Tăng sức mua thị trường nội địa, phát triển sản xuất

Ngành công thương 5 thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM, Cần Thơ đã cùng bàn cách phát triển hệ thống thương mại nội địa.
Hội nghị ngành công thương 5 thành phố Hà Nội-Hải Phòng-Đà Nẵng-Thành phố Hồ Chí Minh-Cần Thơ đã diễn ra ngày 6/7 với chủ đề “Đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển hệ thống thương mại nội địa trong tiến trình mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế.”

Chủ đề này được xem là giải pháp khá hữu hiệu trong bối cảnh sức mua thị trường nội địa giảm, ảnh hưởng tới mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và hạn chế tình khả năng sản xuất của doanh nghiệp.

Nhiều ý kiến bàn thảo xoay quanh vấn đề tăng sức mua, tạo đầu ra cho thị trường, góp phần giải quyết hàng tồn kho, thúc đẩy sản xuất hàng hóa và những kiến nghị được đặt ra đáng để các cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp cùng suy ngẫm.

Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 5 thành phố này chiếm tỷ trọng trên 45% tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước. Chính vì vậy, tìm giải pháp tăng sức mua thị trường nội địa của 5 thành phố là cơ bản tăng sức mua thị trường nội địa của cả nước.

Theo Sở Công Thương các thành phố, thời gian qua, các đơn vị này thực hiện nhiều biện pháp nhằm khơi thông luồng hàng như: khuyến mại tiêu dùng, kích cầu hàng Việt, ngăn chặn hàng lậu, hàng giả lộng hành, phát triển kênh phân phối, hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến phát triển thị trường… Đặc biệt, các phiên chợ hàng Việt, chương trình bán hàng lưu động phục vụ nhân dân các xã miền núi, các huyện ngoại thành, các khu công nghiệp; lồng ghép giữa chương trình đưa hàng về nông thôn và cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được các thành phố tích cực triển khai.

Chương trình Bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu đã có tác động tích cực trong việc kích thích người tiêu dùng mua hàng hóa, góp phần bình ổn giá cả thị trường, không để xảy ra tình trạng sốt hàng, sốt giá. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, để tăng sức mua thị trường nội địa, các thành phố đều tìm cho mình những hướng đi tích cực.

Điển hình như thành phố Cần Thơ khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển quan hệ thương mại với các trung tâm cung ứng lớn trong và ngoài nước, trong đó đặc biệt chú trọng thị trường Thành phố Hồ Chí Minh. Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các kênh phân phối hàng hóa theo mô hình vừa tổ chức kênh phân phối bán buôn, vừa tổ chức kênh phân phối bán lẻ…

Thành phố Hà Nội cũng tăng cường mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển cơ sở hạ tầng thương mại… Ông Trương Minh Thanh, Phó Tổng Công ty Thương mại Hà Nội cho biết: “Tổng Công ty tích cực tìm kiếm đối tác, bạn hàng; triển khai xây dựng hệ thống đại lý cấp tổng công ty tại các tỉnh, thành phố cũng như đang tìm kiếm đầu mối, doanh nghiệp tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm do Tổng Công ty sản xuất.”

Song hành với thúc đẩy sức mua, các thành phố cũng tạo nguồn hàng nhằm đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân. Thành phố Đà Nẵng thường xuyên theo dõi, dự báo thị trường, nắm bắt nhu cầu tiêu dùng hàng hóa thiết yếu của nhân dân và khả năng cung ứng của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố để chỉ đạo, động viên doanh nghiệp cung ứng đủ hàng hóa cho thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá, tăng giá đột biến.

Còn Sở Công Thương Hà Nội cũng ký kết thỏa thuận liên kết hoat động thương mại với 6 tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ nhằm phát triển thị trường nội địa, tổ chức cung ứng hàng hóa hai chiều, đẩy mạnh xúc tiến thương mại… Đặc biệt, sở thường xuyên tổ chức đưa doanh nghiệp đi khai thác nguồn hàng tại các tỉnh, thành; chủ động dự trữ hàng hóa kịp thời cung ứng cho thị trường Hà Nội.

Các đơn vị tham dự cũng đưa ra nhiều kiến nghị với các bộ, ngành Trung ương trong công tác quản lý hoạt động thương mại nhằm tạo sự cạnh tranh lành mạnh và các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh sản xuất kinh doanh còn chịu nhiều áp lực./.

Đinh Thị Thuận (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục