Tăng hợp tác phòng chống tội phạm xuyên quốc gia

Việt Nam làm tốt vai trò của mình trong SOMTC, góp phần vào công tác phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, giữ gìn hòa bình khu vực.
Sau hai ngày làm việc tích cực, khẩn trương và trách nhiệm, ngày 20/6, Hội nghị các quan chức cấp cao ASEAN phòng chống tội phạm xuyên quốc gia (SOMTC) lần thứ 13 tại Đà Nẵng đã kết thúc thành công tốt đẹp.

Phát biểu tại phiên bế mạc, trung tướng Phan Văn Vĩnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, Bộ Công an Việt Nam, thay mặt các trưởng đoàn đánh giá cao những nỗ lực của các đại biểu, góp phần vào sự thành công của Hội nghị SOMTC lần thứ 13.

Trung tướng Phan Văn Vĩnh bày tỏ tin tưởng rằng với những nỗ lực riêng của mỗi nước thành viên và những nỗ lực chung của cả cộng đồng ASEAN, mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa các nước trong khu vực về phát triển kinh tế nói chung và về lĩnh vực phòng, chống tội phạm nói riêng, sẽ đạt mục tiêu hòa bình, ổn định và phát triển đồng đều giữa các quốc gia trong khu vực.

Thay mặt nước chủ nhà Việt Nam, Trung tướng Phan Văn Vĩnh gửi lời cảm ơn tới các nước ASEAN, các đối tác, đối thoại, đặc biệt là Ban thư ký ASEAN đã tích cực hỗ trợ, phối hợp với Việt Nam trong quá trình tổ chức hội nghị.

[Các nước ASEAN hợp tác phòng chống tội phạm]

Với cương vị là Chủ tịch Hội nghị SOMTC lần thứ 13, Việt Nam đã làm tốt vai trò của mình trong các hoạt động của SOMTC, góp phần vào công tác phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, giữ gìn hòa bình và ổn định trong khu vực.

Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi quan điểm về các nỗ lực cấp quốc gia và khu vực trong phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia.

Thông qua báo cáo quốc gia của các nước, các đại biểu dự hội nghị có thể nhận thấy hiện nay tình hình hoạt động của tội phạm xuyên quốc gia ngày càng có xu hướng phức tạp và gia tăng. Bọn tội phạm lợi dụng tiến bộ của khoa học công nghệ, sự đi lại dễ dàng giữa các nước để tiến hành các hoạt động tội phạm.

Thời gian qua, các nước đã triển khai rất nhiều biện pháp phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả đối với các loại tội phạm, như tăng cường hợp tác thông qua chia sẻ thông tin, phối hợp điều tra các vụ án xuyên quốc gia, từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật, hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực cho sỹ quan thực thi pháp luật...

Báo cáo của đoàn Việt Nam cho biết trong năm qua, Việt Nam đã tích cực triển khai thực hiện cam kết hợp tác ASEAN trong phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia. Lực lượng thi hành pháp luật của Việt Nam đã chủ động tổ chức, thực hiện nhiều chương trình, kế hoạch tấn công trấn áp tội phạm ở Việt Nam; đồng thời tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế với lực lượng thi hành pháp luật của các nước trong khu vực theo các khuôn khổ hợp tác nhằm ngăn chặn nguy cơ khủng bố, tội phạm có tổ chức, các loại tội phạm xuyên quốc gia.

Các lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam đã mở nhiều đợt tấn công trấn áp tội phạm, kiềm chế hoạt động vận chuyển ma túy xuyên quốc gia từ nước ngoài vào Việt Nam; số vụ tội phạm ma túy và số đối tượng phạm tội ma túy bị phát hiện gia tăng; tăng cường hoạt động quản lý và kiểm soát tiền chất nhằm chủ động ngăn ngừa sản xuất các loại ma túy tổng hợp...

Trước diễn biến phức tạp gia tăng của tội phạm sử dụng công nghệ cao, Việt Nam đã tăng cường hợp tác với các nước ASEAN và các nước đối tác, đối thoại trong trao đổi thông tin, tổ chức các khóa đào tạo cho lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm công nghệ cao của Việt Nam.

Trong năm vừa qua, Cảnh sát Việt Nam đã phối hợp với Cảnh sát các nước ASEAN và Cảnh sát các nước đối tác, đối thoại để điều tra các chuyên án lớn, đạt được kết quả tốt.

Việt Nam cam kết thực hiện các Tuyên bố về phòng chống tội phạm theo kế hoạch đã được đưa ra tại Hội nghị cấp cao ASEAN và Hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, góp phần thực hiện thành công Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN, hướng tới xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015.

Nhằm từng bước hoàn thiện và củng cố cơ sở pháp lý cho công tác hợp tác quốc tế phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, Việt Nam đã sửa đổi một số điều luật liên quan đến khủng bố, tội phạm sử dụng công nghệ cao, mua bán người… trong Bộ luật Hình sự.

Hiện nay, Việt Nam đã tham gia, phê chuẩn 9/16 Điều ước quốc tế liên quan đến phòng, chống khủng bố và đang xây dựng Luật Phòng, chống khủng bố.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (Công ước TOC) và Nghị định thư bổ sung cho Công ước về phòng ngừa, trấn áp và trừng trị tội phạm mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.

Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Phòng, chống mua bán người tháng 3/2011 và Luật này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2012...

Đại diện các nước đã cập nhật kết quả triển khai thực hiện Chương trình giai đoạn 2010-2012 và thảo luận đóng góp ý kiến vào dự thảo Chương trình làm việc SOMTC giai đoạn 2013-2015./.

Văn Sơn (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục