Tăng mức đóng bảo hiểm xã hội, đảm bảo quyền lợi người lao động

Theo lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, việc tăng mức đóng bảo hiểm xã hội nhằm bảo đảm quyền lợi lâu dài cho lao động, nhất là khi về già.
Ảnh minh họa. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực vào đầu năm nay, từ 1/1/2016 đến hết năm 2017, tiền đóng bảo hiểm xã hội sẽ dựa trên mức lương và phụ cấp ghi trong hợp đồng.

Từ 1/1/2018 trở đi, tiền đóng bảo hiểm xã hội dựa trên tổng thu nhập của người lao động. Mặc dù tỷ lệ đóng vẫn giữ nguyên là 26% thu nhập hàng tháng, trong đó người lao động đóng 8% và doanh nghiệp đóng 18%, nhưng thay vì chỉ căn cứ trên lương cơ bản hoặc lương tối thiểu vùng như Luật cũ, Luật lần này đã bổ sung thêm các khoản phụ cấp vào cách tính tiền đóng bảo hiểm xã hội, điều đó khiến chi phí của doanh nghiệp tăng hơn.

Những băn khoăn, lo ngại đã được Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Đỗ Văn Sinh trao đổi cùng phóng viên Thông tấn xã Việt Nam.

- Thưa ông, người lao động được hưởng lợi như thế nào khi thực hiện Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi)?


Ông Đỗ Văn Sinh:
Hiện nay, mức đóng bảo hiểm xã hội của người lao động chỉ là 8% nhưng được hưởng rất nhiều như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất.

Đặc biệt, khi nghỉ hưu, người lao động được hưởng đến 75% và hưởng tiếp chế độ bảo hiểm y tế mà không phải đóng. Càng già, bệnh tật càng nhiều, chi phí khám chữa bệnh của của nhóm đối tượng hưu trí là rất cao so với các nhóm khác. Việc tăng mức đóng bảo hiểm xã hội là để người lao động khi nghỉ hưu có mức lương cao hơn hiện nay, bảo đảm cuộc sống khi về già. Đó là cái tôi cho rằng quyền lợi rất lâu dài đối với người lao động.


- Ông dự liệu việc thu bảo hiểm theo quy định mới có khó khăn như thế nào?

Ông Đỗ Văn Sinh: Tôi cho rằng mọi người lao động rất đồng tình, bởi họ chỉ phải đóng 8% trên phần tăng thêm đó, quyền lợi thì được hưởng rất nhiều. Còn đối với doanh nghiệp, đây là trách nhiệm với người lao động, trách nhiệm với cộng đồng. Tiền lương doanh nghiệp đã trả rồi, chỉ thêm phần phụ cấp - mà theo tôi nghĩ, tỷ trọng không lớn lắm so với tiền lương họ đã trả cho người lao động.

- Ông có lo ngại việc áp dụng Luật sẽ khiến doanh nghiệp cắt giảm nhân sự hay phụ cấp so với trước đây? Làm thế nào để hài hòa giữa quyền lợi người lao động và doanh nghiệp?

Ông Đỗ Văn Sinh: Thực chất, doanh nghiệp trả tiền lương đang cao hơn rất nhiều so với số họ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Theo thống kê của chúng tôi, hiện nay tiền lương đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động chỉ bằng khoảng 60%-65% so với thu nhập thực của người lao động.

Có rất nhiều khoản phụ cấp lẽ ra phải tính bằng lương thì người ta không tính mà lách sang phần phụ cấp. Theo Luật mới, doanh nghiệp chỉ cần đóng thêm phần trăm của tiền phụ cấp chứ không phải trả cả phụ cấp đó cho người lao động.

Việc tăng mức đóng bảo hiểm xã hội dựa trên tiền lương và phụ cấp được thực hiện theo lộ trình. Lẽ ra doanh nghiệp phải cùng với người lao động triển khai việc này từ 1/7/2013 nhưng giai đoạn đó doanh nghiệp có nhiều khó khăn, chính vì vậy, Chính phủ đã trình Quốc hội cho giãn lộ trình, từ 1/1/2016 cũng chỉ là mức đóng bằng tiền lương và một khoản phụ cấp gọi là phụ cấp cố định, còn khoản phụ cấp mang tính chất chưa cố định cũng chưa tính vào mức đóng kể từ 1/1/2016.

- Thực tế ở nhiều doanh nghiệp, tiền phụ cấp chiếm khá lớn so với tiền lương, nếu chỉ tính một phụ cấp cố định, người ta có thể lách bằng cách chia ra các kiểu phụ cấp khác nhau?

Ông Đỗ Văn Sinh: Tôi cho rằng đến một mức độ nào đó thì phải quay vào đúng bản chất của tiền lương. Tiền lương phải là thu nhập chính, phải chiếm tỷ trọng chính, còn phụ cấp chỉ là phụ theo. Bây giờ chúng ta lại có cái ngược lại là phụ nhiều hơn chính. Tôi cho nó không phù hợp với quy luật.


- Nhưng để siết lại cũng không phải là dễ dàng, thưa ông?

Ông Đỗ Văn Sinh: Rõ ràng chính vì vậy chúng ta phải có một lộ trình triển khai, vừa tuyên truyền, vận động, thuyết phục, và chúng ta cũng phải có biện pháp gọi là chế tài: thanh tra, kiểm tra, xử phạt. Đến mức độ nào đấy, doanh nghiệp cố tình vi phạm thì cũng phải áp dụng hình thức cao nhất, đấy là xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.

- Cũng theo quy định của Luật, từ 1/1/2016, sổ bảo hiểm xã hội sẽ được trả cho người lao động quản lý, việc này được thực hiện thế nào, thưa ông?

Ông Đỗ Văn Sinh: Luật bảo hiểm xã hội có quy định phải chuyển sổ bảo hiểm xã hội từ chủ sử dụng lao động cho người lao động giữ. Hiện nay, cơ quan bảo hiểm xã hội đang phục vụ 12 triệu người lao động trải dài trên dưới 300 nghìn đơn vị.

Chúng tôi đang xây dựng kế hoạch, thứ nhất, cơ quan bảo hiểm xã hội các cấp cùng với các đơn vị sử dụng lao động phải rà soát lại ví dụ như đơn vị đó có bao nhiêu lao động, bao nhiêu sổ đã được cấp và tình trạng sổ thế nào, có tốt không, rách hỏng, mất mát không. Sau khi rà soát xong, trong trường hợp mất sổ, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ cấp lại, sau đó sẽ cùng với doanh nghiệp ký một biên bản “tay ba” để bàn giao cho người lao động một cách chính xác.

Khi người lao động giữ được sổ bảo hiểm xã hội, quan hệ quản lý sổ là quan hệ giữa người lao động và cơ quan bảo hiểm, như vậy giảm thiểu được rất nhiều công việc cho doanh nghiệp.

Cơ quan bảo hiểm xã hội đang cố gắng rà soát trong quý I/2016, dự kiến trong đầu quý II/2016 sẽ tiến hành trả sổ. Chúng tôi cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người lao động biết.

Nếu doanh nghiệp cố tình không phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội để trả sổ cho người lao động là vi phạm pháp luật, chúng tôi sẽ có giải pháp phối hợp thanh tra, kiểm tra, thậm chí là xử phạt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục