Tăng trách nhiệm sàn TMĐT: Khai nộp thuế thay người bán hàng

Cơ quan thuế sẽ hoàn thiện quy định pháp luật để tăng cường trách nhiệm của chủ sở hữu sàn thương mại điện tử trong việc khai thuế, nộp thuế thay cho người bán hàng hóa, dịch vụ thông qua sàn.
Tổng cục Thuế sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế, như hướng dẫn đăng ký, kê khai, nộp thuế trên Cổng thông tin điện tử của ngành thuế. (Ảnh: PV/ Vietnam+)
Tổng cục Thuế sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế, như hướng dẫn đăng ký, kê khai, nộp thuế trên Cổng thông tin điện tử của ngành thuế. (Ảnh: PV/ Vietnam+)

Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam đạt khoảng 13,7 tỷ USD năm 2021, dự báo có thể đạt 39 tỷ USD vào năm 2025. Theo đó, Việt Nam sẽ trở thành nền kinh tế có thị trường thương mại điện tử đứng thứ ba trong khu vực ASEAN.

Tuy nhiên, thương mại điện tử và dịch vụ số xuyên biên giới phát triển cũng đặt ra nhiều vấn đề, đặc biệt là liên quan đến quản lý thuế do những khó khăn trong quản lý đầy đủ các nguồn thu, đối tượng nộp thuế, xác định căn cứ tính thuế…

Nhận diện khó khăn

Tại hội thảo “Thuế đối với thương mại điện tử và dịch vụ số xuyên biên giới: Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam,” sáng 29/7, ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết tại thời điểm này Việt Nam có 139 đơn vị chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử (trong đó có 41 sàn thương mại điện tử bán hàng, 98 sản thương mại điện tử cung cấp dịch vụ) và 3 công ty (đối tác của các nhà cung cấp nước ngoài) trả tiền cho các tổ chức, cá nhân có quan hệ giao dịch với các nhà cung cấp nước ngoài, tương ứng với số lượng khách hàng trung bình truy cập các sàn khoảng 3,5 triệu lượt khách/ngày.

[Những thuận lợi từ thu thuế qua sàn giao dịch thương mại điện tử]

“Quốc hội, Chính phủ đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để quản lý các hoạt động giao dịch điện tử đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên nền tảng số. Tuy nhiên, những đặc trưng của nền kinh tế số và tình hình phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử đã đặt ra nhiều thách thức không nhỏ đối với công tác quản lý hoạt động thương mại điện tử cũng như công tác quản lý thuế,” ông Minh nói.

Ông Minh nêu ra một số hạn chế về khả năng quản lý đầy đủ các nguồn thu và đối tượng nộp. Theo ông, các tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động kinh doanh xuyên biên giới và không thuộc đối tượng đánh thuế của bất kỳ quốc gia nào dựa theo nguyên tắc quản lý thuế truyền thống. Trong khi, các quốc gia đều căn cứ trên sự hiện diện vật chất của người nộp thuế, thì các doanh nghiệp, cá nhân có thể vận dụng các quy định để phân bổ thu nhập tới địa điểm có lợi nhất về thuế theo quy định của từng nước.

Tăng trách nhiệm sàn TMĐT: Khai nộp thuế thay người bán hàng ảnh 1(Nguồn: Tổng cục Thuế)

Hơn nữa, việc xác định được căn cứ tính thuế trên môi trường số là rất khó khăn. Bởi, các hoạt động kinh doanh có thể thực hiện thông qua website (trên môi trường số tại một khu vực thị trường) và không cần sự hiện diện vật chất của người nộp thuế tại một nước hay một địa bàn cụ thể (điển hình là quảng cáo trực tuyến và các hoạt động tương tác thông qua nền tảng các mạng xã hội).

Chính vì vậy, ông Minh cho rằng rất khó phân biệt rõ các loại thu nhập để làm cơ sở đánh thuế. Ví dụ như doanh thu liên quan đến phần mềm, sản phẩm nội dung thông tin số, các ứng dụng đăng tải trên mạng... rất khó để xác định số tiền chi trả cho bản quyền, phí dịch vụ hay doanh thu trả cho sản phẩm số.

“Ngoài ra, mô hình kinh tế chia sẻ cũng đặt ra nhiều câu hỏi trong việc xác định ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh làm căn cứ tính thuế giá trị gia tăng, nghĩa vụ khai thuế. Thêm vào đó, việc kiểm soát các giao dịch kinh doanh để quản lý đối tượng thu thuế và dòng tiền là không dễ dàng,” ông Minh nhấn mạnh.

