Tăng tốc tiêm chủng trong quý 4 khi vaccine COVID-19 về dồn dập

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết trong quý 3, số lượng vaccine về có thể chưa nhiều nhưng tới quý 4 thì dồn dập và riêng vaccine Pfizer sẽ về Việt Nam khoảng 47-50 triệu liều.
Tăng tốc tiêm chủng trong quý 4 khi vaccine COVID-19 về dồn dập ảnh 1Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, tính tới sáng 3/8, trên cả nước đã có gần 7 triệu liều vaccine đã được tiêm cho lực lượng tuyến đầu chống dịch và người dân, trong đó có gần 713.000 người đã tiêm đủ hai mũi.

Tuy nhiên, Bộ Y tế cho biết vẫn còn một số địa phương, đơn vị chậm trễ trong việc tổ chức tiếp nhận, phân bổ và triển khai tiêm vaccine COVID-19.

Để đạt được mục tiêu tiêm chủng vaccine COVID-19 cho người dân với tỷ lệ bao phủ cao trong năm 2021, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành phố, dự kiến số lượng vaccine được cung ứng có thể tăng nhiều trong thời gian tới, Bộ Y tế đề nghị các địa phương, đơn vị đẩy nhanh và tăng tốc độ tiêm chủng vaccine COVID-19 đã được phân bổ.

Bộ Y tế yêu cầu các địa phương không giới hạn điểm tiêm, không giới hạn số lượng tiêm trong một buổi, thời gian chờ đợi sau tiêm thay đổi tuỳ theo các địa phương quyết định. Các địa phương phải lập kế hoạch tiêm nhanh chóng nhất có thể nhưng phải đảm bảo an toàn.

Tại cuộc họp khẩn trực tuyến về phòng chống dịch COVID-19 vào sáng 2/8, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết trong quý 3, số lượng vaccine về có thể chưa nhiều nhưng tới quý 4 thì dồn dập. Riêng vaccine Pfizer sẽ về Việt Nam khoảng 47-50 triệu liều.

Vì vậy, các địa phương hiện có ít vaccine vẫn phải đẩy nhanh tốc độ tiêm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm chuẩn bị cho các đợt vaccine sắp về. Đặc biệt, tại các vùng phong toả càng phải tổ chức tiêm ngay.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương sàng lọc sớm, sàng lọc trước các đối tượng đăng ký tiêm để phân loại, chỉ định điểm tiêm phù hợp tình trạng sức khoẻ người dân.

Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: "Có vaccine nào tiêm ngay vaccine đó, không lựa chọn vaccine" bởi tất cả các loại vaccine đã được Bộ Y tế cấp phép sử dụng ở trong nước đều được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cấp phép và các quốc gia khác đang sử dụng.

[Thêm 1,18 triệu liều vaccine COVID-19 do COVAX hỗ trợ về Việt Nam]

Sáu loại vaccine phòng COVID-19 đã được Bộ Y tế cấp phép sử dụng tại Việt Nam, gồm AstraZeneca, Gam-COVID-Vac (tên khác là Sputnik V), Vero Cell của Sinopharm, Comirnaty của Pfizer/BioNTech, Spikevax (tên khác là COVID-19 Vaccine Moderna), Janssen. Bộ Y tế khẳng định, tất cả các vaccine được cấp phép và đưa về Việt Nam sử dụng đều đảm bảo an toàn và hiệu quả.

Cũng trong ngày 2/8, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 3679/QĐ-BYT phê duyệt đề cương nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vaccine ARCT-154 phòng COVID-19.

Sản phẩm do Tập đoàn VinGroup, thông qua công ty thành viên là Công ty Cổ phần công nghệ Sinh học VinBioCare tiếp cận, đàm phán với Công ty Arcturus Therapeutics, Inc (Hoa Kỳ) để mua công nghệ vaccine mRNA phòng COVID-19 và sẽ triển khai đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.

Vaccine ARCT-154 sẽ được thực hiện cả ba giai đoạn (1, 2, 3) ở Việt Nam trên người tình nguyện tham gia nghiên cứu từ 18 tuổi trở lên. Theo kế hoạch, ngày 8/8 chương trình thử nghiệm lâm sàng vaccine ARCT-154 phòng COVID-19 sẽ được khởi động tại Trường Đại học Y Hà Nội.

Tăng tốc tiêm chủng trong quý 4 khi vaccine COVID-19 về dồn dập ảnh 2Điểm tiêm chủng tại Nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức, Hà Nội. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 17,6 triệu liều vaccine COVID-19 gồm vaccine của AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Sputnik-V, Sinopharm.

Trong đó, Bộ Y tế đã phân bổ hơn 16 triệu liều vaccine theo 16 đợt cho các địa phương, bộ ngành, đơn vị. Thành phố Hồ Chí Minh có số lượng tiêm vaccine nhiều nhất.

Để đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho người dân, đảm bảo độ bao phủ vaccine trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời đảm bảo yêu cầu an toàn phòng, chống dịch bệnh trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã điều chỉnh kế hoạch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 đợt 5.

Những người trên 65 tuổi hoặc người có bệnh lý nền mạn tính được tiêm tại tất cả các cơ sở tiêm chủng cố định và lưu động, không bắt buộc tiêm tại bệnh viện, cơ sở điều trị./.

Sáu loại vaccine phòng COVID-19 đã được Bộ Y tế cấp phép sử dụng tại Việt Nam, gồm AstraZeneca, Gam-COVID-Vac (tên khác là Sputnik V), Vero Cell của Sinopharm, Comirnaty của Pfizer/BioNTech, Spikevax (tên khác là COVID-19 Vaccine Moderna), Janssen. Bộ Y tế khẳng định, tất cả các vaccine được cấp phép và đưa về Việt Nam sử dụng đều đảm bảo an toàn và hiệu quả.

Đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 17,6 triệu liều vaccine COVID-19 gồm vaccine của AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Sputnik-V, Sinopharm.

Trong đó, Bộ Y tế đã phân bổ hơn 16 triệu liều vaccine theo 16 đợt cho các địa phương, bộ ngành, đơn vị. Thành phố Hồ Chí Minh có số lượng tiêm vaccine nhiều nhất.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục