Tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công: Tạo đà cho phát triển kinh tế

Đến hết tháng 11/2020, cả nước giải ngân vốn đầu tư công thuộc kế hoạch năm 2020 ước đạt 62,9%, bao gồm cả phần vốn các địa phương cân đối bổ sung ngoài số vốn được Thủ tướng Chính phủ giao.
Trụ sở công trình vốn đầu tư công gần Trung tâm hành chính công tỉnh Bình Dương được gấp rút hoàn thành tại thành phố mới Bình Dương. (Ảnh: Chí Tưởng/TTXVN)

Tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công của năm 2020 đã có nhiều điểm sáng khi nhiều bộ ngành đã hoàn thành kế hoạch của năm.

Tuy nhiên, vẫn còn một số nguyên nhân khách quan và chủ quan vướng mắc khiến cho giải ngân chưa đạt được như kế hoạch đã đề ra.

Phóng viên TTXVN đã phỏng vấn ông Lê Tuấn Anh, Phó vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính), xung quanh vấn đề này.

- Tình hình giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 có sự khác biệt gì so với các năm trước trong bối cảnh xảy ra dịch COVID-19, thưa ông? Xin ông cho biết kết quả giải ngân tính đến thời điểm hiện nay?

Ông Lê Tuấn Anh: Năm 2020 có 2 nhân tố khách quan là dịch COVID-19 kéo dài trong những tháng đầu năm và thiên tai tại khu vực miền Trung trong 2 tháng vừa qua; cộng với những khó khăn mang tính kinh niên của hoạt động đầu tư xây dựng đã ảnh hưởng rất lớn đến kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công, đặc biệt trong giai đoạn nửa đầu năm 2020.

Đến hết tháng 11/2020, cả nước giải ngân vốn đầu tư công thuộc kế hoạch năm 2020 ước đạt 62,9%, bao gồm cả phần vốn các địa phương cân đối bổ sung ngoài số vốn được Thủ tướng Chính phủ giao.

Nắm bắt được những khó khăn chung từ những năm trước nên với yêu cầu đẩy mạnh giải ngân, góp phần phục hồi kinh tế và tăng trưởng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt yêu cầu các bộ, địa phương phấn đấu giải ngân hết kế hoạch năm 2020. Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, nhìn chung kết quả giải ngân năm 2020 đến nay là tích cực.

[Infographics] Tăng vốn đầu tư công đạt mức cao giai đoạn 2011-2020

Tính đến thời điểm hiện nay có 15 bộ, cơ quan trung ương và 18 địa phương có ước tỷ lệ giải ngân đến 30/11/2020 đạt trên 75%, cá biệt một số đơn vị đã cơ bản hoàn thành kế hoạch năm song vẫn còn 13 bộ, cơ quan trung ương và 5 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 50%.

Trong số đó, có 7 bộ, cơ quan trung ương và 1 tỉnh có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 30% là Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Hội Nhạc sỹ Việt Nam, Viện Khoa học công nghệ Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Y tế, Tòa án Nhân dân tối cao, tỉnh Đồng Nai.

- Bộ Tài chính có sự đôn đốc, giám sát như thế nào để thúc đẩy giải ngân nguồn vốn đầu tư công đạt kết quả cao nhất trong năm nay? Nguyên nhân khiến tình trạng giải ngân vẫn chậm kéo dài từ năm này sang năm khác là gì, thưa ông?

Ông Lê Tuấn Anh:  Quán triệt tinh thần quyết liệt đẩy mạnh giải ngân chung của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; theo chức năng, nhiệm vụ quản lý, Bộ Tài chính đã sớm rà soát, phản hồi đối với phân bổ kế hoạch năm 2020 của các bộ, địa phương ngay khi nhận được phân khai của các đơn vị, chỉ ra các bất cập, đề nghị điều chỉnh để đảm bảo đủ điều kiện giải ngân.

Đồng thời, Bộ Tài chính thực hiện kiểm tra trực tiếp tại một số bộ, địa phương; trên cơ sở đó có ngay các báo cáo kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ cũng như nhiều văn bản gửi các đơn vị hướng dẫn tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện giải ngân vốn.

Ngoài ra, bộ cũng tổ chức các hội nghị trực tuyến với các chủ đầu tư, các địa phương về quản lý thanh toán vốn đầu tư nói chung và vốn ODA nói riêng.

Bộ Tài chính đã tổng hợp kết quả giải ngân định kỳ hàng tháng báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo cập nhật kịp thời tình hình thực tế, nhận định cụ thể các vướng mắc, đề xuất ngay các giải pháp tháo gỡ và kiến nghị các công việc các bộ, địa phương cần thực hiện.

Tôi cho rằng nguyên nhân đầu tiên khiến cho việc giải ngân chậm làm ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả giải ngân của các bộ, địa phương là giải phóng mặt bằng.

Nguyên nhân thứ hai là áp dụng cơ chế quản lý chi phí đầu tư mới với một số điều chỉnh về thẩm quyền phê duyệt dự toán, đơn giá đã làm chậm quá trình triển khai của các đơn vị.

Đoạn cuối tuyến tuyến đường vành đai 3 trên cao đoạn Mai Dịch-Nam Thăng Long. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Các dự án ODA với các quy định mới theo Nghị định 56/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài đặc biệt là các quy định liên quan đến điều chỉnh hiệp định vay đã gây lúng túng nhất định cho các bộ, địa phương, chủ dự án trong triển khai.

Cũng không thể không nhắc đến nguyên nhân khách quan là dịch COVID-19 kéo dài đã ảnh hưởng đến việc huy động nhân lực, tổ chức thi công, đặc biệt các dự án ODA gắn với với nhập khẩu máy móc, thiết bị huy động chuyên gia nhà thầu nước ngoài bị ảnh hưởng rất lớn, hoạt động giải ngân do đó cũng bị ngừng trệ.

Tình hình thời tiết mưa bão liên tục tại các địa phương miền Trung tiếp tục gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thi công các dự án, đặc biệt là các dự án giao thông, thủy lợi cũng là nguyên nhân kéo cho tỷ lệ giải ngân của cả nước chậm lại.

Ngoài ra, một số địa phương mới được giao vốn bổ sung, chưa kịp hoàn thiện thủ tục giải ngân vốn.

Đồng thời, tại một số tỉnh miền núi (như tỉnh Lạng Sơn) còn đang gặp khó khăn trong việc xác định hộ nghèo được thụ hưởng vốn hỗ trợ đồng bào dân tộc miền núi, theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020 do thời gian lập đề án là năm 2017 nhưng đến năm 2020 mới được bố trí vốn, nên tỷ lệ giải ngân nguồn vốn này đạt thấp.

Bên cạnh đó, việc tổ chức thực hiện của cấp thực thi còn chậm trễ như khâu giao kế hoạch chi tiết của các bộ, ủy ban nhân dân tỉnh chậm, giao vốn cho dự án không có khả năng thực hiện.

Đến hết tháng 11 vẫn còn khoảng 2,3% kế hoạch, tương đương khoảng 11.000 tỷ đồng chưa phân bổ được và sẽ phải điều chỉnh cho các đối tượng có khả năng sử dụng. Hay một số đơn vị chậm trễ trong khâu chuẩn bị, hoàn tất các thủ tục đầu tư trong phê duyệt, xây dựng cũng như nghiệm thu thanh toán.

- Thời gian kết thúc năm không còn nhiều, xin ông cho biết những giải pháp cốt lõi mà Bộ Tài chính thực hiện để có thể đạt kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 cao nhất?

Ông Lê Tuấn Anh: Tôi cho rằng có rất nhiều giải pháp cần thực hiện để thúc đẩy tiến độ giải ngân, nhưng tựa chung lại thì có mấy vấn đề cần thực hiện ngay.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần hoàn thành ngay việc tổng hợp báo cáo điều chỉnh kế hoạch đối với các bộ, ngành tỷ lệ giải ngân dưới 60% theo quy định tại Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ để chuyển cho các dự án có khả năng sử dụng.

Các bộ, ngành thực hiện triệt để Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19; Nghị quyết số 149/NQ-CP ngày 10/10/2020 về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2020, tập trung dứt điểm kế hoạch 2020.

Đặc biệt, các bộ ngành chuẩn bị sẵn sàng cho phân khai chi tiết kế hoạch 2021; ưu tiên ngay cho các dự án chuyển tiếp có khối lượng để có thể giải ngân ngay sau khi kế hoạch được giao; các cấp kiên quyết, trách nhiệm trong khâu hoàn tất thủ tục đầu tư. Cơ quan tổng hợp có kiểm tra, giám sát tích cực, thường xuyên ngay từ đầu để nắm bắt, có phương án xử lý đối với những tình huống phát sinh.

Các bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương có báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính về việc rà soát các dự án có tỷ lệ giải ngân đến 30/9/2020 đạt dưới 60% kế hoạch vốn ngân sách trung ương đã được giao từ đầu năm 2020 để tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền phương án xử lý điều chuyển kế hoạch vốn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

- Xin cảm ơn ông!

Giải ngân vốn đầu tư công ở Tiền Giang: Động lực từ một Nghị quyết

Giải ngân đầu tư công: Câu chuyện có tiền nhưng không tiêu được

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục