Việc tăng gấp ba thuế thuốc lá trên toàn cầu có thể sẽ giảm được 1/3 số người hút thuốc, đặc biệt có thể ngăn chặn được 200 triệu trường hợp chết sớm do mắc các bệnh liên quan đến thuốc lá trong thế kỷ này.
Đây là kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Anh đăng trên tạp chí Y học của nước này ngày 2/1.
Theo các nhà khoa học thuộc Trung tâm nghiên cứu ung thư của Anh (CRUK), việc tăng mạnh thuế đối với mặt hàng thuốc lá có thể khiến những người hút thuốc bỏ hẳn thói quen này, thay vì chuyển sang các loại thuốc lá giá rẻ hơn. Đây cũng là biện pháp mạnh ngăn giới trẻ sa đà vào thói quen không có lợi này.
Trưởng nhóm nghiên cứu, Tiến sỹ dịch tễ học Richard Peto cho rằng việc tăng thuế thuốc lá sẽ trực tiếp đánh vào "túi tiền" của những người nghiện tại những nước có mức thu nhập trung bình và nghèo, nơi thuốc lá hiện nay được bán với giá rẻ nhất và rất phổ biến.
CRUK cho rằng nếu bỏ hút thuốc trước năm 40 tuổi, những người nghiện thuốc lá có thể giảm hơn 90% nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến thuốc lá so với những người tiếp tục hút, thậm chí nếu từ bỏ thói quen xấu này trước năm 30 tuổi, người nghiện có thể tránh được tới 97% nguy cơ mắc các bệnh hiểm nghèo.
Không chỉ gây bệnh ung thư phổi, thuốc lá còn là nguyên nhân gây tử vong lớn nhất đối với những người mắc bệnh mãn tính như bệnh tim, huyết áp, đột quỵ...
Theo các số liệu thống kê mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thuốc lá là thủ phạm giết chết khoảng 6 triệu người mỗi năm trên thế giới và nếu không có các biện pháp hiệu quả để hạn chế tỷ lệ người hút thuốc, số người chết do các bệnh liên quan đến thuốc lá có thể sẽ tăng lên trên 8 triệu người vào năm 2030.
Theo ước tính, trên thế giới có khoảng 1,3 tỷ người hút thuốc, phần lớn sống tại các nước nghèo, nơi các chính phủ chưa có luật cấm hút thuốc lá./.