Tăng liên kết, tạo sức hút mới cho điểm đến du lịch ở Nam Bộ

Phát triển sản phẩm du lịch liên tuyến, quảng bá xúc tiến du lịch, kêu gọi đầu tư và đào tạo nguồn nhân lực là những nội dung hợp tác chủ đạo, góp phần quan trọng phục hồi du lịch.
Tăng liên kết, tạo sức hút mới cho điểm đến du lịch ở Nam Bộ ảnh 1Du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu phục hồi mạnh mẽ và khẳng định điểm đến hàng đầu của du lịch cả nước. (Ảnh: TTXVN)

Phát huy thế mạnh, hình thành và khai thác đa dạng các sản phẩm du lịch liên tuyến, liên vùng là giải pháp được nhiều địa phương có thế mạnh về du lịch ở Nam Bộ thực hiện, nhằm tạo sức hút cho các điểm đến ở địa phương cũng như toàn vùng, góp phần phục hồi và phát triển du lịch bền vững.

Nhiều sản phẩm liên tuyến đặc sắc

Trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh, tạo sự đa dạng, không trùng lặp trong sản phẩm là một trong những yếu tố quan trọng được ngành du lịch các địa phương triển khai, góp phần gia tăng sức cạnh tranh cho điểm đến trong giai đoạn phục hồi và phát triển du lịch sau đại dịch.

Theo Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Ánh Hoa, tạo động lực mới cho phục hồi và phát triển du lịch giữa các địa phương, thành phố đã chủ động nâng chất các liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương.

Từ liên kết song phương cấp sở, ngành thành liên kết vùng cấp Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố với 6 vùng trong cả nước, các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long, vùng Đông Nam Bộ, Tây Bắc mở rộng, Đông Bắc, Hà Nội và các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, vùng Bắc Trung Bộ.

[Kiên Giang: Khai thác lại tuyến du lịch biển Cà Mau-Nam Du-Phú Quốc]

Phát triển sản phẩm du lịch liên tuyến, quảng bá xúc tiến du lịch, kêu gọi đầu tư và đào tạo nguồn nhân lực là những nội dung hợp tác chủ đạo, góp phần quan trọng phục hồi du lịch sau đại dịch COVID-19, gia tăng sức hấp dẫn và tính cạnh tranh của du lịch từng địa phương cũng như Thành phố Hồ Chí Minh.

Các tour du lịch liên kết như Thành phố Hồ Chí Minh-Tây Ninh-Bình Dương với chủ đề “Sắc xanh ngày mới,” “Chinh phục nóc nhà Nam Bộ;" Thành phố Hồ Chí Minh-Bình Dương-Bình Phước mang tên “Tình đất đỏ miền Đông;” Thành phố Hồ Chí Minh-Đồng Nai-Bà Rịa Vũng Tàu với chủ đề “Thiên nhiên xanh mát, sắc biển hòa ca”...

Hay hành trình về các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long “Những neo đường phù sa,” kết nối Thành phố Hồ Chí Minh-Vĩnh Long-Tiền Giang-Cần Thơ-Hậu Giang-Sóc Trăng-Bạc Liêu-Cà Mau; tuyến du lịch "Non nước hữu tình" qua Thành phố Hồ Chí Minh-Tiền Giang-Bến Tre-Trà Vinh; “Sắc màu vùng biên” từ Thành phố Hồ Chí Minh tới Long An-Tiền Giang-Đồng Tháp-An Giang-Kiên Giang, cùng nhiều chuỗi sản phẩm liên tuyến, liên vùng khác đã góp phần làm nên kết quả ấn tượng trong phục hồi du lịch thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương giai đoạn sau đại dịch COVID-19.

Tổng lượng khách du lịch đến Thành phố Hồ Chí Minh năm 2022 đạt trên trên 34 triệu lượt.

Trong 2 tháng đầu năm 2023, lượng du khách và tổng thu du lịch của thành phố tiếp tục tăng trưởng với trên 5,3 triệu lượt, tăng gần 67% so cùng kỳ năm 2022, tổng thu từ du lịch đạt 21.234 tỷ đồng, tăng trên 62,% so với cùng kỳ năm 2022.

Tương tự, ở khía cạnh hợp tác, liên kết song phương, nhiều địa phương tại Đông Nam Bộ cũng như Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục xây dựng, khai thác các tuyến du lịch liên kết, góp phần đa dạng, tránh trùng lặp trong sản phẩm, tạo sức hút mới cho điểm đến.

Ông Dương Hoàng Sum, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh, cho biết chương trình du lịch “Bến Tre-Trà Vinh kết nối tuyến du lịch sông nước hữu tình” đang tiếp tục được hai địa phương tăng cường thực hiện nhằm phát huy thế mạnh của hai địa phương cùng nằm ở hạ lưu sông Mekong.

Bến Tre có lợi thế về du lịch sinh thái đặc trưng sông nước xứ Dừa, Trà Vinh lại có những sản phẩm du lịch nổi bật gắn với những nét văn hóa của sự giao thoa, chuyển vùng từ đồng bằng sang ven biển, là nơi sinh sống của người Kinh, Khmer, Hoa...

Việc thực hiện chương trình kết nối du lịch mang lại cho du khách nhiều trải nghiệm đặc sắc hơn trong cùng một hành trình sông nước.

Với tỉnh Sóc Trăng, theo lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, trên cơ sở thế mạnh của vùng đất giàu bản sắc văn hóa, các chương trình du lịch kết nối, qua nhiều tỉnh, thành phố như Cần Thơ-Sóc Trăng-Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu); Cần Thơ-Cù Lao Dung (Sóc Trăng)-Côn Đảo; Thành phố Hồ Chí Minh-Tiền Giang-Cần Thơ-Sóc Trăng-Bạc Liêu-Cà Mau... đang được tỉnh đẩy mạnh thực hiện.

Qua đó, góp phần hiện thực hóa mục xây dựng du lịch Sóc Trăng trở thành một trong những trung tâm du lịch về lễ hội ở Đồng bằng sông Cửu Long và phát triển du lịch vùng một cách toàn diện, bền vững.

Phát triển thị trường, thu hút du khách quốc tế

Các hoạt động hợp tác, xây dựng và khai thác sản phẩm du lịch kết nối giữa các địa phương trọng điểm du lịch góp phần làm nên kết quả chung của du lịch Việt Nam thời gian qua là thị trường nội địa đạt tốc độ phục hồi nhanh và tăng trưởng ngoạn mục, tiếp tục khẳng định thương hiệu, vai trò và vị thế của du lịch Việt Nam trong khu vực và thế giới.

Tuy nhiên, trước thực tế lượng du khách quốc tế đến Việt Nam vẫn chưa đạt được như kỳ vọng, các địa phương, doanh nghiệp du lịch tiếp tục tăng cường các hoạt động liên kết, mở rộng thị trường, đổi mới quảng bá, thu hút nhiều hơn du khách quốc tế.

Theo lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố tập trung thực hiện và đề xuất các tỉnh, thành phố phối hợp thực hiện một số giải pháp trọng tâm như tiếp tục đẩy mạnh hình thành sản phẩm liên vùng theo hướng đưa du khách từ Thành phố Hồ Chí Minh đến các tỉnh, thành phố và ngược lại. Trong đó, định vị Thành phố Hồ Chí Minh là điểm đến mua sắm, vui chơi giải trí và là nơi du khách trải nghiệm một đô thị du lịch sống động và hiện đại.

Cùng với đó, tăng cường phối hợp hoạt động liên ngành trong liên kết giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố; kết hợp liên kết du lịch với các lĩnh vực khác như văn hóa, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, xúc tiến đầu tư, góp phần cải thiện đời sống, tạo cơ hội việc làm cho người dân địa phương và gia tăng chuỗi giá trị cho các hoạt động liên kết.

Thành phố Hồ Chí Minh cũng chủ động phối hợp với các tỉnh, thành phố liên kết tổ chức các hoạt động xúc tiến du lịch nước ngoài để khai thác, phát huy tối đa lợi thế vùng miền trong kết nối sản phẩm, tour tuyến, gia tăng giá trị, sức hấp dẫn điểm đến Việt Nam.

Đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả việc kết nối, liên kết phát triển sản phẩm du lịch đối với một trong những vùng trọng điểm du lịch của cả nước là Đồng bằng sông Cửu Long, Thạc sỹ Trần Thanh Thảo Uyên (Trường Đại học Đồng Tháp) cho rằng một trong những vấn đề lớn nhất của du lịch Đồng bằng sông Cửu Long đó là sự giống nhau của một số sản phẩm du lịch cũng như hướng phát triển du lịch của mỗi điểm đến trong vùng.

Do vậy trong thời gian tới cần đặt trọng tâm cho liên kết thị trường, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, người làm du lịch, cơ quan truyền thông, quảng bá hình ảnh, thương hiệu du lịch theo hướng phát triển các chuỗi giá trị ngành Du lịch và sản phẩm du lịch đặc thù.

Từ khía cạnh doanh nghiệp, nhấn mạnh giải pháp liên kết quảng bá để phát triển thị trường, thu hút du khách quốc tế, ông Võ Anh Tài, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group), cho biết năm 2022, Saigontourist Group đã chủ động triển khai các phương án, kế hoạch về liên kết, quảng bá để thu hút, đón khách quốc tế trên cơ sở sản phẩm, dịch vụ chất lượng, an toàn, áp dụng các chương trình khuyến mãi kích cầu quy mô lớn, hấp dẫn.

Saigontourist Group đã cập nhật thông tin kết nối với đối tác, khách hàng, quảng bá tiếp thị các thị trường khách quốc tế trọng điểm, tiềm năng.

Với hàng loạt nỗ lực phục hồi, thu hút thị trường khách quốc tế, những tháng cuối năm 2022 và quý 1/2023, Saigontourist Group đã thu hút lượng khách quốc tế tăng trưởng đáng kể trong hệ thống các dịch vụ của doanh nghiệp như lưu trú nghỉ dưỡng, lữ hành, ẩm thực, vui chơi giải trí, sự kiện-hội chợ, triển lãm...

Riêng tháng 3 năm nay, Saigontourist Group đón 8 chuyến tàu biển du lịch quốc tế cao cấp, trên 23.000 lượt khách quốc tế.

Trong năm 2023, dự kiến doanh nghiệp này đón 30 chuyến tàu với 72 lượt tàu cập cảng và trên 105.000 lượt khách quốc tế.

Trong tình hình thị trường khách Trung Quốc được khơi thông, số chuyến tàu và số khách du lịch tàu biển do doanh nghiệp này đón trong năm nay sẽ gia tăng mạnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục