Hội đồng tiền lương quốc gia đã thống nhất đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng 2016 là 12,4%, với mức đồng thuận giữa các thành viên trong hội đồng lên tới trên 90%. Đây là tỷ lệ đồng thuận mà Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ông Phạm Minh Huân cho rằng cao nhất từ trước tới nay. Thế nhưng, dường như câu chuyện tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 ở mức nào là hợp lý vẫn chưa dừng lại.
[Tăng lương tối thiểu vùng năm 2016: "Sẽ khó có sự đột biến"]
Vẫn người nói cao người nói thấp
Chưa đầy một tháng sau khi Hội đồng Tiền lương quốc gia thống nhất mức tăng lương tối thiểu vùng là 12,4% vào ngày 3/9, nhiều hiệp hội ngành hàng đã lên tiếng cho rằng mức tăng lương tối thiểu như vậy là quá cao và đề xuất lương tối thiểu chỉ dừng ở mức tăng khoảng 6-7% là hợp lý.
Vào cuối tháng 9, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ nên tăng lương ở mức 6%. Đồng thời cho rằng, vệc tăng lương tối thiểu mức dự kiến 12,4% như đề xuất của Hội đồng Tiền lương Quốc gia là một thách thức lớn với các doanh nghiệp dệt may, đặc biệt, trong bối cảnh tăng dần mức đóng bảo hiểm xã hội hàng năm để đến năm 2018, các doanh nghiệp sẽ phải đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động dựa trên tổng thu nhập chứ không phải trên mức lương tối thiểu như hiện nay.
Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mặc dù đồng ý với mức tăng lương của Hội đồng Tiền lương quốc gia nhưng cũng cho biết nhiều hiệp hội vẫn cho rằng mức tăng này là cao và để giảm áp lực cho doanh nghiệp, VCCI đã đề xuất giãn lộ trình đóng bảo hiểm xã hội trên tổng thu nhập.
Ngay sau khi có ý kiến của các hiệp hội gửi Chính phủ, vào đầu tháng 10, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cũng lại có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị tăng lương tối thiểu năm 2016 lên mức 14,4% thay vì 12,4% như trước đó.
Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho biết, việc thay đổi đề xuất tăng lương này là cách để Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lên tiếng bảo vệ quyền lợi của người lao động khi mà các hàng loạt các hiệp hội đề nghị tăng lương tối thiểu chỉ ở mức 6-7%. Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tôn trọng phương án điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2016 là 12,4% của Hội đồng tiền lương Quốc gia đã thông qua nhưng phương án này cũng chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.
[Có tới 34% công nhân không hài lòng về tiền lương và việc làm]
Chưa thương lượng đủ?
Lý giải cho việc vẫn còn nhiều ý kiến xung quanh mức tăng lương tối thiểu vùng, ông Phùng Quang Huy, Giám đốc Văn phòng giới sử dụng lao động (VCCI), thành viên của Hội đồng Tiền lương quốc gia cho rằng, về nguyên tắc, các bên phải tuân thủ quyết định của Hội động tiền lương quốc gia. Hội đồng tiền lương là cơ quan chính thức đã được các bên thương lượng và thống nhất phương án. Tuy nhiên, hiện nay, cách tham vấn giữa các bên về phương án tăng lương dẫn tới việc vẫn còn ý kiến trái chiều sau khi Hội đồng Tiền lương quốc gia đã thống nhất.
“Đến tháng 10 rồi mà công đoàn và một số hiệp hội lại phát biểu ngược lại về mức tăng tiền lương tối thiểu, cách làm này là không ổn. Từ năm 2016, VCCI sẽ đề xuất có quy trình thống nhất giữa các bên,” ông Phùng Quang Huy nói.
Theo ông Phùng Quang Huy, Hội đồng Tiền lương quốc gia mới chỉ cùng nhau đưa ra các phương án tăng lương của mỗi bên để thương lượng vào tháng 9 hàng năm chứ không cùng nhau đưa ra tiêu chí để khảo sát, đánh giá các phương án tăng lương ngay từ đầu.
Vì vậy, các bên phải ngồi với nhau, thống nhất phương pháp,nguyên tắc ngay từ để cùng nhau tiến hành khảo sát trong thời gian kéo dài từ 3-6 tháng. Sau đó, các bên cùng đưa ra kết quả khảo sát, cùng đưa ra kết luận và khuyến nghị. Khuyến nghị đó sẽ phản ánh được nguyện vọng của các bên và có thống nhất trong cả một quá trình thương lượng
Ông Phùng Quang Huy cho rằng nếu quá trình thương lượng được diễn ra trong suốt một quá trình thì khi “chốt” phương án tăng lương sẽ không còn những ý kiến trái chiều. Ý kiến trái chiều chỉ diễn ra từ đầu năm tới tháng 9 còn sau khi đã có kết luận của Hội đồng Tiền lương quốc gia thì đây sẽ là kết luận chính thức cho các bên và không được bên nào có ý kiến trái chiều nữa theo nguyên tắc phát ngôn của hội đồng./.