Những lý do để tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu lên kịch trần theo nhiều chuyên gia là chưa thuyết phục. Nhiều ý kiến cũng tỏ ra lo ngại về việc mặt bằng giá cả sẽ đội lên theo giá xăng, dầu nếu đề xuất tăng thuế thành hiện thực. Và, từ đó, người dân và doanh nghiệp sẽ… lãnh đủ.
"Doanh nghiệp đang gồng mình rồi"
Ngay đầu năm mới Mậu Tuất, đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu được Bộ Tài chính công bố khiến nhiều người giật mình.
[Đề xuất tăng thuế xăng lên mức trần 4.000 đồng mỗi lít]
Theo đề xuất, lãnh đạo ngành tài chính để xuất nâng mức thuế bảo vệ môi trường với xăng từ 3.000 đồng/lít lên kịch khung hiện tại là 4.000 đồng/lít. Dầu diesel cũng được đề nghị nâng mức thuế từ 1.500 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít. Tương tự, mức thuế với dầu mazut và dầu nhờn cũng được đề nghị nâng từ 900 đồng/lít lên kịch trần là 2.000 đồng/lít.
Nếu đề xuất này thành hiện thực, anh Bùi Thế Hùng (Công ty trách nhiệm hữu hạn An Hưng) tính toán, mỗi tháng anh sẽ tốn thêm khoảng 25.000 đồng tiền xăng. Số tiền này theo anh có thể chỉ “gần bằng bát bún, bát phở” nhưng điều anh lo lắng là tác động dây chuyền từ việc xăng tăng giá.
“Tăng 1.000 đồng mỗi lít xăng, dầu, nghe tưởng là nhỏ nhưng mà kéo theo là giá cả các mặt hàng tiêu dùng sẽ đua nhau đội lên. Đó là chưa kể, nếu giá điện tăng nữa, chắc chắn mặt bằng giá chung sẽ còn tăng nữa,” anh Bùi Thế Hùng lo lắng.
Về phía doanh nghiệp, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội cũng tỏ ra lo lắng trước mức thuế bảo vệ môi trường mới được đề xuất.
“Khi tăng thuế thì bản thân doanh nghiệp cũng phải điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh. Nếu tăng 1.000 đồng/lít thì nguyên liệu đầu vào của doanh nghiệp cũng tăng khoảng hơn 10%. Và từ đó, người dùng cũng phải chấp nhuận mua với mức giá bị điều chỉnh từ phía doanh nghiệp,” ông Quốc Anh lên tiếng.
Cũng theo ông, quý 1 là thời điểm các doanh nghiệp đặc biệt là các đơn vị liên quan tới vận tải, logistic (kho vận), dệt may, da giày,… đang tập trung cho đơn hàng. Do vậy, việc điều chỉnh giá các nguyên liệu đầu vào sẽ khiến hàng các doanh nghiệp phải điều chỉnh lại và có thể gây ách tắc.
Ông thừa nhận, chính doanh nghiệp đang phải phải “gồng mình” chịu các loại thuế. Bởi vậy, việc điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường nếu được áp dụng sẽ buộc các doanh nghiệp phải điều chỉnh giá các sản phẩm và có thể làm yếu đi khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
Từ đó, vị đại diện Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội cho rằng, việc tăng thuế không nên tăng kiểu “tận thu” mà phải có lộ trình và dự báo trước.
Lý do thiếu thuyết phục?
Lý giải cho đề xuất tăng thuế, văn bản của Bộ Tài chính nêu quan điểm: Xăng dầu là sản phẩm chứa các chất hóa học, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường ở diện rộng, ngay cả khi không sử dụng.
Ngoài ra, một lý do khác được ông ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) nêu lên là số thu từ hoạt động nhập khẩu xăng dầu liên tục giảm qua các năm khi Việt Nam thực hiện cam kết trong các hiệp định thương mại tự do (FTA). Đặc biệt, ông chỉ ra việc giá xăng dầu của Việt Nam hiện nay so với các nước có chung đường biên giới, các nước châu Á cũng như một số nước thế giới ở mức thấp.
Tuy nhiên, với chuyên gia kinh tế Bùi Quang Tín, nếu muốn tăng thu ngân sách, cơ quan chức năng có nhiều cách như: cắt giảm chi tiêu công, đầu tư công có hiệu quả, hay có các biện pháp quản lý thuế với các loại hình kinh doanh mới như Grab, Uber, kinh doanh thương mại điện tử,…
Đây là những giải pháp theo ông “cần được nghĩ đến nhiều hơn thay vì chỉ tính đến tăng thuế để tăng thu.”
“Ngoài ra, công tác quản lý cũng cần chặt chẽ hơn, tránh tình trạng không quản được thì dùng gậy hành chính, đẩy gánh nặng lên vai người dân và doanh nghiệp,” ông nói.
Góp ý thêm, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội nêu quan điểm, lý do đề xuất tăng thuế của Bộ Tài chính chưa hợp lý thời điểm này.
Theo ông, Việt Nam đã tạo môi trường kinh doanh thuận lợi trong những năm 2016-2017 và năm nay là thời điểm tạo đà cho doanh nghiệp phát triển. Từ đó, cơ quan chức năng sẽ có có thêm nguồn thu từ doanh nghiệp như thuế thu doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng. Ông khẳng định, đó mới là nguồn thu lớn so với khoản thu chỉ khoảng 30.000 tỷ đồng của thuế bảo vệ môi trường.
Đứng ở góc độ khác, một chuyên gia kinh tế nhấn mạnh việc, xăng, dầu là hàng hóa thiết yếu nên người dân không thể không sử dụng. Đương nhiên, người dân không thể lựa chọn dịch chuyển từ sử dụng xa xỉ phẩm sang hàng hóa bình thường như trường hợp của nhiều hàng hóa khác.
Theo ông, nếu nâng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu người nghèo khó có khả năng tiết kiệm được hay mong chờ được hưởng lợi ích lâu dài. Vị này khẳng định, bản thân người nghèo “nhiều khi còn có nhu cầu di chuyển, vận chuyển nhiều hơn so với người giàu để có một mức thu nhập cao hơn.”