Tăng thuế với doanh nghiệp chỉ làm gia công, không thúc đẩy sản xuất?

Theo đại biểu Bùi Thị An, doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất trong nước thì có thuế khuyến khích; còn doanh nghiệp nào chỉ làm gia công, không tăng phát triển trong nước thì phải tăng thuế lên.
Tăng thuế với doanh nghiệp chỉ làm gia công, không thúc đẩy sản xuất? ảnh 1Ảnh chỉ mang tính minh họa (Nguồn: TTXVN)

Chiều nay (29/10), Quốc hội đã thảo luận ở tổ về ​​Dự án Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi). Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế.

Một trong những nội dung quan trọng được các đại biểu đóng góp ý kiến đó là phải cân bằng được nguồn thu ngân sách nhà nước, tránh thất thu thuế.

Bên lề kỳ họp thứ 10, quốc hội khóa 13, VietnamPlus đã tổng hợp một số ý kiến của các đại biểu về các dự án luật trên.

Đại biểu Trần Du Lịch (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh): Việt Nam đã ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) kể cả TPP nên phương thức sử dụng hàng rào thuế quan sẽ thay đổi hoàn toàn. Xuất khẩu phải cân đối lại những sản phẩm duy trì thuế, còn những cái khuyến khích sẽ bỏ thuế.

Đối với thuế tiêu thụ đặc biệt với xe ôtô, từ năm 2018, theo cam kết với cộng đồng ASEAN, thuế nhiều dòng xe ôtô sẽ giảm mạnh nên phải tính toán sẽ khuyến khích dòng xe nào. Ví dụ, nếu xe có dung tích xilanh nhỏ, tiêu hao ít năng lượng và phù hợp với địa hình của Việt Nam, cần áp dụng mức thuế thấp. Ngược lại, sẽ phải nâng thuế với những dòng xe không khuyến khích để đảm bảo cân đối các nguồn thu.

Trong tương lai cần phải tính toán thuế ổn định. Ví dụ như thuế đánh vào bất động sản là vấn đề mà nhiều nước đã làm, các đô thị lớn đã làm. Trong khi đó, nhiều địa phương của Việt Nam vẫn dựa vào đất làm lợi thế, nhưng không thể có đất để bán mãi và đất đô thị hóa không còn nữa, nên nhiều sắc thuế trực thu phải tính lại.

Hơn nữa, phải tính toán tổng thể về chính sách thuế và lộ trình cơ cấu lại toàn bộ chính sách thuế, phù hợp hội nhập và khuyến khích trong nước, nuôi dưỡng nguồn thu trong nước.

Tăng thuế với doanh nghiệp chỉ làm gia công, không thúc đẩy sản xuất? ảnh 2Đại biểu Trần Du Lịch đang trao đổi với phóng viên bên lề quốc hội (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh): Năm 2015 dự tính thu từ dầu thô giảm tới 32.000 tỷ đồng nhưng ngành thuế thời gian qua đã có nỗ lực và góp phần tăng thu ngân sách cả năm tăng thêm 16.000 tỷ đồng nên giữ được bội chi ngân sách 5%.

Tuy nhiên, tình trạng trốn thuế, chậm thanh toán thuế, thủ tục hành chính trong thủ tục thuế vẫn gây khó khăn nhất định cho doanh nghiệp nên việc Chính phủ trình Quốc hội lần này sửa đổi điều khoản liên quan đến thuế Giá trị gia tăng, công tác quản lý thuế ... là phù hợp với diễn biến hiện nay.

Đặc biệt là bối cảnh ta hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, năm 2018 các dòng thuế thực hiện theo WTO, TPP… nên luật thuế Việt Nam phải sửa đổi phải phù hợp với xu thế phù hợp với thời gian tới.

Đại biểu Bùi Thị An (đoàn Hà Nội): Nguồn thu thuế là quan trọng và chủ yếu của đất nước, làm sao đạt mục tiêu khuyến khích sản xuất trong nước, thúc đẩy sản xuất trong nước nhưng phải tránh thất thu thuế.

Thời gian qua, ngành thuế cố gắng cải cách thủ tục hành chính, làm bớt khó cho doanh nghiệp, cho dân nhưng trên thực tế vẫn còn bất cập, làm thế nào không để thất thu thuế từ doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài cũng như doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), nên phải sửa.

Phân biệt tính thuế cần rõ ràng, doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất trong nước, có năng lực cạnh tranh tốt thì có thuế khuyến khích thúc đẩy phát triển. Còn doanh nghiệp nào chỉ làm gia công, không tăng phát triển trong nước thì phải tăng thuế lên, nếu áp dụng đồng loạt không phân biệt rõ thì sẽ không hiệu quả.

Nên khuyến khích giảm thuế cho xe ôtô có dung tích xilanh nhỏ, nhưng không nên phân nhiều bậc như quy định của Chính phủ (dưới 2.0 lít chia thành 3 ​mức). Còn với xe dung tích lớn, tiêu thụ năng lượng nhiều thì cần tăng thuế lên.

Đề nghị tới đây Quốc hội nên có giám sát trong thu thuế nhằm nâng cao tính minh bạch, khâu nào chưa thu được cần có giải pháp tốt hơn, đặc biệt trong giai đoạn này ta đang vô cùng khó khăn, cần từng đồng một cho phát triển đất nước.

Tôi không đồng ý việc xóa nợ cho doanh nghiệp nhà nước, vì bỏ qua nguồn thu lớn mà bỏ qua trách nhiệm của những người được giao, được ưu đãi cơ sở vật chất và giờ xóa nợ, vô hình chung ​sẽ không cần xem xét trách nhiệm của người quản lý đ​ó./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục