Tăng trưởng bao trùm là chìa khóa để phát triển con người

Những thách thức về phát triển con người trong khoảng 10 năm trở lại đây do tăng trưởng kinh tế chậm lại, chủ yếu bởi các động lực tăng trưởng hiện nay của Việt Nam đã đến ngưỡng giới hạn.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Sau 3 thập kỷ Đổi mới, chỉ số phát triển con người Việt Nam đã có kết quả ấn tượng, song không đồng đều qua từng giai đoạn.

Ngày 5/2, tại Lễ công bố Báo cáo phát triển con người Việt Nam về Tăng trưởng bao trùm và Báo cáo Phát triển con người toàn cầu năm 2015, do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp cùng Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tổ chức, giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện nhấn mạnh con đường tăng trưởng bao trùm là chìa khóa để đạt được tiến bộ toàn diện về phát triển con người, cần cải cách chính sách và thể chế rộng khắp để đạt được tăng trưởng vì mọi người.

Trong những năm đầu Đổi mới, chỉ số phát triển con người bị suy giảm, tạo sự chênh lệch về phát triển con người giữa Việt Nam và các nước có mức phát triển tương đồng.

Chỉ số phát triển con người đã tăng nhanh hơn kể từ cuối những năm 90, Việt Nam là nước có kết quả tốt nhất tiến bộ về phát triển con người giai đoạn 1990-2000, song vị trí này bị lùi dần trong các giai đoạn sau đó đến nay.

Đáng lưu ý là thành tích về mặt phát triển con người thấp hơn so với phát triển kinh tế, mức gia tăng bất bình đẳng thấp hơn một số nước trong khu vực nhưng lại có thành tích về bình đẳng giới tương đối tốt.

Xem xét tiến bộ phát triển con người trên toàn quốc, Báo cáo 2015 cho thấy các tỉnh đều có tiến bộ tích cực nhưng không đồng đều, một số tỉnh tiến nhanh hơn các tỉnh khác.

Những tỉnh tiến bộ nhất đều phát triển kinh tế cần bằng với tiến bộ xã hội. Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng có mức phát triển con người cao tương tự như Ba Lan hoặc Croatia.

Các tỉnh nghèo như Hà Giang hay Lai Châu có mức phát triển con người tương đương với những nước như Guatemala hay Ghana.

Các “ngôi sao đang lên” như Hậu Giang, Tiền Giang, Bình Phước, Thái Nguyên và Phú Yên là những tỉnh có phát triển vượt bậc. Những “hòn đá tĩnh” như Hà Nam, Nghệ An, Phú Thọ, Hà Tĩnh là những tỉnh có tiến bộ chậm.

Thách thức đối với một nước có thu nhập trung bình như Việt Nam chuyển đổi từ giai đoạn phát triển dựa chủ yếu vào gia tăng sử dụng nguồn lực sang dựa vào nâng cao hiệu quả sử dụng và phân bổ nguồn lực cũng như gia tăng việc ứng dụng công nghệ và phát huy sáng tạo.

Những thách thức gặp phải trong khoảng 10 năm trở lại đây do tăng trưởng kinh tế chậm lại chủ yếu bởi các động lực tăng trưởng hiện nay của Việt Nam đã đến ngưỡng giới hạn.

Việt Nam cần có những cải cách chính sách và thể chế rộng khắp để có thể đạt được tăng trưởng bao trùm trong bối cảnh phát triển mới này.

Báo cáo xem xét 3 trụ cột chính sách, tập trung đưa ra giải pháp cải cách thể chế và chính sách toàn diện để mở rộng việc làm có năng suất, cải thiện hệ thống dịch vụ giáo dục và y tế cũng như đổi mới hệ thống an sinh xã hội.

Theo các tác giả, để tăng việc làm có năng suất, Việt Nam cần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, tăng hiệu suất kinh tế và sự kết nối công nghệ cũng như nuôi dưỡng sáng tạo.

Để cải thiện hệ thống giáo dục và y tế, Việt Nam cần cải thiện chất lượng và mở rộng tiếp cận giáo dục mầm non, giáo dục bậc cao và đào tạo nghề, đồng thời cần tiến hành đánh giá toàn diện các cải cách xã hội hóa trước khi nhân rộng.

Để đổi mới hệ thống bảo trợ xã hội, Việt Nam cần thực hiện các biện pháp khuyến khích để đạt mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân, hệ thống bảo hiểm xã hội tự chi trả, xây dựng hệ thống Trợ giúp xã hội dựa trên nguyên tắc “vòng đời.”

Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại việt Nam nêu bật phát hiện chính của báo cáo là Việt Nam có tiếp tục phát triển thành công hay không phụ thuộc vào khả năng xây dựng một nền kinh tế vì mọi người và công bằng - điều này bắt nguồn từ khả năng cung cấp việc làm đầy đủ, cơ hội và bảo trợ cho tất cả mọi người.

Bà Mehta nhấn mạnh sự cần thiết phải tập trung vào cả nhóm người nghèo và nhóm thu nhập trung bình thấp, những người có thu nhập không cao hơn nhiều so với chuẩn nghèo, những người làm việc trong khu vực không chính thức, người di cư đến đô thị và nông dân bởi cơ hội phát triển và được bảo vệ của họ rất hạn chế.

Năng lực của họ chưa được sử dụng hết, sự tham gia và năng suất lao động của họ rất quan trọng đối với phát triển thành công ở Việt Nam.

Ngoài ra, Bà Mehta cũng cho thấy những phát hiện chính trong Báo cáo Phát triển con người toàn cầu năm 2015, trong đó có đánh giá thế giới việc làm và đóng góp cụ thể của việc làm cho phát triển con người.

Báo cáo đưa ra nhiều thông điệp bổ sung về việc làm có năng suất, trong đó việc làm được hiểu theo nghĩa rộng là bao gồm cả các hoạt động được trả công và không trả công.

Công việc nội trợ không công, chủ yếu do phụ nữ thực hiện khi chăm sóc gia đình, có vai trò quan trọng cho phát triển con người không khác gì việc làm được trả công.

Thế giới đã thay đổi nhanh chóng nhưng quan niệm về phát triển con người vẫn giữ nguyên tính thời sự trong các cuộc đàm luận về phát triển - thậm chí còn mang tính thời sự hơn trong bối cảnh thế giới ngày nay.

Thúc đẩy phát triển con người thông qua việc làm cần các chính sách cụ thể và một chương trình hành động. Báo cáo đặt mục tiêu đạt được một chương trình hành động dựa trên một Khế ước xã hội mới, một Thỏa thuận toàn cầu và Chương trình nghị sự về việc làm bền vững./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục