3 chỉ tiêu về xây dựng Đảng đạt và vươt chỉ tiêu Nghị quyết Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương và Nghị quyết Đảng bộ Tập đoàn đề ra.
Cụ thể, số tổ chức đảng trực thuộc hằng năm đều hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lê, đảm bảo theo quy định của Trung ương, không có tổ chức Đảng trực thuộc yếu kém. Tỷ lệ đảng viên đủ tư cách, hoàn thành tốt nhiệm vụ hàng năm đều đạt trên 93%.
Tính đến hết quý 1/2020, toàn Đảng bộ đã kết nạp hơn 774 đảng viên, vượt xa chỉ tiêu Nghị quyết đề ra.
[EVN đưa vào vận hành 11 dự án nguồn điện trong năm năm qua]
Trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, EVN đã nỗ lực hoàn thành và hoàn thành vượt mức 6 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra như: tỷ lệ tổn thất điện năng hàng năm đều giảm, đến cuối năm 2019 giảm còn 6,49%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội và vượt trước 1 năm so với kế hoạch Chính phủ giao.
Chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam có bước đột phá, vươn lên thứ 27/190 quốc gia, nền kinh tế trên thế giới và thứ 4 khu vực ASEAN, vượt trước 2 năm so với mục tiêu của Chính phủ và vượt chỉ tiêu Nghị quyết.
Sau 4 năm (giai đoạn 2016-2019), chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam cải thiện 81 bậc, là chỉ số có mức độ cải thiện nhiều nhất và là một trong 3 chỉ số có thứ hạng tốt nhất trong 10 chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam.
Đặc biệt, đầu tư các dự án theo Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi, hải đảo, đến nay Tập đoàn có 100% số xã trên cả nước có điện, 99,25% số hộ dân nông thôn được sử dụng điện, vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra và hoàn thành sớm Chương trình do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Cùng với đó, năng suất lao động bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 10,4%/năm và sản lượng điện thương phẩm bình quân/CBCNV đến cuối năm 2020 đạt 2,6 triệu kWh/người, vượt so với chỉ tiêu Nghị quyết đề ra 2,5 triệu kWh/người.
Tập đoàn cũng hoàn thành và đưa vào vận hành 20 tổ máy thuộc 11 dự án nguồn điện với tổng công suất 6.093 MW; hoàn thành và vượt tiến độ các dự án trọng điểm cấp bách cho khu vực miền Nam như Nhiệt điện Vĩnh Tân 4, Vĩnh Tân 4 mở rộng, Nhiệt điện Duyên Hải 3.
Trong 5 năm qua, Tập đoàn đã đảm bảo vận hành hệ thống điện và thị trường điện an toàn, ổn định, kinh tế, đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống của nhân dân trong điều kiện quy mô nền kinh tế tăng cao, tốc độ tăng trưởng GDP của đất nước cao hơn bình quân 5 năm trước.
Dự kiến đến cuối năm 2020, tổng công suất đặt của hệ thống điện Việt Nam là 59.210 MW; trong đó công suất nguồn điện do Công ty mẹ Tập đoàn và các Tổng công ty phát điện sở hữu, chi phối là 29.970 MW, chiếm 50,6% tổng công suất nguồn điện toàn hệ thống.
Sản lượng điện thương phẩm năm 2020 dự kiến đạt 227,99 tỷ kWh, tăng 8,7% so với năm 2019. Tính chung cả giai đoạn 2016-2020, tăng trưởng điện thương phẩm bình quân hằng năm đạt 9,67%/năm. Sản lượng điện thương phẩm bình quân trên đầu người của Việt Nam đến năm 2020 dự kiến đạt 2.320 kWh/người, gấp gần 1,5 lần so với năm 2015.
Theo ông Nguyễn Hữu Tuấn, hoạt động điều hành hệ thống điện đã đáp ứng nhu cầu và mức tăng trưởng nhu cầu điện của nền kinh tế. Tập đoàn huy động hợp lý các nguồn điện; trong đó các nhà máy thủy điện đã đảm bảo phát điện, đáp ứng nhu cầu nước cho sản xuất nông nghiệp, đẩy mặn và sinh hoạt của nhân dân.
Các dịch vụ về điện tiếp tục phát triển và đa dạng hóa hình thức cung cấp nhằm tạo sự thuận lợi cho khách hàng và minh bạch trong các giao dịch đã được ghi nhận và phản ánh khách quan thông qua điểm đánh giá mức độ hài lòng khách hàng ngày càng cao.
Đến cuối năm 2019, Tập đoàn đã cung cấp các dịch vụ điện trực tuyến tại Cổng Dịch vụ công Quốc gia và tại 63/63 tỉnh/thành phố. Tổng số khách hàng mua điện trực tiếp từ EVN là 28,03 triệu khách hàng, tăng gần 20% so với năm 2015.
Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Nguyễn Hữu Tuấn cũng chỉ ra một số chỉ tiêu, nhiệm vụ Tập đoàn còn chưa hoàn thành so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tập đoàn nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra.
Cụ thể, sản lượng điện sản xuất và mua, điện thương phẩm chưa đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra, đặc biệt là những tháng đầu năm 2020 do dịch bệnh COVID-19 gây ra nên các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ bị đình trệ làm cho nhu cầu sử dụng điện bị giảm mạnh, do đó điện thương phẩm không đạt kế hoạch.
Tình trạng quá tải trên lưới điện đã giảm nhiều so với các năm trước nhưng vẫn xảy ra quá tải cục bộ tại một số đường dây, trạm biến áp phục vụ truyền tải công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo và cấp điện một số địa bàn có nhu cầu phụ tải lớn tại khu vực miền Nam và các tỉnh lân cận Hà Nội.
Bên cạnh đó, việc phát triển nóng các dự án nguồn điện năng lượng tái tạo có tính bất định cao, phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết và chỉ phát điện 20% số giờ trong cả năm, tập trung chủ yếu tại một số khu vực tiềm năng vùng Nam Trung Bộ gây áp lực lớn lên hệ thống truyền tải do không đáp ứng yêu cầu đồng bộ về tiến độ đầu tư gây ra tình trạng quá tải lưới điện khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận.
Đại hội Đảng bộ Tập đoàn lần thứ III, nhiệm kỳ 2020-2025 cũng chỉ rõ trong 5 năm tới, Tập đoàn tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như thiên tai, địch hoạ, biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt, khó lường; tình hình thiếu điện, cấp điện rất căng thẳng cho miền Nam và cả nước, giá đầu vào đối với sản xuất điện tăng cao; tỷ giá ngoại tệ tăng có thể dẫn đến lỗ do chênh lệch tỷ giá. Việc chậm tiến độ của các nguồn điện ngoài EVN, thiếu vốn đầu tư và vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, đảm bảo môi trường trong sản xuất điện... ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn.
Vì vậy, trước yêu cầu mới, Đại hội Đảng bộ Tập đoàn lần thứ III, nhiệm kỳ 2020-2025 đặt ra mục tiêu đảm bảo mức tăng trưởng điện thương phẩm bình quân từ 8,6-9%/năm, tương ứng điện thương phẩm đến năm 2025 dự kiến đạt khoảng 335 tỷ kWh đồng thời phấn đấu giảm tổn thất điện năng về mức ngang bằng với các nước tiên tiến trong khu vực, đến năm 2025 xuống còn 6%.
Cùng với việc xây dựng hệ thống lưới điện thông minh, hiệu quả, có khả năng kết nối khu vực; bảo đảm cung cấp điện an toàn, đáp ứng tiêu chí N-1 đối với vùng phụ tải quan trọng và N-2 đối với vùng phụ tải đặc biệt quan trọng, đến năm 2025, độ tin cậy cung cấp điện năng thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN, chỉ số tiếp cận điện năng thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN.
Với năng suất lao động bình quân hàng năm tăng trên 8%/năm, Tập đoàn phấn đấu sản lượng điện thương phẩm bình quân đạt 3,7 triệu kWh/CBCNV vào năm 2025.
Đồng thời, tập đoàn phấn đấu tổng doanh thu đến năm 2025 đạt 680.000 tỷ đồng; sản xuất kinh doanh hàng năm đảm bảo hiệu quả và có lãi với lợi nhuận đạt 3%/vốn chủ sở hữu; bảo toàn và phát triển vốn chủ sở hữu nhà nước đầu tư tại EVN và vốn của EVN đầu tư vào các doanh nghiệp khác; nộp ngân sách nhà nước bình quân hàng năm đạt từ 25.000-27.000 tỷ đồng.
Để thực hiện các mục tiêu này, Tập đoàn sẽ điều hành an toàn, hiệu quả các nhà máy điện (đặc biệt là các nhà máy thủy điện, nhiệt điện lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với nhiệm vụ quốc phòng-an ninh và cung cấp điện), đảm bảo yêu cầu cung cấp điện, giảm chi phí mua điện; điều tiết hợp lý hồ chứa phục vụ nhiệm vụ chống lũ, cấp nước cho hạ du theo chỉ đạo của cơ quan quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, tập đoàn vận hành lưới điện truyền tải và phân phối đảm bảo an toàn, tin cậy, ổn định, linh loạt và giảm tổn thất điện năng của hệ thống.
EVN cũng huy động một cách hợp lý công suất, điện năng các nhà máy thủy điện, các nguồn điện mua của các nhà máy điện độc lập và các nguồn điện dự phòng của khách hàng; tăng cường nhập khẩu điện từ các nước trong khu vực và khuyến khích phát triển các dự án nguồn điện năng lượng tái tạo, nhất là điện gió và điện Mặt Trời.
Cùng với đó, Tập đoàn điều hành thị trường điện công khai, minh bạch, tuân thủ các quy định của thị trường theo các cấp độ; hiện đại hóa hệ thống điều độ điện, từng bước triển khai áp dụng những công nghệ giám sát kỹ thuật tự động, thông minh; hoàn thành cơ sở hạ tầng thị trường điện, đào tạo nguồn nhân lực và bộ máy vận hành của thị trường điện đáp ứng các giai đoạn phát triển của thị trường điện theo đúng lộ trình.
Ngoài ra, Tập đoàn cũng đẩy mạnh tuyên truyền và tham mưu với cơ quan quản lý nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, trước mắt tập trung triển khai Chương trình nghiên cứu phụ tải, phân tích biểu đồ phụ tải điện; Chương trình điều chỉnh phụ tải.
Đại hội Đảng bộ Tập đoàn lần thứ III, nhiệm kỳ 2020-2025 đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ nhiệm kỳ tới gồm 33 đồng chí, đảm bảo tiêu chuẩn, cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của Đảng ủy EVN trong giai đoạn mới. Ban Chấp hành Đảng bộ khóa III đã họp phiên đầu tiên.
Ông Dương Quang Thành tiếp tục được Ban chấp hành Đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025 tín nhiệm, tái cử chức danh Bí thư Đảng ủy Tập đoàn.
Đại hội cũng nhất trí bầu đoàn đại biểu dự Đại hội đại biểu Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương lần thứ III nhiệm kỳ 2020-2025 gồm 10 đại biểu chính thức và 2 đại biểu dự khuyết./.