Áp thuế với thương mại điện tử xuyên biên giới

Về kinh nghiệm quốc tế, ông Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính, Bộ Tài chính cho hay để giải quyết với tình trạng thất thu ngân sách, Chính phủ một số nước đã yêu cầu những nhà cung cấp nước ngoài bán hàng hóa qua thương mại điện tử tại cần phải đăng ký thuế.

Cụ thể, Liên minh châu Âu (EU) yêu cầu những nhà cung cấp hàng hóa dịch vụ qua thương mại điện tử ngoài khu vực EU khi bán hàng hóa vào trong khối EU cần đăng ký thuế và thu hộ thuế giá trị gia tăng từ người tiêu dùng hàng hóa trong khu vực. Từ ngày 1/7/2021, các nhà bán hàng online, sàn giao dịch thương mại điện tử đều phải đăng ký kinh doanh ở một nước thành viên nếu muốn bán hàng trực tuyến vào EU.

Trên thực tế, hầu hết các quốc gia đã ban hành thuế giá trị gia tăng/thuế hàng hóa và dịch vụ đối với thương mại điện tử xuyên biên giới.

Bên cạnh đó, thu thuế đối với các dịch vụ kỹ thuật số trở thành là một loại thuế mới áp dụng đối với doanh thu hoặc lợi nhuận của các công ty (không cư trú) đang cung cấp quảng cáo, dịch vụ/nội dung kỹ thuật số cho người dùng địa phương.

Tăng trách nhiệm sàn TMĐT: Khai nộp thuế thay người bán hàng ảnh 2(Nguồn: Tổng cục Thuế)

Theo đại diện Công ty kiểm toán KPMG, hiện có 27 quốc gia (Argentina, Áo, Pháp, Hy Lạp, Ấn Độ, Indonesia, Kenya, Tây Ban Nha, Anh...) đã ban hành quy định áp dụng thuế đối với thu nhập từ doanh thu có được từ các hoạt động liên quan đến cung cấp các dịch vụ kỹ thuật số, dịch vụ quảng cáo... Ngoài ra, KPMG cho biết có 7 quốc gia đang xây dựng dự thảo luật và lấy ý kiến rộng rãi, 10 quốc gia có ý định thực hiện và 7 quốc gia chờ đợi giải pháp mang tính toàn cầu (Bỉ, Phần Lan, Singapore, Nam Phi, Thụy Điển, Thụy Sỹ, Hoa Kỳ).

Hiện, mức thuế suất đối với sắc thuế này cũng khá đa dạng giữa các quốc gia, cụ thể thuế suất 5% (áp dụng ở Argentina, Áo...), mức 3% (ở Pháp, Ý, Tây Ban Nha...), mức 2% (ở Anh...) và mức 1,5% (ở Ba Lan).

Định hướng trong thời gian tới, ông Minh cho biết ngày 6/9/2021, Bộ Tài chính đã phê duyệt Đề án “Quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử.” Theo đó, Tổng cục Thuế đã và đang tiếp tục triển khai thực hiện.

Trên cơ sở đó, Tổng cục Thuế sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế, như hướng dẫn đăng ký, kê khai, nộp thuế trên Cổng thông tin điện tử của ngành thuế.

Ngoài ra, ngành thuế tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật để tăng cường trách nhiệm của chủ sở hữu sàn thương mại điện tử trong việc khai thuế, nộp thuế thay cho người bán hàng hóa, dịch vụ thông qua sàn thương mại điện tử có chức năng đặt hàng trực tuyến và cung cấp thông tin cho cơ quan thuế bằng phương thức điện tử.

Theo ông Minh, Tổng cục Thuế đang nghiên cứu một số ý kiến đề xuất giúp tăng cường công tác quản lý thuế, điển hình như ý kiến đề xuất thu thuế giá trị gia tăng tại nguồn đối với các giao dịch thương mại điện tử.

Mặt khác, cơ quan thuế sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức, hiệp hội có liên quan để trao đổi, kết nối thông tin, phối hợp quản lý và hoàn thiện việc sửa đổi chính sách, pháp luật để tăng cường công tác quản lý thương mại điện tử.

“Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) đã ký Thỏa thuận phối hợp công tác với Bộ Công Thương (cơ quan cấp phép, quản lý các website thương mại điện tử) để chia sẻ cơ sở dữ liệu, kết nối để khai thác thông tin, hoàn thiện chính sách pháp luật để quản lý hoạt động kinh doanh thương mại điện tử,” ông Minh trao đổi./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục