Tăng tốc chuyển đổi số: Vì lợi ích của người dân và doanh nghiệp

Chuyển đổi số đã trở thành một hướng đi chiến lược cho các doanh nghiệp tồn tại, phát triển. Doanh nghiệp nào có chiến lược chuyển đổi số bài bản, nhanh chóng, phù hợp sẽ giành ưu thế trên đường đua.
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Sáng 9/10, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo: "Tăng tốc chuyển đổi số: Vì lợi ích thiết thực của người dân, doanh nghiệp." 

Hội thảo nằm trong chuỗi sự kiện của Chương trình bình chọn, trao tặng Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam - Vietnam Digital Awards năm 2022 (VDA 2022) do Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) chủ trì, Bộ Thông tin và Truyền thông bảo trợ, Tạp chí điện tử VietTimes là cơ quan tổ chức thực hiện.

Tiến sỹ Nguyễn Minh Hồng - Chủ tịch Hội truyền thông số cho biết mục đích của hội thảo nhằm đánh giá việc tăng tốc chuyển đổi số ở các tổ chức chính trị, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp vì lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp; trên cơ sở đó đề xuất những giải pháp triển khai những sáng kiến số.

Hội thảo chia làm 2 phiên chuyên sâu. Phiên 1 với chủ đề “Tăng tốc chuyển đổi số ở các cơ quan Nhà nước, vì lợi ích thiết thực của người dân, doanh nghiệp." Phiên 2 với chủ đề "Tăng tốc Chuyển đổi số ở các Doanh nghiệp, vì lợi ích thiết thực của người dân, doanh nghiệp."

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông), cho biết nếu coi năm 2020 là năm khởi động nhận thức về chuyển đổi số, năm 2021 là năm bắt đầu triển khai, trải nghiệm về chuyển đổi số trong bối cảnh đại dịch thì năm 2022 là năm đẩy mạnh chuyển đổi số theo hướng lấy người dân làm trung tâm, toàn dân và toàn diện. Giai đoạn từ nay đến năm 2025 sẽ là giai đoạn tăng tốc chuyển đổi số với những hành động triển khai cụ thể theo từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương.

Tính đến nay, chương trình chuyển đổi số quốc gia đã đạt được các kết quả quan trọng trên cả 3 trụ cột: Chính phủ số; Kinh tế số; Xã hội số. Đáng chú ý, thống kê mới nhất của Cục chuyển đổi số quốc gia cho thấy, tính đến tháng 6/2022, tỉ trọng kinh tế số trong GDP đã đạt 10,41%, tăng mạnh so với mức 9,6% tại cuối năm 2021. Tuy vậy, vẫn còn cách khá xa mục tiêu đề ra cho năm 2025 là 20% GDP.

Các chuyên gia đưa ra những khuyến nghị và giải pháp cho các doanh nghiệp khi thực hiện chuyển đổi số. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Năm 2022, định hướng trọng tâm của công tác chuyển đổi số quốc gia là đưa người dân, doanh nghiệp lên môi trường số thông qua phổ cập dịch vụ trực tuyến, phổ biến nền tảng số phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh; phổ cập nền tảng số khác phục vụ nhu cầu thiết yếu; phổ cập sử dụng sàn thương mại điện tử; phổ cập nền tảng dạy học trực tuyến và phổ cập nền tảng hỗ trợ tư vấn sức khỏe.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng đã khẳng định việc VDCA tổ chức hội thảo này là một hoạt động hết sức có ý nghĩa. Theo Thứ trưởng, đây là dịp để cùng nhau nhìn lại chặng đường trong suốt gần hai năm qua, chuyển đổi số đã và đang mang lại những lợi ích thiết thực gì cho người dân, cho doanh nghiệp. 

"Chuyển đổi số là một hành trình dài. Trên hành trình đó, có những thứ mà chúng ta chưa biết, chưa rõ cách làm. Năm 2021, 2022 là năm chúng ta đã cùng nhau trải nghiệm, cùng nhau khám phá, cùng nhau chia sẻ những câu chuyện thành công và cùng nhau tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Con đường chuyển đổi số của Việt Nam từ đó cũng đã dần được định hình," Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho hay.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục