Tại Hội nghị trực tuyến về công tác đảm bảo trật tự An toàn giao thông 5 tháng đầu năm diễn ra hôm nay (29/5), Phó Thủ tưởng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia nhận định, trong vòng 5 tháng qua, tình trạng vi phạm Luật Giao thông đường bộ diễn ra nhiều, đặc biệt đối với xe chở khách như phóng nhanh, vượt ẩu, tranh giành khách, dừng đón trả khách dọc đường đã dẫn đến hậu quả nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng gia tăng làm chết và bị thương nhiều người. “Các cấp, ngành và địa phương cần siết lại kỷ cương, đạt chỉ tiêu giảm từ 5-10% tai nạn giao thông mà Quốc hội đưa ra đồng thời Chủ tịch ban An toàn giao thông tỉnh phải chịu trách nhiệm nếu địa phương yếu kém trong công tác đảm bảo an toàn giao thông,” Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân phúc chỉ đạo. Địa phương lơ là, thiếu trách nhiệm Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Đinh La Thăng, trong 5 tháng đầu năm, cả nước đã xảy ra 12.052 vụ tai nạn giao thông, làm chết 4.163 người, bị thương hơn 12.000 người. Đáng lưu ý, trong tháng 5 đã xảy ra 7 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng làm 32 người chết, bị thương 29 người. “Như vậy, số người bị chết do tai nạn giao thông tăng so với cùng kỳ chủ yếu là do các tai nạn đặc biệt nghiêm trọng gây ra”, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho hay. [5 tháng, số người chết vì tai nạn giao thông gia tăng] Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến, ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa, một trong những địa phương có số người chết vì tai nạn giao thông tăng cao phân tích, qua thống kê cho thấy, các lỗi vi phạm chủ yếu là lấn làn đường, tránh vượt sai quy định, chạy quá tốc độ... Tỷ lệ số vụ tai nạn liên quan đến xe khách ít hơn so với xe máy nhưng số người chết liên quan đến xe khách lại cao hơn. “Mặc dù Luật đã quy định, không cho lái xe làm việc quá 10 giờ/ngày, không được lái xe liên tục quá 5 giờ nhưng làm thế nào để kiểm tra, nắm được thông tin chính xác mà xử lý. Hay, quy định xe phải lắp thiết bị giám sát hành trình nhưng khi kiểm tra thì thiết bị không hoạt động, không trích xuất được dữ liệu?” ông Thắng đặt ra câu hỏi. Theo Trung tướng Phạm Quý Ngọ, Thứ trưởng Bộ Công an, trong các lỗi dẫn đến tai nạn giao thông thì có đến 80% số vụ là do ý thức người tham gia giao thông. Ngoài ra, việc các doanh nghiệp vận tải như xe khách, taxi khoán trắng cho các lái xe đã dẫn đến việc chạy theo lợi nhuận doanh thu mà chưa chú trọng đến dịch vụ vận tải, an toàn giao thông. Bên cạnh đó, Trung tướng Phạm Quý Ngọ cũng thừa nhận, các địa phương cần đi sâu vào kiểm tra thực trạng một số khâu trong công tác tổ chức, đào tạo sát hạch lái xe cần phải xem xét lại. “Các địa phương có tình hình tai nạn giao thông gia tăng trong thời gian qua phải đánh giá nghiêm túc lại nguyên nhân. Hàng tháng, hàng quý, chính quyền địa phương cùng với Ban An toàn giao thông tỉnh phải kiểm điểm lại tình hình xem đã thực sự đi sâu, đi sát vào cuộc sống chưa”, Trung tướng Phạm Quý Ngọ đề nghị. Đánh giá về tình hình An toàn giao thông trong 5 tháng đầu năm, Phó Thủ tướng Nguyên Xuân Phúc cho biết, thời gian qua, các cấp, ngành địa phương đã có nhiều cố gắng lớn trong việc giảm ùn tắc giao thông, giảm số vụ tai nạn giao thông. Tuy nhiên, số người chết vì tai nạn lại tăng hơn so với cùng kỳ, nhiều vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng xảy ra, làm chết và bị thương nhiều người. “Tình trạng vi phạm Luật Giao thông đường bộ diễn ra nhiều, đặc biệt đối với xe chở khách như phóng nhanh, vượt ẩu, tranh giành khách, rồi tình trạng taxi lừa đảo khách hàng, dừng đón trả khách dọc đường”, Phó Thủ tướng nêu thực trạng. Ngoài ra, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cũng nhận định, một số Ban An toàn giao thông tại địa phương còn lơ là, thiếu trách nhiệm, quản lý lỏng lẻo trong vận tải hành hách, vận tải hàng hóa và trong hoạt động đăng kiểm, cấp phép. Tăng nặng thêm hình phạt bổ sung Nhằm kiềm chế thực trạng đáng báo động các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trong thời gian qua, đại diện các cơ quan chức năng và nhiều địa phương đều nêu quan điểm cần tăng nặng thêm các hình phạt bổ sung. Tại Hội nghị trực tuyến, Trung tướng Phạm Quý Ngọ kiến nghị Chính phủ cần sớm sửa đổi Nghị định 34 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. “Ngoài xử phạt tiền cần tăng hình phạt bổ sung so với hiện tại như: cần áp dụng hình phạt tước giấy phép lái xe có thời hạn, trong một số trường hợp đặc biệt nghiêm trọng có thể tước bằng lái vĩnh viễn,” Trung tướng Phạm Quý Ngọ kiên quyết. Đại diện Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai cũng cho rằng, hình thức xử phạt phải nghiêm hơn và có tính răn đe cao, nếu không xử lý cứng rắn thì khó cải thiện được ý thức của người tham gia giao thông.
[Lo thành tích, địa phương "nhẹm" tai nạn giao thông?] Riêng với địa bàn tỉnh Khánh Hòa, lãnh đạo tỉnh cho hay, thời gian tới sẽ làm nghiêm khắc hơn, với những lái xe khách vi phạm về tốc độ, sẽ yêu cầu doanh nghiệp vận tải hủy hợp đồng, không cho tiếp tục lái xe khách. Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ chỉ đạo lực lượng thực thi chức năng, nhiệm vụ trên đường tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm khắc hơn. Liên quan đến việc bến xe khách lộn xộn và quá tải, xe taxi tại thành phố lớn như Hà Nội “chặt chém” lừa du khách, ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho rằng, hiện nay các lực lượng chức năng xử phạt rất nghiêm đối với các trường hợp vi phạm giao thông. Đối với xe khách bị bắt lỗi phóng nhanh vượt ẩu, hoặc gây ra ùn tắc giao thông thì sẽ thu giữ lốp xe, với taxi sẽ thu giữ phù hiệu người lái và không cho xe lưu hành. Đối với các hãng taxi, nếu có hãng nào có 5 phương tiện vi phạm giao thông sẽ tạm thời thu lại giấy phép kinh doanh của doanh nghiệp đồng thời sẽ tiến hành tổ chức, sắp xếp lại luồng tuyến xe khách, đảm bảo đi đúng tuyến, đúng quy hoạch.
[Lo thành tích, địa phương "nhẹm" tai nạn giao thông?] Riêng với địa bàn tỉnh Khánh Hòa, lãnh đạo tỉnh cho hay, thời gian tới sẽ làm nghiêm khắc hơn, với những lái xe khách vi phạm về tốc độ, sẽ yêu cầu doanh nghiệp vận tải hủy hợp đồng, không cho tiếp tục lái xe khách. Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ chỉ đạo lực lượng thực thi chức năng, nhiệm vụ trên đường tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm khắc hơn. Liên quan đến việc bến xe khách lộn xộn và quá tải, xe taxi tại thành phố lớn như Hà Nội “chặt chém” lừa du khách, ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho rằng, hiện nay các lực lượng chức năng xử phạt rất nghiêm đối với các trường hợp vi phạm giao thông. Đối với xe khách bị bắt lỗi phóng nhanh vượt ẩu, hoặc gây ra ùn tắc giao thông thì sẽ thu giữ lốp xe, với taxi sẽ thu giữ phù hiệu người lái và không cho xe lưu hành. Đối với các hãng taxi, nếu có hãng nào có 5 phương tiện vi phạm giao thông sẽ tạm thời thu lại giấy phép kinh doanh của doanh nghiệp đồng thời sẽ tiến hành tổ chức, sắp xếp lại luồng tuyến xe khách, đảm bảo đi đúng tuyến, đúng quy hoạch.
Phải năng tặng mức phạt để "siết" vi phạm Luật giao thông. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bức xúc: “Bến xe lộn xộn, taxi gian dối, tranh giành lừa hành khách, không có thành phố nào có tình trạng như Hà Nội. Công an, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội phải phải nghiêm túc chấn chỉnh, chỉ đạo quyết liệt để chấm dứt tình trạng này. Nếu không làm được tôi sẽ kết luận liên ngành Công an và Sở Giao thông Hà Nội bảo kê trái phép cho các doanh nghiệp vận tải”. Để chấn chỉnh lại tình hình An toàn giao thông, đảm bảo chỉ tiêu giảm 5-10% tai nạn giao thông trên cả ba tiêu chí mà Quốc hội đã đề ra, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu từng địa phương phải rà soát lại các khâu yếu, các điểm đen và sơ hở trong quản lý để chấn chỉnh và chỉ đạo thường xuyên. “Nghiêm khắc xử lý vi phạm, xử phạt tối đa trong khung pháp luật cho phép như thu giữ giấy phép lái xe, xử lý phương tiện, lái xe và cả chủ doanh nghiệp có lái xe vi phạm, doanh nghiệp vô trách nhiệm với phương tiện và lái xe (khoán trắng). Nghiêm cấm cán bộ, lãnh đạo các cấp xin cho hành vi vi phạm an toàn giao thông đường bộ,” Phó Thủ tướng kiên quyết. Phó Thủ tướng cũng nhắc nhở một số địa phương cần chấn chỉnh lại tình hình hoạt động xe khách như Hải Phòng, nơi xe chạy trên tuyến Quốc lộ 5 lộn xộn, mất an toàn giao thông. Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công an cần tăng cường lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát, tập trung xử lý các lỗi vi phạm trên một số tuyến quốc lộ như Quốc lộ 1, 5, 18... phối hợp Bộ Giao thông Vận tải xử lý xe quá khổ, quá tải làm hư hỏng kết cấu đường cầu đường bộ./.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Thủ tướng Chính phủ biểu dương 8 tỉnh có nhiều nỗ lực trong đảm bảo An toàn giao thông 5 tháng qua gồm Đồng Nai, Kon Tum, Tây Ninh, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bình Định, Bình Phước và Bắc Kạn. Phó Thủ tướng cũng nghiêm khắc phê bình 9 tỉnh để tình hình tai nạn giao thông diễn biến xấu như Đắk Nông, Bà Rịa-Vũng Tàu, Phú Thọ, Ninh Thuận, Thừa Thiên Huế, Bình Thuận, Lạng Sơn, Sơn La và Lào Cai. |
Việt Hùng (Vietnam+)