Tăng trưởng của ASEAN+3 dự kiến suy giảm do xung đột Nga-Ukraine

Cuộc chiến Ukraine và điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt, cộng thêm tình hình dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc gần đây sẽ gây ra tác động tiêu cực đối với xuất khẩu và tăng trưởng của ASEAN+3.
Tăng trưởng của ASEAN+3 dự kiến suy giảm do xung đột Nga-Ukraine ảnh 1Một khách hàng người Nhật Bản chọn mua dừa Việt Nam ở siêu thị AEON. (Ảnh: Đào Thanh Tùng/TTXVN)

Cuộc chiến Ukraine và điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt, cộng thêm tình hình dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc gần đây sẽ gây ra tác động tiêu cực đối với hoạt động xuất khẩu và kết quả tăng trưởng của ASEAN+3 (10 nước ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc).

Ngày 5/7, Văn phòng nghiên cứu kinh tế vĩ mô “ASEAN+3” (AMRO) đã công bố báo cáo mới nhất, hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay của ASEAN+3 xuống còn 4,3% từ mức 4,7% đưa ra trước đó.

Ngoài ra, AMRO đã nâng dự báo lạm phát của khu vực lên mức 5,2%, cao hơn 1,7 điểm phần trăm so với dự báo 3,5% đưa ra hồi tháng Tư.

Tuy nhiên, AMRO dự báo tỷ lệ lạm phát năm tới sẽ giảm về mức 2,8%, trong khi tăng trưởng kinh tế khu vực sẽ đạt mức 4,9%, cao hơn dự báo 4,6% trước đó.

Đối với thị trường ASEAN, báo cáo giữ nguyên dự báo trước đó, dự kiến tăng trưởng kinh tế năm nay của ASEAN đạt 5,1% và tăng nhẹ lên 5,2% vào năm tới, mạnh hơn kết quả tăng trưởng 3,1% của năm 2021.

[Việt Nam tham dự cuộc họp của Ủy ban Điều phối Kết nối ASEAN]

Theo nhà kinh tế trưởng Khor Hoe Ee của AMRO, trong khi ASEAN+3 bắt đầu thoát khỏi khủng hoảng dịch bệnh, thì cuộc chiến Ukraine kéo dài và lạm phát ở Mỹ leo thang đã mang lại một loạt thách thức mới cho các nhà hoạch định chính sách.  

Báo cáo nhấn mạnh, cuộc chiến Nga-Ukraine đã bước sang tháng thứ 5, bên cạnh làm trầm trọng thêm chuỗi cung ứng toàn cầu, chiến tranh và những hành động trừng phạt đối với Nga cũng khiến cho giá nhiên liệu và thực phẩm toàn cầu không ngừng gia tăng, dẫn đến lạm phát của ASEAN+3 tăng tốc.

Tại Mỹ, vật giá leo thang khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải thắt chặt chính sách tiền tệ sớm hơn kỳ vọng.

Điều này đã làm thị trường dấy lên lo ngại về một cuộc suy thoái kinh tế, dẫn đến hoạt động bán tháo ồ ạt trên thị trường tài chính, tâm lý phòng tránh rủi ro gia tăng đã thúc đẩy dòng vốn chảy mạnh ra khỏi các thị trường mới nổi.    

Đồng thời, báo cáo cũng cho rằng, việc chính quyền sở tại thực hiện một loạt biện pháp kiểm soát và phong tỏa do tình hình dịch bệnh bùng phát gần đây ở Thượng Hải đã gây rối loạn hoạt động sản xuất và cung ứng của khu vực này, vô hình trung ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và khu vực.

Nhà kinh tế trưởng Khor Hoe Ee nhấn mạnh, trong môi trường khó khăn như vậy, hiện nay các nhà hoạch định chính sách của ASEAN+3 đang đối diện với quyết định cân bằng chính sách đầy khó khăn, bởi vì họ cần đồng thời duy trì đà tăng trưởng và kiểm soát sức ép lạm phát gia tăng.

Về tổng thể, báo cáo vẫn giữ thái độ lạc quan đối với triển vọng kinh tế khu vực, do phần lớn các nền kinh tế ASEAN+3 đang dần coi COVID-19 là dịch bệnh thông thường, tình hình dịch bệnh và những hạn chế liên quan đến du lịch sẽ được nới lỏng hơn nữa, điều này sẽ thúc đẩy các hoạt động kinh tế phục hồi toàn diện hơn, từ đó thúc đẩy nhu cầu trong nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục