Từ ngày 1/4, Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) sẽ điều chỉnh tăng phí sử dụng đường bộ đối với đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng và Quốc lộ 5.
Cụ thể, trên tuyến cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, chặng Hà Nội đến cuối tuyến là cảng Đình Vũ có mức phí thấp nhất là 210.000 đồng, cao nhất là 840.000 đồng/lượt. Đối với mức phí 2 trạm BOT trên Quốc lộ 5, mức thấp nhất với xe dưới 12 chỗ là 45.000 đồng/lượt (hiện nay là 30.000 đồng/lượt); cao nhất là xe tải trên 18 tấn, xe container có vé lượt 200.000 đồng/lượt (hiện nay là 160.000 đồng/lượt).
Việc này, ngay lập tức đã vấp phải sự phản ứng mạnh của các doanh nghiệp vận tải. Bên hành lang Quốc hội, Đại biểu Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã trao đổi với báo giới về vấn đề này.
- Việc VIDIFI tăng phí đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng đã gây ra sự phản ứng mạnh. Nhiều ý kiến cho rằng với mức phí tăng theo chiều “dựng đứng” thì gánh nặng lên vai người dân sẽ là quá lớn. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
Đại biểu Nguyễn Đức Kiên: Trước hết phải thấy rằng các dự án cơ sở hạ tầng thông qua sử dung nguồn vốn BOT là chủ trương đúng của Đảng và Nhà nước. Nếu nhìn vào con số báo cáo về khoản chi cho phát triển 2011-2015 sẽ thấy vốn từ Nhà nước chỉ vào khoảng 38% và 62% đến từ các thành phần kinh tế khác. Bởi vậy, nếu chúng ta không tận dụng tốt khoảng 2/3 vốn đầu tư toàn xã hội vào phát triển thì đất nước sẽ mất khả năng có đà tăng trưởng cao khoảng 6-7% giai đoạn 2016-2020.
Về phí tăng cao, có thể hiểu trong giai đoạn đầu của những tháng đầu tiên khi đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng đưa vào khai thác là phí dự tính của nhà đầu tư. Đến nay, nhà đầu tư thông qua lộ trình và cam kết mà cơ quan chức năng đã ký phê duyệt dự án đầu tư thì họ sẽ làm theo hướng đó. Cho nên, phải hết sức bình tĩnh và dần dần tính vào chi phí hợp lý của doanh nghiệp.
- Vừa qua lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải đã cho biết việc tăng theo lộ trình. Theo ông, lộ trình như vậy có phù hợp không? Chúng ta có nên tiếp tục các dự án BOT hay không?
Đại biểu Nguyễn Đức Kiên: Hiện nay, chúng ta phải đặt vấn đề phí của đường cao tốc lên trên mặt bằng chung. Nếu đó là gánh nặng phí ai không chịu được chuyển sang đi Quốc lộ 5, ai muốn nhanh thì chuyển lên đường cao tốc.
Vấn đề là Nhà nước sẽ xây dựng cơ sở hạ tầng đủ để người dân có sự lựa chọn, hoặc là chi phí giá thấp với thời gian dài, hai là chi phí giá cao với thời gian ngắn lưu thông trên đường. Đó là xu thế chung của các nước trên thế giới và Việt Nam đang đi theo con đường đó. Đây là xu hướng tất yếu trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Còn vấn đề có tiếp tục đi theo BOT hay không, nếu ta nhìn lại Nghị quyết Hội nghị Trung ương về phát triển cơ sở hạ tầng thì chúng ta đã đặt ra các bước trình tự. Trong giai đoạn 2016-2020, chúng ta đã đặt ra tập trung phát triển hệ thống đường sắt, sân bay quốc tế cũng như tuyến đường sắt nối Việt Nam-Lào.
Như vậy, ở mỗi giai đoạn kế hoạch 5 năm, chúng ta có tập trung nhất định tạo ra đột phá trong hạ tầng giao thông. Thời gian tới, ta vẫn đẩy mạnh các dự án BOT, nhưng sẽ ở những hạng mục khác.
- Nhưng rõ ràng mức phí đường cao tốc vừa tăng là khá cao. Ông có cho rằng chúng ta nên kéo dài lộ trình thực hiện, mức tăng có thể chậm hơn một chút để giảm gánh nặng cho người dân không?
Đại biểu Nguyễn Đức Kiên: Chúng ta phải đặt vấn đề phí so với các nước trong khu vực và trong quá trình hội nhập quốc tế thì nó có cao hay không chứ không thể lấy ngân sách để bù cho các loại hình doanh nghiệp khi sử dụng con đường đó.
Chúng ta thấy, nền kinh tế không chỉ đơn thuần là người dân mà còn cả doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác. Chúng ta nhìn lại khu vực Hưng Yên, Hải Dương khi người ta sử dụng tuyến đường cao tốc đó và đặc biệt là khu công nghiệp Sài Đồng có phải người dân sử dụng nhiều không?
Ở đây cần nói tới các loại hình vận tải đi trên đó. Đã đi trên đó thì phải chịu phí tương đương với phí trong khu vực và vốn chúng ta bỏ ra. Còn nếu muốn đường chất lượng quốc tế, giá thì của Việt Nam thì nghe chừng khó.
- Xin cảm ơn ông!