Tăng kết nối giữa các quốc gia ASEAN trong phòng chống tấn công mạng

Diễn tập “Phòng chống tấn công mạng xuyên quốc gia" nhằm xây dựng, vận hành và đảm bảo sự tương tác thông suốt trong việc chia sẻ thông tin ứng cứu sự cố an toàn mạng giữa 10 quốc gia ASEAN.
Một cuộc diễn tập tấn công mạng. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Ngày 25/6, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC), Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì tổ chức Diễn tập quốc tế ASEAN-Nhật Bản 2020 với chủ đề “Phòng chống tấn công mạng xuyên quốc gia."

Sự kiện có sự tham gia của 10 nước ASEAN (Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Myanmar, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Việt Nam) và Nhật Bản cùng tiến hành diễn tập.

Cuộc diễn tập là sự kiện diễn ra thường niên từ năm 2013 và đã trở thành sự kiện lớn về an toàn mạng trong khu vực. Diễn tập nhằm xây dựng, vận hành và đảm bảo sự tương tác thông suốt trong việc chia sẻ thông tin ứng cứu sự cố an toàn mạng giữa 10 quốc gia trong khu vực ASEAN.

Dưới sự điều phối của Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam, hơn 200 chuyên gia công nghệ thông tin đến từ các đơn vị công nghệ thông tin của các bộ, ban, ngành, cơ quan trung ương, tỉnh và thành phố tập trung tại ba tỉnh, thành phố của Việt Nam là Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh để tham gia buổi diễn tập.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng nhận định năm 2020 là năm rất đặc biệt. Sự xuất hiện của đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi cách thức sinh hoạt, làm việc của người dân trên thế giới.

Người dân, các tổ chức phải thích nghi với cách thức làm việc mới là làm việc từ xa, làm việc tại nhà, làm việc trực tuyến trên môi trường mạng. Điều này càng làm cho công tác đảm bảo an toàn mạng càng trở nên hết sức quan trọng.

Tại Việt Nam, những năm qua, các cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin của Việt Nam có xu hướng giảm. Số cuộc tấn công năm 2019 giảm gần 72% so với năm 2018. Trong năm tháng đầu năm nay, Cục An toàn thông tin đã phát hiện 1.495 cuộc tấn công mạng, giảm gần 44% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là kết quả của sự nỗ lực vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp trong việc triển khai bảo đảm an toàn thông tin.

[Hơn 40 tổ chức tài chính Việt tham gia diễn tập chống tấn công mạng]

Tuy nhiên, trên thực tế, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, các vụ tấn công công nghệ cao ngày càng tinh vi và phức tạp, cách thức tấn công ngày càng đa dạng. Số lượng sự cố có thể giảm, nhưng mức độ, nguy cơ các cuộc tấn công từ bên ngoài vào các hệ thống của Việt Nam nói riêng và trên toàn cầu sẽ ngày càng gia tăng. Việc tổ chức diễn tập quốc tế là một một hoạt động hiệu quả để góp phần nâng cao năng lực phòng chống, đối phó với các tình huống an ninh mạng.

Nội dung diễn tập lần này tập trung vào chính sách xử lý, chia sẻ thông tin về sự cố giả mạo trang thông tin điện tử (website). Đây vốn là hoạt động phối hợp thường niên giữa các nước thành viên Đông Nam Á và Nhật Bản nhằm nhanh chóng phối hợp ngăn chặn, giải quyết và khắc phục các sự cố tấn công mạng xuyên biên giới; đồng thời giải quyết các sự cố về giả mạo website; nâng cao nhận thức, thực hành các kỹ năng và đánh giá lại các quy trình trong công tác đảm bản an toàn an ninh mạng.

Năm nay, ngoài hình thức tập trung (offline), diễn tập ứng cứu sự cố mạng còn được tổ chức theo hình thức từ xa (online). Đây cũng điểm mới, phù hợp với bản chất của tấn công mạng, thích hợp trong tình trạng dịch COVID-19 hiện nay.

Những người tham gia diễn tập có thể ở bất kỳ địa điểm, quốc gia nào, chỉ cần kết nối mạng, đăng ký tài khoản trên hệ thống diễn tập của Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam hoặc đăng ký bằng địa chỉ email, tham gia các nhóm chat trên mạng xã hội do VNCERT/CC tổ chức là có thể được trải nghiệm hoạt động này.

Tham gia diễn tập, các chuyên gia công nghệ thông tin cũng đóng góp, chia sẻ ý kiến trong phiên thảo luận liên quan tới công tác kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin, xây dựng các tiêu chuẩn cơ sở, hệ sinh thái sản phẩm an toàn thông tin. Tiếp đó, các đơn vị sẽ chia thành các đội, thực hiện diễn tập. Các kịch bản diễn tập được xây dựng công phu, trên cơ sở các tấn công mạng thực tế đã xảy ra và dựa trên các xu hướng cập nhật mới nhất về công nghệ, các mối đe dọa tiềm ẩn. Diễn tập là dịp để các chuyên gia công nghệ có điều kiện cọ xát trực tiếp, nâng cao nhận thức, năng lực, kiến thức về an toàn an ninh mạng.

Đại diện Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết ưu tiên chính của diễn tập tại Việt Nam lần này là nâng cao năng lực và phát triển mạng lưới ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng quốc gia.

Ngoài các hoạt động diễn tập, mạng lưới còn có kế hoạch tổ chức các hoạt động khác như đào tạo, chia sẻ thông tin, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế và đặc biệt là hỗ trợ lẫn nhau trong các hoạt động phòng, chống tấn công mạng, phản ứng nhanh trong ứng cứu sự cố máy tính./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục