Tăng phòng chống, sẵn sàng ứng phó dịch bệnh cúm A/H5N6

Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế tỉnh Lào Cai tăng cường công tác phòng chống và sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh cúm A/H5N6 sau khi phát hiện có ổ dịch cúm A/H5N6 trên địa bàn tỉnh.
Rắc vôi bột phòng chống dịch bệnh ở trang trại chăn nuôi gia cầm. Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Ngày 25/8, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) có công điện số 917/CĐ-DP gửi Sở Y tế tỉnh Lào Cai về việc tăng cường công tác phòng chống và sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh cúm A/H5N6 có thể lây từ gia cầm sang người.

Công điện nêu rõ, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) thông báo đã phát hiện ổ dịch cúm A/H5N6 trên đàn chim trĩ tại thị trấn Phố Lu, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai.

Đây là địa phương thứ ba của Việt Nam phát hiện virus cúm A/H5N6 trên gia cầm sau huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn và huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.

Tại Việt Nam, đến nay, chưa ghi nhận trường hợp mắc cúm A/H5N6 trên người, nhưng trước đó chủng virus cúm này đã gây tử vong trên người tại tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc.

Để chủ động thực hiện phòng chống lây nhiễm cúm A/H5N6 từ gia cầm sang người, Cục Y tế dự phòng đề nghị Sở Y tế tỉnh Lào Cai phối hợp với cơ quan thú y và chính quyền địa phương nơi có ổ dịch cúm A/H5N6 tiến hành xử lý triệt để ổ dịch, thực hiện các biện pháp tiêu trùng khử độc; tăng giám sát và lấy mẫu giám sát virus cúm trên gia cầm tại khu vực có nguy cơ cao; đặc biệt tại các điểm thu gom, buôn bán gia cầm và chăn nuôi tập trung để phát hiện và xử lý kịp thời ổ dịch.

Đồng thời tăng cường các hoạt động kiểm soát và xử lý gia cầm và các sản phẩm gia cầm nhập lậu.

Bên cạnh đó, Cục Y tế dự phòng đề nghị Sở Y tế Lào Cai tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh trên người, đặc biệt ở nơi có ổ dịch cúm gia cầm.

Các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính nặng hoặc viêm phổi nặng do virus, có tiền sử tiếp xúc với gia cầm ốm, chết phải được lấy mẫu bệnh phẩm gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để xét nghiệm phát hiện cúm A/H5N6 và các loại cúm độc lực cao khác; triển khai kịp thời các biện pháp cách ly, điều trị và phòng chống dịch bệnh.

Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng lây nhiễm cúm A/H5N6 từ gia cầm sang người như hạn chế tiếp xúc với gia cầm ốm, chết và chất thải từ gia cầm; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn thông thường; chỉ sử dụng thịt gia cầm và các sản phẩm từ gia cầm rõ nguồn gốc và được nấu chín kỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục