Ngày 26/3, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã chủ trì buổi làm việc nhằm tăng cường phối hợp liên ngành và hợp tác quốc tế trong công tác kiểm soát chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt với sự tham dự của lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, địa phương và một số tổ chức quốc tế.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nghe đại diện các Bộ Y tế, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và một số địa phương báo cáo về tình hình kiểm tra, giám sát chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt, cũng như công tác quản lý, phát triển cấp nước; đề xuất các giải pháp tăng cường kiểm soát chất lượng nước, nâng cao chất lượng nước sạch các đô thị Việt Nam; kinh nghiệm của các tổ chức quốc tế trong công tác kiểm soát chất lượng nước…
Theo đánh giá của các đại biểu, ở Việt Nam, do tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, cộng với sự gia tăng dân số nên việc đầu tư phát triển cấp nước chưa đáp ứng yêu cầu, phạm vi bao phủ dịch vụ cấp nước còn thấp, chỉ đạt 80% dân số thành thị được cấp nước qua hệ thống cấp nước tập trung, chất lượng dịch cũng của ổn định.
Chất lượng nước của một số trạm cấp nước quy mô nhỏ, tại một số khu đô thị mới, khu chung cư hay một số giếng khoan khai thác quy mô nhỏ lẻ còn hạn chế, chưa đạt yêu cầu quy định như chỉ số clo dư thấp, ô nhiễm asen, amoni, chỉ tiêu vi sinh và một số chỉ tiêu khác.
Mạng lưới đường ống cấp nước nhiều đô thị trải qua nhiều giai đoạn đầu tư đã cũ, rò rỉ, gây tỷ lệ thất thoát nước cao, thậm chí có thể có sự xâm nhập chất thải...
Ngoài ra, hiện nay vẫn chưa xây dựng được cơ chế phối hợp liên ngành Y tế, Xây dựng, nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường trong việc kiểm tra, giám sát chất lượng nước dẫn đến chồng chéo, trùng lặp trong việc kiểm tra chất lượng nước.
Bên cạnh đó, các ngành khi xét nghiệm đánh giá chất lượng nước sử dụng các labo và phương pháp xét nghiệm khác nhau dẫn đến nhận định kết quả khác nhau.
Hiện tại, nhân lực làm công tác kiểm tra giám sát chất lượng nước tại các tỉnh, thành phố còn thiếu so với nhu cầu, năng lực xét nghiệm của các trung tâm y tế dự phòng còn hạn chế, khoảng 12-20/109 chỉ tiêu đề ra.
Các đơn vị ngành y tế từ Trung ương đến địa phương chưa có ngân sách thường xuyên dành riêng cho công tác thanh, kiểm tra, giám sát chất lượng nước định kỳ và đột xuất.
Một số tỉnh, thành phố mới chỉ bố trí được kinh phí giám sát chất lượng nước tại các nhà máy nước ở thành phố, khu đô thị và một số trạm cấp nước khu vực nông thôn, chưa bố trí kinh phí giám sát chất lượng nước tại các địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa và các hình thức cấp nước hộ gia đình nông thôn...
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao sáng kiến của Bộ Y tế trong việc tổ chức họp bàn về công tác kiểm soát chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt, vấn đề quan trọng liên quan trực tiếp đến sức khỏe của toàn dân , cũng như sự nỗ lực của các bộ, ngành nhằm đảm bảo cung cấp nước sạch cho người dân.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, việc cung cấp nước sạch cho khu vực nông thôn và các đô thị lớn luôn được đặc biệt quan tâm với tiêu chí sức khỏe của người dân là trên hết.
Do đó, các bộ, ngành cần chú trọng triển khai kế hoạch cấp nước an toàn, tăng cường kiểm soát bảo vệ nguồn nước, hệ thống cấp nước, đảm bảo chất lượng nước theo quy định và nâng cao chất lượng dịch vụ cấp nước.
Các bộ, ngành đẩy mạnh công tác phối hợp liên ngành trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát chất lượng nước tại các nhà máy, cơ sở cấp nước, bể chứa nước… tiến tới kiểm soát chất lượng nước tại đầu vào của nhà máy nước.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu ngành Y tế cần tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng nước đảm bảo sức khỏe cho nhân dân; các bộ, ngành liên quan cần quan tâm xây cơ chế giá nước sạch phù hợp với sự biến động giá của thị trường nhằm nâng cao chất lượng nước sạch cũng như ý thức người dân trong sử dụng nước, khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư phát triển cấp nước.
Bên cạnh đó, cần quan tâm hỗ trợ đối tượng chính sách khi thực hiện giá nước theo cơ chế thị trường.
Cùng với việc thực hiện kiểm soát nguồn nước theo lộ trình và phù hợp với điều kiện thực tế, các bộ, ngành cần phối hợp chặt chẽ, giải quyết mọi vướng mắc, chồng chéo đang tồn tại, đặc biệt là trong công tác quản lý các dự án, nguồn vốn hỗ trợ.
Ngoài ra, còn rất cần sự phối hợp chặt chẽm hiệu quả ở cấp ở trung ương, địa phương, các tổ chức quốc tế và các nhà tài trợ…
Bộ Y tế cần rà soát và có định hướng về công tác truyền thông, cần đổi mới quyết liệt hơn để người dân ý thức được sự cần thiết, tầm quan trọng của nước sạch, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước./.