Tăng hợp tác cùng có lợi giữa địa phương Việt Nam và tỉnh Giang Tô

Đại sứ Phạm Sao Mai hoan nghênh doanh nghiệp lớn, có uy tín, chất lượng cao của Giang Tô đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực mà Giang Tô có thế mạnh như ngành chế tạo, công nghiệp phụ trợ...
Đại sứ Phạm Sao Mai (trái) hội kiến với Tỉnh trưởng Ngô Chính Long. (Nguồn: Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc)

Ngày 12/10, trong chuyến thăm làm việc tại tỉnh Giang Tô, Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai đã hội kiến với Tỉnh trưởng Giang Tô Ngô Chính Long, đi sâu trao đổi về các biện pháp nhằm tăng cường hơn nữa giao lưu hợp tác giữa các địa phương Việt Nam với tỉnh Giang Tô.

Đại sứ Phạm Sao Mai đã giới thiệu một số thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế xã hội, phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới gây ra (COVID-19) và công tác đối ngoại của Việt Nam.

Đại sứ Phạm Sao Mai vui mừng nhận thấy trong năm 2020 - kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ Ngoại giao giữa Việt Nam-Trung Quốc, lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước thường xuyên trao đổi, điện đàm, đã xác định những phương hướng lớn chiến lược thúc đẩy sự phát triển ổn định, lành mạnh cho quan hệ hai nước, giao lưu hợp tác giữa các ngành, địa phương được duy trì triển khai với các hình thức linh hoạt, hợp tác kinh tế thương mại tiếp tục tăng trưởng cao so với mặt bằng chung của khu vực và thế giới.

Bên cạnh đó, Đại sứ Phạm Sao Mai đánh giá cao kết quả hợp tác giữa Giang Tô với các địa phương Việt Nam thời gian qua, nhất là trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, giao lưu nhân dân…

Nhấn mạnh tiềm năng hợp tác giữa hai bên vẫn còn rất lớn, Đại sứ Phạm Sao Mai hoan nghênh tỉnh Giang Tô trên cơ sở hợp tác tốt đẹp sẵn có tiếp tục nghiên cứu, củng cố và mở rộng những cơ chế giao lưu hợp tác với các địa phương Việt Nam, phát huy thế mạnh bổ sung cho nhau, tăng cường hợp tác cùng có lợi.

[Tăng cường quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt-Trung]

Đại sứ đề nghị chính quyền Giang Tô tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho công dân, lưu học sinh, doanh nghiệp Việt Nam sinh sống, học tập, kinh doanh, làm việc tại địa phương; thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại phát triển cân bằng, hiệu quả, ưu tiên mở rộng nhập khẩu nhiều hơn nữa các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh, nhất là hàng nông hải sản; hoan nghênh doanh nghiệp lớn, có uy tín, chất lượng cao của Giang Tô đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực mà Giang Tô có thế mạnh như ngành chế tạo, công nghiệp phụ trợ, cơ sở hạ tầng, nông nghiệp chất lượng cao…

Tỉnh trưởng Ngô Chính Long nhất trí với các đề xuất của Đại sứ Phạm Sao Mai; khẳng định Giang Tô rất coi trọng quan hệ với Việt Nam, mong muốn cùng các địa phương Việt Nam thực hiện hiệu quả nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, không ngừng mở rộng và làm sâu sắc quan hệ hợp tác cùng có lợi, thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ… kế thừa truyền thống hữu nghị, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.

Giang Tô là địa phương phát triển toàn diện, năng động bậc nhất Trung Quốc, các chỉ số GDP bình quân đầu người, an sinh xã hội, sức cạnh tranh tổng hợp, năng lực sáng tạo, ứng dụng công nghệ 5G, trí tuệ nhân tạo… đều đứng đầu Trung Quốc.

Năm 2019, GDP của Giang Tô đạt 1.400 tỷ USD (quy mô đứng thứ hai Trung Quốc, sau Quảng Đông), kim ngạch thương mại đạt 600 tỷ USD, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm 20-25% toàn Trung Quốc.

Kim ngạch thương mại giữa Giang Tô với Việt Nam năm 2019 đạt trên 18 tỷ USD, tám tháng năm 2020, đạt 14 tỷ USD, tăng 25,3%. Tính đến cuối năm 2019, Giang Tô có hơn 200 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư gần 1,5 tỷ USD./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục