Thị trường phát điện cạnh tranh là bước đầu trong lộ trình phát triển thị trường điện tại Việt Nam, hướng đến mục tiêu đưa cạnh tranh vào khâu phát điện, đảm bảo sự minh bạch trong hoạt động vận hành và định giá điện, đồng thời thu hút đầu tư phát triển các nguồn điện mới.
Sau hơn 6 tháng triển khai thị trường phát điện cạnh tranh (từ 1/7/2012), đã có nhiều nhà máy điện tham gia thị trường thể hiện năng lực sản xuất kinh doanh cạnh tranh và hiệu quả.
Công ty Cổ phần Thủy điện Đa Nhim-Hàm Thuận-Đa Mi, quản lý vận hành bốn nhà máy thủy điện ở khu vực nam Tây Nguyên với tổng công suất 642,5 MW, là một trong những đơn vị đó.
Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Minh Lộc, Phó Tổng Giám đốc Đa Nhim-Hàm Thuận-Đa Mi xung quanh vấn đề này.
- Xin ông đánh giá những hiệu quả của Đa Nhim-Hàm Thuận-Đa Mi qua việc tham gia thị trường?
Ông Đỗ Minh Lộc: Trong năm 2012, đặc biệt kể từ khi tham gia thị trường phát điện cạnh tranh chính thức ngày 1/7/2012, với những lợi thế nhất định về điều kiện địa lý, thời tiết, hệ thống thiết bị và các tổ máy phát điện vận hành ổn định, cùng với công tác chuẩn bị kỹ cho việc tham gia thị trường…, công ty đã có kết quả sản xuất kinh doanh hiệu quả với doanh thu và lợi nhuận vượt mức kế hoạch.
Sản lượng điện phát trong năm đạt gần 3 tỷ kWh, tăng gần 350 triệu kWh so với kế hoạch, góp phần tăng lợi nhuận cho công ty hàng trăm tỷ đồng.
- Vậy theo ông, những kinh nghiệm nào để công ty đạt được kết quả khả quan này?
Ông Đỗ Minh Lộc: Ngay từ năm 2007, công ty đã có kế hoạch và bắt đầu chuẩn bị nguồn nhân lực, cũng như cơ sở hạ tầng để tham gia thị trường điện. Nguồn nhân lực của công ty được tuyển chọn từ những trưởng ca giỏi và có kinh nghiệm từ các nhà máy.
Lực lượng này trực tiếp tham gia tìm hiểu, phân tích đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến thị trường, thiết lập các bản chào giá thử nghiệm để chọn những giải pháp tối ưu ứng với những tình huống khác nhau.
Bên cạnh đó, công ty còn tổ chức nhiều khóa học, hội thảo, tham quan học hỏi, trao đổi kinh nghiệm tại các đơn vị bạn. Cơ sở hạ tầng công nghệ, hệ thống giám sát và thu thập dữ liệu từ các nhà máy đã được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh, góp phần quan trọng trong việc tham gia chính thức thị trường phát điện cạnh tranh.
Ngoài ra, công ty cũng rất chú trọng nâng cao chất lượng bảo trì, bảo dưỡng thiết bị…, đảm bảo các tổ máy luôn trong tình trạng sẵn sàng phát điện theo yêu cầu của thị trường.
- Qua việc triển khai, dưới góc độ một đơn vị tham gia, theo ông, thị trường phát điện cạnh tranh còn bộc lộ những vướng mắc gì cần phải tháo gỡ để vận hành thông suốt?
Ông Đỗ Minh Lộc: Là một đơn vị tham gia thị trường phát điện cạnh tranh, tôi cho rằng công ty cũng có một số khó khăn đặc thù đang phối hợp với các đơn vị liên quan giải quyết.
Cụ thể như các nhà máy thủy điện thuộc công ty quản lý nói riêng và các nhà máy thủy điện phải làm nhiệm vụ cấp nước để phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp nói chung khi tham gia thị trường phát điện rất bị động trong việc tính toán, lập bản chào giá bởi vì có những thời điểm buộc phải phát điện để đảm bảo cấp nước trong khi giá thị trường rất thấp, nên doanh thu sẽ giảm.
Bên cạnh đó, Quy định giới hạn mực nước hồ cũng như việc phân bổ sản lượng điện theo hợp đồng cho các nhà máy chưa phù hợp theo tần suất thủy văn đối với các hồ chứa. Có những thời điểm sản lượng điện theo hợp đồng giao cho các nhà máy cao hơn khả năng nhà máy có thể phát được, điều này sẽ ảnh hưởng đến doanh thu và lợi nhuận của công ty. Hoặc nếu phát đủ sản lượng điện theo hợp đồng sẽ dẫn đến nhà máy bị vi phạm quy định về giới hạn mực nước hồ. Nếu vi phạm liên tiếp trong hai tuần, nhà máy không được tiếp tục tham gia thị trường điện.
Mặt khác, các thông tin ràng buộc của hệ thống điện trong quá trình vận hành thị trường cũng chưa được đơn vị vận hành thị trường công bố đầy đủ theo quy định khiến các nhà máy điện đôi khi còn bị động trong khâu dự báo về hệ thống điện để đưa ra bản chào giá phù hợp.
- Năm 2013, tình hình thủy văn trong khu vực các nhà máy công ty quản lý sẽ ảnh hưởng như thế nào đến công tác sản xuất kinh doanh của công ty?
Ông Đỗ Minh Lộc: Mùa mưa năm 2012 kết thúc sớm hơn mọi năm. Hiện tại mực nước các hồ chứa trong phạm vi công ty quản lý đều thấp hơn mực nước dâng bình thường khoảng 3 mét.
Theo dự báo, tình hình thủy văn trong mùa khô 2013 có những bất lợi, nắng hạn đang diễn ra gay gắt đặc biệt là ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên, dẫn đến lưu lượng nước về các hồ chứa đã và đang tiếp tục giảm thấp, gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác sản xuất kinh doanh của công ty.
Trước những diễn biến thủy văn có dấu hiệu bất lợi như trên, để duy trì và đảm bảo được mức doanh thu và lợi nhuận theo kế hoạch năm 2013, ngay từ đầu năm công ty đã chủ động làm việc với địa phương các tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận về kế hoạch cấp nước tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp và sử dụng nước có hiệu quả từ việc phát điện của các nhà máy thủy điện Đa Nhim-Hàm Thuận-Đa Mi.
Ngoài ra, công ty tập trung nhân lực, vật lực tham gia nhằm hoàn thành tốt kế hoạch về tiến độ cũng như đảm bảo chất lượng công tác bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa các thiết bị, các tổ máy phát điện nhằm tận dụng tối đa các cơ hội và những lợi thế riêng trong quá trình tham gia thị trường phát điện cạnh tranh.
- Phát huy những kết quả của năm 2012, công ty chuẩn bị những giải pháp gì để tiếp tục tham gia thị trường điện trong năm 2013?
Ông Đỗ Minh Lộc: Theo xu hướng thì thị trường phát điện cạnh tranh ngày càng khó khăn phức tạp. Vì vậy, để hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh 2013 cũng như các năm tiếp theo, công ty đang tiếp tục đầu tư nâng cấp thiết bị, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, đào tạo nguồn nhân lực tham gia tốt công tác vận hành thị trường điện.
Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng công tác bảo trì, bảo dưỡng thiết bị nhằm đảm bảo tính sẵn sàng của các tổ máy ở mức cao nhất, luôn đáp ứng kịp thời việc huy động công suất của Trung tâm điều độ hệ thống điện Quốc gia.
Mặt khác, Đa Nhim-Hàm Thuận-Đa Mi tiếp tục phát huy những lợi thế riêng sẵn có, chủ động thu thập các thông tin về việc vận hành hệ thống điện, tổ chức nghiên cứu thị trường nhằm thiết lập được các bản chào tối ưu trong quá trình tham gia thị trường điện cũng như đảm bảo yêu cầu cấp nước cho địa phương.
- Xin cảm ơn ông!
Sau hơn 6 tháng triển khai thị trường phát điện cạnh tranh (từ 1/7/2012), đã có nhiều nhà máy điện tham gia thị trường thể hiện năng lực sản xuất kinh doanh cạnh tranh và hiệu quả.
Công ty Cổ phần Thủy điện Đa Nhim-Hàm Thuận-Đa Mi, quản lý vận hành bốn nhà máy thủy điện ở khu vực nam Tây Nguyên với tổng công suất 642,5 MW, là một trong những đơn vị đó.
Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Minh Lộc, Phó Tổng Giám đốc Đa Nhim-Hàm Thuận-Đa Mi xung quanh vấn đề này.
- Xin ông đánh giá những hiệu quả của Đa Nhim-Hàm Thuận-Đa Mi qua việc tham gia thị trường?
Ông Đỗ Minh Lộc: Trong năm 2012, đặc biệt kể từ khi tham gia thị trường phát điện cạnh tranh chính thức ngày 1/7/2012, với những lợi thế nhất định về điều kiện địa lý, thời tiết, hệ thống thiết bị và các tổ máy phát điện vận hành ổn định, cùng với công tác chuẩn bị kỹ cho việc tham gia thị trường…, công ty đã có kết quả sản xuất kinh doanh hiệu quả với doanh thu và lợi nhuận vượt mức kế hoạch.
Sản lượng điện phát trong năm đạt gần 3 tỷ kWh, tăng gần 350 triệu kWh so với kế hoạch, góp phần tăng lợi nhuận cho công ty hàng trăm tỷ đồng.
- Vậy theo ông, những kinh nghiệm nào để công ty đạt được kết quả khả quan này?
Ông Đỗ Minh Lộc: Ngay từ năm 2007, công ty đã có kế hoạch và bắt đầu chuẩn bị nguồn nhân lực, cũng như cơ sở hạ tầng để tham gia thị trường điện. Nguồn nhân lực của công ty được tuyển chọn từ những trưởng ca giỏi và có kinh nghiệm từ các nhà máy.
Lực lượng này trực tiếp tham gia tìm hiểu, phân tích đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến thị trường, thiết lập các bản chào giá thử nghiệm để chọn những giải pháp tối ưu ứng với những tình huống khác nhau.
Bên cạnh đó, công ty còn tổ chức nhiều khóa học, hội thảo, tham quan học hỏi, trao đổi kinh nghiệm tại các đơn vị bạn. Cơ sở hạ tầng công nghệ, hệ thống giám sát và thu thập dữ liệu từ các nhà máy đã được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh, góp phần quan trọng trong việc tham gia chính thức thị trường phát điện cạnh tranh.
Ngoài ra, công ty cũng rất chú trọng nâng cao chất lượng bảo trì, bảo dưỡng thiết bị…, đảm bảo các tổ máy luôn trong tình trạng sẵn sàng phát điện theo yêu cầu của thị trường.
- Qua việc triển khai, dưới góc độ một đơn vị tham gia, theo ông, thị trường phát điện cạnh tranh còn bộc lộ những vướng mắc gì cần phải tháo gỡ để vận hành thông suốt?
Ông Đỗ Minh Lộc: Là một đơn vị tham gia thị trường phát điện cạnh tranh, tôi cho rằng công ty cũng có một số khó khăn đặc thù đang phối hợp với các đơn vị liên quan giải quyết.
Cụ thể như các nhà máy thủy điện thuộc công ty quản lý nói riêng và các nhà máy thủy điện phải làm nhiệm vụ cấp nước để phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp nói chung khi tham gia thị trường phát điện rất bị động trong việc tính toán, lập bản chào giá bởi vì có những thời điểm buộc phải phát điện để đảm bảo cấp nước trong khi giá thị trường rất thấp, nên doanh thu sẽ giảm.
Bên cạnh đó, Quy định giới hạn mực nước hồ cũng như việc phân bổ sản lượng điện theo hợp đồng cho các nhà máy chưa phù hợp theo tần suất thủy văn đối với các hồ chứa. Có những thời điểm sản lượng điện theo hợp đồng giao cho các nhà máy cao hơn khả năng nhà máy có thể phát được, điều này sẽ ảnh hưởng đến doanh thu và lợi nhuận của công ty. Hoặc nếu phát đủ sản lượng điện theo hợp đồng sẽ dẫn đến nhà máy bị vi phạm quy định về giới hạn mực nước hồ. Nếu vi phạm liên tiếp trong hai tuần, nhà máy không được tiếp tục tham gia thị trường điện.
Mặt khác, các thông tin ràng buộc của hệ thống điện trong quá trình vận hành thị trường cũng chưa được đơn vị vận hành thị trường công bố đầy đủ theo quy định khiến các nhà máy điện đôi khi còn bị động trong khâu dự báo về hệ thống điện để đưa ra bản chào giá phù hợp.
- Năm 2013, tình hình thủy văn trong khu vực các nhà máy công ty quản lý sẽ ảnh hưởng như thế nào đến công tác sản xuất kinh doanh của công ty?
Ông Đỗ Minh Lộc: Mùa mưa năm 2012 kết thúc sớm hơn mọi năm. Hiện tại mực nước các hồ chứa trong phạm vi công ty quản lý đều thấp hơn mực nước dâng bình thường khoảng 3 mét.
Theo dự báo, tình hình thủy văn trong mùa khô 2013 có những bất lợi, nắng hạn đang diễn ra gay gắt đặc biệt là ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên, dẫn đến lưu lượng nước về các hồ chứa đã và đang tiếp tục giảm thấp, gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác sản xuất kinh doanh của công ty.
Trước những diễn biến thủy văn có dấu hiệu bất lợi như trên, để duy trì và đảm bảo được mức doanh thu và lợi nhuận theo kế hoạch năm 2013, ngay từ đầu năm công ty đã chủ động làm việc với địa phương các tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận về kế hoạch cấp nước tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp và sử dụng nước có hiệu quả từ việc phát điện của các nhà máy thủy điện Đa Nhim-Hàm Thuận-Đa Mi.
Ngoài ra, công ty tập trung nhân lực, vật lực tham gia nhằm hoàn thành tốt kế hoạch về tiến độ cũng như đảm bảo chất lượng công tác bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa các thiết bị, các tổ máy phát điện nhằm tận dụng tối đa các cơ hội và những lợi thế riêng trong quá trình tham gia thị trường phát điện cạnh tranh.
- Phát huy những kết quả của năm 2012, công ty chuẩn bị những giải pháp gì để tiếp tục tham gia thị trường điện trong năm 2013?
Ông Đỗ Minh Lộc: Theo xu hướng thì thị trường phát điện cạnh tranh ngày càng khó khăn phức tạp. Vì vậy, để hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh 2013 cũng như các năm tiếp theo, công ty đang tiếp tục đầu tư nâng cấp thiết bị, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, đào tạo nguồn nhân lực tham gia tốt công tác vận hành thị trường điện.
Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng công tác bảo trì, bảo dưỡng thiết bị nhằm đảm bảo tính sẵn sàng của các tổ máy ở mức cao nhất, luôn đáp ứng kịp thời việc huy động công suất của Trung tâm điều độ hệ thống điện Quốc gia.
Mặt khác, Đa Nhim-Hàm Thuận-Đa Mi tiếp tục phát huy những lợi thế riêng sẵn có, chủ động thu thập các thông tin về việc vận hành hệ thống điện, tổ chức nghiên cứu thị trường nhằm thiết lập được các bản chào tối ưu trong quá trình tham gia thị trường điện cũng như đảm bảo yêu cầu cấp nước cho địa phương.
- Xin cảm ơn ông!
Mai Phương (TTXVN)