Tăng giao thương, kết nối thương mại ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Các quốc gia khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cần thúc đẩy các chính sách để tăng hiệu suất hoạt động logistics, tạo ra một môi trường toàn diện và thuận lợi cho các dịch vụ logistics.
Tăng giao thương, kết nối thương mại ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: The Hindu)

Trang Quỹ Nhà quan sát (ORF) vừa đăng bài viết của Giáo sư Saon Ray thuộc Ủy ban nghiên cứu quan hệ kinh tế quốc tế Ấn Độ nhận định khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là một khu vực quan trọng với ba lý do.

Đầu tiên, ba trong số các nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản hiện diện ở khu vực, chiếm 60% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu.

Thứ hai, 60% thương mại hàng hải toàn cầu diễn ra qua các vùng biển trong khu vực.

Thứ ba, các nền kinh tế mới nổi phát triển nhanh nhất - Campuchia, Ấn Độ và Philippines - cũng đến từ khu vực này. Tăng trưởng kinh tế có thể đưa nhiều nền kinh tế vào nhóm có thu nhập trung bình trên và giúp hàng tỷ người thoát khỏi đói nghèo.

Thương mại đóng vai trò rất quan trọng để đạt được tầm nhìn cho khu vực. Các câu hỏi cần đặt ra là: Đâu là những trở ngại chính cản trở thương mại trong khu vực? Hợp tác kinh tế được tăng cường có thể đóng góp cho sự phục hồi kinh tế của khu vực không?

Sự cần thiết để tăng cường kết nối

Tầm quan trọng của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đối với GDP toàn cầu và thương mại hàng hải phản ánh sự chuyển dịch trọng tâm kinh tế thế giới sang Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Điều này được thúc đẩy bởi các yếu tố như sự gia tăng của chuỗi giá trị toàn cầu (GVC) và vai trò quan trọng của “công xưởng châu Á.”

Sau cuộc khủng hoảng COVID-19, các nước Đông Á đã dẫn đầu sự phục hồi kinh tế. Chủ nghĩa bảo hộ ngày càng gia tăng ở một số quốc gia và hậu quả của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung dẫn đến việc đánh giá lại các lựa chọn cho các quốc gia và kêu gọi khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng.

Nhiều quốc gia đặt ra các rào cản và hạn chế xuất khẩu do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Một số rào cản trong số này có thể đã được dỡ bỏ nhưng việc vượt qua những rào cản này là chìa khóa để thúc đẩy thương mại khu vực.

[Mỹ với kế hoạch khuấy động kinh tế ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương]

Các yếu tố ảnh hưởng đến hội nhập GVC bao gồm các hiệp định thương mại khu vực; rào cản đầu tư đối với các tập đoàn đa quốc gia; cơ sở hạ tầng; tốc độ di chuyển hàng hóa và thông tin; sự hiệu quả của hệ thống pháp luật; lực lượng lao động có tay nghề cao; sự thân thiện của môi trường kinh doanh và năng lực của doanh nghiệp trong nước đóng góp vào chuỗi cung ứng.

Chính sách quản lý ở biên giới, rào cản tiếp cận thị trường và hậu cần vận tải là một số yếu tố khác tác động đến GVC. Do đó, các quốc gia khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cần thúc đẩy các chính sách để tăng hiệu suất hoạt động logistics, tạo ra một môi trường toàn diện và thuận lợi cho các dịch vụ logistics.

Mở rộng hợp tác kinh tế ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN và từ sau đại dịch, ASEAN cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Do đó, như đã đề cập trước đó, hội nhập khu vực và chuỗi giá trị toàn cầu là rất quan trọng, đặc biệt là ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nơi dẫn đầu sự phục hồi thương mại trên thế giới. Nhận thức được tầm quan trọng của nhập khẩu để thúc đẩy xuất khẩu có thể giúp phục hồi một số nhu cầu bên ngoài và thúc đẩy tăng trưởng. Khả năng phục hồi chuỗi cung ứng rất quan trọng.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã xác định các cách thức chuỗi cung ứng có thể trở nên linh hoạt hơn trong ngắn hạn. Cụ thể là, cải thiện tính minh bạch và biện pháp tạo thuận lợi thương mại, giảm bớt các rào cản đối với thương mại và đầu tư đặc biệt là đối với các dịch vụ thiết yếu. Ở cấp độ quốc tế, tăng cường hợp tác sẽ đem lại lợi ích kinh tế thực sự cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Một số sáng kiến gần đây có thể kể đến như Sáng kiến chung ASEAN-Nhật Bản về phục hồi kinh tế, Sáng kiến nâng cao khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng. Các cơ chế này bao gồm việc chia sẻ biện pháp để phục hồi chuỗi cung ứng, tổ chức các sự kiện xúc tiến đầu tư cũng như các sự kiện kết hợp người mua-người bán để tạo cơ hội cho các bên liên quan khám phá khả năng đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ước tính để theo kịp với tăng trưởng kinh tế và biến đổi khí hậu, cơ sở hạ tầng của khu vực cần khoản đầu tư trị giá 1.700 tỷ USD mỗi năm cho đến năm 2030. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật số bao gồm nền tảng thương mại điện tử, các biện pháp an ninh mạng, giao thức đào tạo từ xa, cải cách khung pháp lý, dịch vụ chính phủ điện tử và tăng cường hợp tác kỹ thuật địa phương cũng rất cần thiết.

Những trở ngại chính cản trở thương mại trong khu vực có thể được khắc phục bằng cách tăng cường hợp tác. Điều quan trọng là phải điều chỉnh chính sách thương mại và chính sách đối ngoại để đạt được lợi ích hội nhập khu vực. Tăng cường hợp tác kinh tế là chìa khóa để phục hồi kinh tế cho khu vực./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục