Kết quả điều tra chi phí sản xuất để đánh giá lợi ích kinh tế khi áp dụng mô hình điểm về chuỗi sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn theo VietGAP/GMPs (thực hành nông nghiệp tốt) cho thấy, việc áp dụng VietGAP/GMPs đem lại lợi nhuận kinh tế tốt hơn so với việc không áp dụng.
Cụ thể, so với giá bán các sản phẩm không áp dụng VietGAP trên thị trường thì các sản phẩm được chứng nhận VietGAP tại các kênh phân phối (siêu thị, bếp ăn tập thể…) có chi phí đầu vào giảm hơn và trong khi đó giá bán lại được tăng hơn 5%. Đó là kết quả đánh giá vừa được công bố tại Hội thảo tổng kết và phổ biến mô hình điểm về chuỗi sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn theo VietGAP/GMPs, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp Cơ quan phát triển quốc tế Canada (CIDA) chủ trì, vừa diễn ra sáng nay (12/9), ở Hà Nội. Sau 6 năm triển khai (2008-2013), trong khuôn khổ Dự án xây dựng và kiểm soát chất lượng nông sản thực phẩm (FAPQDC), 20 mô hình điểm chuỗi sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn (rau, quả, thịt lợn, thịt gà) tại 8 tỉnh/thành phố thuộc 3 miền Bắc, Trung, Nam đã được xây dựng, vận hành, kiểm chứng. [Hà Nội mới đáp ứng được 60% nhu cầu rau xanh] Dự án đã huy động các chuyên gia Canada, chuyên gia Việt Nam có kinh nghiệm thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế và Bộ Khoa học công nghệ hợp tác xây dựng các tài liệu kỹ thuật; thực hiện đào tạo, tập huấn và hướng dẫn, kiểm tra đánh giá việc thực hiện áp dụng Thực hành tốt (VietGAp/VietGAHP) tại cơ sở sản xuất trồng trọt và chăn nuôi, áp dụng thực hành sản xuất tốt (GMPs) tại các công đoạn sơ chế, chế biến, đóng gói, bày bán thuộc mô hình thí điểm. Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Thị Xuân Thu cho biết, nội dung và cách thức triển khai của Dự án này theo phương thức tiếp cận mới và toàn diện, không chỉ tập trung vào hỗ trợ về các giải pháp kỹ thuật mà còn hỗ trợ triển khai cả giải pháp tổ chức quản lý và tiêu thụ sản phẩm. Với những thành công bước đầu trong việc kiểm soát an toàn thực phẩm trong toàn bộ chuỗi sản xuất, xây dựng được các mối liên kết dọc và ngang trong sản xuất cũng như tiêu thụ đồng thời kiểm soát an toàn thực phẩm chú trọng vào các mối nguy, công đoạn có nguy cơ cao về an toàn thực phẩm; đặc biệt là sự thành công có sự gắn kết giữa tổ chức quản lý sản xuất và nhà sản xuất với các đơn vị tiêu thụ sản phẩm. Trên cơ sở này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình ra nhiều địa phương khác, hướng tới đảm bảo chất lượng nông sản phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuân Thu nhấn mạnh. Mặt khác, để người tiêu dùng được sử dụng thực phẩm an toàn đại trà cần thiết phải đầu tư và có chính sách một cách đồng bộ cho cả chuỗi giá trị từ sản xuất, kinh doanh đặc biệt là khâu tiêu thụ, bà Đinh Kim Dung-Chánh văn phòng của Dự án FAPQDC cho biết.
Trong khuôn khổ Dự án xây dựng và kiểm soát chất lượng nông sản thực phẩm (FAPQDC), có 13/14 mô hình rau quả tại Lâm Đồng, thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Thanh Hóa, Đồng Nai, Tiền Giang và Bắc Giang đã được chứng nhận VietGAP. 11/11 doanh trại chăn nuôi lợn và 9/14 trại gà được chứng nhận VietGAHP (quy trình thực hành chăn nuôi tốt); 6/6 cơ sở giết mổ thịt lợn và thịt gà và 5/5 cơ sở bán thịt lợn và thịt gà được đánh giá đủ điều kiện an toàn thực phẩm./. |
Thanh Tâm (Vietnam+)