Tăng nguồn mô tạng hiến tặng từ người chết não: Bắt đầu từ nhân viên y khoa

Hiện nay, số trường hợp hiến tạng sau chết não ở Việt Nam vẫn còn khá ít ỏi. Khi cộng đồng cùng hiểu biết và chia sẻ với hoạt động nhân văn này, sự sống của nhiều người sẽ được nối dài.

Tại Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh), gần 120 y bác sỹ, điều dưỡng, kỹ thuật viên, trong đó có 60 y, bác sỹ đến từ các trung tâm ghép tạng của Việt Nam đã tiến hành lấy đa tạng từ một người cho chết não. (Ảnh: TTXVN phát)
Tại Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh), gần 120 y bác sỹ, điều dưỡng, kỹ thuật viên, trong đó có 60 y, bác sỹ đến từ các trung tâm ghép tạng của Việt Nam đã tiến hành lấy đa tạng từ một người cho chết não. (Ảnh: TTXVN phát)

Với nỗ lực không ngừng, những năm qua ngành y tế Việt Nam đã đạt nhiều thành công vượt trội trong lĩnh vực ghép tạng, ghi dấu ấn trên bản đồ y khoa thế giới.

Tuy nhiên hiện nay, số trường hợp hiến tạng sau chết não ở Việt Nam vẫn còn khá ít ỏi. Khi cộng đồng cùng hiểu biết và chia sẻ với hoạt động nhân văn này, sự sống của nhiều người sẽ được nối dài.

Phó giáo sư Đồng Văn Hệ - Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Giám đốc Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người đã có những chia sẻ để đẩy mạnh công tác vận động hiến mô tạng trong thời gian tới.

Những tín hiệu tích cực

- Phó giáo sư có thể cho biết tỷ lệ và tình trạng hiến tạng tại Việt Nam hiện nay ra sao?

Phó giáo sư Đồng Văn Hệ: Tỷ lệ hiến tạng từ người chết não tại Việt Nam chỉ có 0,15 người trên 1 triệu dân, trong khi tỷ lệ này trên thế giới là 50 người/1 triệu dân. Điều này cho thấy số người hiến tạng khi chết não tại Việt Nam rất thấp.

Theo số liệu của Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, năm 2023 số người được ghép tạng tại Việt Nam là 1.000 người, trở thành nước có nhiều người được ghép tạng nhất Đông Nam Á.

Tuy nhiên, trong số người được ghép này chủ yếu lấy từ nguồn tạng là người hiến còn sống, còn nguồn tạng là người chết não chỉ có 12 người. Hiện nay, nhu cầu người bệnh cần ghép tạng là rất lớn, nhưng vì thiếu nguồn tạng từ người cho chết não nên phải lấy tạng từ nguồn tạng từ người hiến sống.

Chúng ta vẫn mong muốn nguồn tạng hiến từ người chết não, chết tim nhiều hơn, vì một người chết não hay chết tim có thể hiến được 8 tạng gồm: 2 thận, 2 gan, 2 phổi, tim, tuyến tuỵ, giác mạc... Còn người sống chỉ ghép được một bộ phận, và có bộ phận không bao giờ lấy được như tim, bên cạnh đó còn có những rủi ro về sức khỏe đối với người hiến sau hiến tạng.

- Phó giáo sư có thể cho biết kết quả công tác hiến ghép tạng từ đầu năm đến nay như thế nào?

Phó giáo sư Đồng Văn Hệ: Trong 6 tháng đầu năm, cả nước có 13 trường hợp chết não hiến tạng, trong đó có 7 ca tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức; 2 ca tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, các ca còn lại tại Bệnh viện E, Bệnh viện Việt Nam Thuỵ Điển-Uông Bí, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên và Bệnh viện đa khoa Phú Thọ... Số ca chết não hiến tạng trong 6 tháng đầu năm 2024 tương đương với cả năm 2023.

Screen Shot 2024-08-01 at 16.12.57.png
Phó giáo sư Đồng Văn Hệ - Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Giám đốc Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Cùng với đó, số người đăng ký hiến mô tạng sau khi qua đời cũng tăng nhanh, sau khi Thủ tướng Chính phủ phát động và gia đình Thủ tướng đăng ký hiến mô tạng, chỉ trong gần 2 tháng đã có hơn 30.000 người đăng ký. Trong khi trước đó trong gần 10 năm cả nước mới ghi nhận khoảng 80.000 trường hợp đăng ký hiến mô, tạng.

Điều đáng mừng, trong 6 tháng đầu năm, số ca đăng ký hiến tặng mô, tạng và số ca gia đình đồng ý hiến tặng mô, tạng đã tăng rất nhanh so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ hiến mô, tạng sau khi qua đời cũng tăng gấp đôi so với cùng kỳ. Đây là những tín hiệu tích cực để tăng hơn nữa nguồn tạng hiến. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa thể đáp ứng với thực tiễn có hàng nghìn bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo đang chờ ghép tạng.

- Theo ông, trong công tác vận động người hiến tạng hiện nay, có những khó khăn gì về chính sách cần giải quyết và khắc phục?

Phó giáo sư Đồng Văn Hệ: Hiện chưa có các văn bản dưới Luật hướng dẫn cụ thể về việc ghép tặng mô, tạng, trong khi đó, một số vấn đề chuyên môn sâu, phức tạp trong Luật ghi tương đối ngắn gọn, không cụ thể. Chính vì vậy, trong tháng 6 vừa qua, Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người đã thành lập 9 hội đồng và xây dựng quy trình điều phối, ưu tiên, tiêu chí ghép, tiêu chí cấp cứu. Với việc thành lập này, sẽ giúp các cơ sở y tế tham gia mạng lưới hiến tặng mô, tạng và mạng lưới ghép có quy trình phân phối tạng minh bạch, công khai, hiệu quả và nhanh chóng, không lãng phí nguồn tạng hiến.

Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người thành lập 5 hội đồng chuyên môn về điều phối ghép mô, tạng và 4 hội đồng chuyên môn về mạng lưới hiến. Thông qua việc thành lập này, các bệnh viện trong mạng lưới hiến và ghép trên toàn quốc sẽ ngồi với nhau, cùng tham gia các hội đồng như hội đồng điều phối ghép thận, ghép tim… Bộ Y tế cũng rất ủng hộ việc này vì mô hình này đã được thực hiện thành công ở Trung Quốc. Chúng tôi tin là Việt Nam cũng sẽ triển khai thành công mô hình này.

Việc thành lập các hội đồng có sự tham gia của đại diện của các bệnh viện trong mạng lưới sẽ góp thêm tiếng nói để Trung tâm đưa ra quy trình chuẩn hơn. Cũng từ đó, lan tỏa được các thông điệp về hiến, tặng mô tạng đến từng bệnh viện và trong giới y khoa.

Phải bắt đầu từ nhân viên y khoa

- Để đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động hiến mô tạng, Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam và Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người có những định hướng chiến lược ra sao?

Phó giáo sư Đồng Văn Hệ: Trong chiến lược tăng số người đăng ký hiến mô, tạng Hội sẽ vận động thay đổi quy định của luật, mở rộng nâng cao giáo dục cộng đồng, học sinh sinh viên, truyền thông đại chúng, nhân viên hội chữ thập đỏ…

Một trong những mục tiêu lớn của Trung tâm làm sao để giúp nhiều người dân hiểu về hiến tặng mô, tạng. Để làm được điều này chúng ta phải đào tạo giới y khoa hiểu đúng, từ đó các nhân viên y tế tự tin có đủ năng lực để lan tỏa nghĩa cử, hành vi đúng đó tới mọi người dân.

TTXVN_ghep tang 2.jpeg
Ekip bác sĩ thực hiện ca ghép tạng từ người cho chết não. (Ảnh: TTXVN phát)

Chúng ta có hơn 500.000 cán bộ nhân viên y tế, nên chúng tôi xác định phải bắt đầu từ nhân viên y khoa. Chúng tôi sẽ đưa nội dung đào tạo khái niệm ghép tạng, hiến mô tạng, Luật hiến mô tạng, chết não, phát hiện và quản lý chết não tiềm năng vào chương trình đào tạo thường quy của Đại học Y Hà Nội từ tháng 8/2024, sau đó mở rộng giảng dạy ở các trường đại học y khác. Nội dung đào tạo gồm: Ghép tạng, hiến mô tạng, luật hiến mô tạng, chết não, phát hiện và quản lý chết não tiềm năng.

Bên cạnh đó, tại các bệnh viện cũng cần phải xây dựng mạng lưới bệnh viện hiến, đào tạo nhân viên y tế về khả năng phát hiện người chết não tiềm năng hiến mô tạng, khả năng đánh giá chức năng mô tạng hiến; hồi sức giữ chức năng mô tạng; tiếp cận và thuyết phục gia đình hiến… Việc xây dựng mạng lưới bệnh viện hiến sẽ giúp không phải chuyển người bệnh chết não tiềm năng tới bệnh viện khác lấy mô tạng vì có thể làm nặng thêm tình trạng người bệnh, tăng nguy cơ ngừng tim.

Đến nay, mạng lưới bệnh viện vận động hiến mô, tạng trên cả nước là 26 bệnh viện. Trong đó có 6/26 bệnh viện ghép tạng đã thực hiện chẩn đoán chết não về hiến tặng mô tạng.

Vì vậy, chúng ta cần học tập kinh nghiệm của các nước phát triển đã thành công. Đó là cần phát triển mạnh số bệnh viện hiến tạng, để phát triển ngành ghép tạng theo xu thế của thế giới, như ở Tây Ban Nha có tới 14.000 bệnh viện hiến, cao hơn số bệnh viện ghép rất nhiều và ngày càng hiệu quả.

Để thay đổi cách thức tiếp cận đăng ký hiến mô tạng, trước đây, người dân sẽ đăng ký trực tiếp tại Trung tâm hoặc gửi email, nhưng từ tháng 5/2024, người dân có thể đăng ký online và tháng 7/2024 đăng ký qua mạng xã hội. Hy vọng với các giải pháp nêu trên, trong thời gian tới, tỷ lệ người đăng ký hiến mô, tạng sẽ tăng hơn.

- Xin trân trọng cảm ơn Phó giáo sư!./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục