Tăng giá tài nguyên, các nước nghèo bị thua thiệt

UNCTAD đưa ra báo cáo nêu rõ giá tài nguyên thiên nhiên thô tăng lên không theo các mô hình gây tổn thương cho các nước nghèo.
Ngày 24/4, Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) đưa ra báo cáo nêu rõ rằng giá nguồn tài nguyên thiên nhiên thô đang tăng lên không theo các mô hình đã hình thành từ lâu.

Việc tăng giá này đang gây tổn thương cho các nước nghèo do nguồn thu nhập tăng lên nhờ xuất khẩu nguyên liệu thô không đủ bù đắp khoản chi tăng lên do giá lương thực và nhiên liệu nhập khẩu tăng cao.

Kỳ họp thứ 13 của UNCTAD đang diễn ra ở thủ đô Doha của Qatar với chủ đề "Toàn cầu hóa tập trung vào phát triển." Chủ đề của kỳ họp này nhấn mạnh tới sự đầu cơ tài chính đang tăng lên đối với hàng hóa và quá trình chuyển đất nông nghiệp sang trồng các cây nguyên liệu sản xuất nhiên liệu sinh học đã làm thay đổi các động lực, dẫn tới tăng giá hàng hóa trong suốt thời gian dài.

Tuy nhiên, hậu quả của tiến trình này đối với các nước đang phát triển có nền kinh tế phụ thuộc nặng nề vào xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là 48 nước chậm phát triển nhất (LDC), là sự phát triển tiêu cực do các nước này là các nước nhập khẩu các mặt hàng lương thực thiết yếu và nhiên liệu.

Từ cuộc khủng hoảng lương thực năm 2008, giá các mặt hàng dinh dưỡng cơ bản dễ biến động và tăng cao khiến các gia đình nghèo dễ bị tổn thương phải dành hơn 50% thu nhập để đáp ứng nhu cầu lương thực và dinh dưỡng.

Báo cáo của UNCTAD đề xuất các biện pháp vượt qua hiện trạng này bao gồm tăng cường đầu tư dự trữ lương thực quốc gia và khu vực để hỗ trợ các nước mất an ninh lương thực; chuyển trọng tâm của toàn cầu hóa từ trọng tâm là tài chính sang trọng tâm vì phát triển; điều chỉnh các chính sách tài chính và thuế để giúp các nước đang phát triển tận dụng được các lợi ích kinh tế ổn định và dài hạn từ xuất khẩu hàng hóa, đồng thời cần tính đến các biện pháp tầm quốc gia và quốc tế để cải thiện hiện trạng của nông dân và các nhà sản xuất hàng hóa nhỏ khác ở các nước nghèo.

Phó Tổng Thư ký thường trực của Liên hợp quốc, Rose Asha-Migiro, nhấn mạnh các chuyển đổi chính trị nhanh chóng trên thế giới đang tạo ra các cơ hội việc làm mới để phát triển. Thiếu vắng các cơ hội kinh tế và tiếng nói chính trị, đặc biệt của thanh niên, sẽ khiến tiến trình phát triển trở nên không bền vững.

Kỳ họp thứ 13 của UNCTAD cũng là cơ hội để xử lý năm thách thức chủ chốt bao gồm tăng cường các biện pháp cần thiết để phục hồi tăng trưởng kinh tế của nền kinh tế toàn cầu; giám định các nguyên nhân khủng hoảng, đặc biệt là những nguyên nhân mang tính hệ thống; tăng cường các biện pháp ngăn ngừa tái diễn khủng hoảng; tăng cường các chính sách buôn bán và phát triển để hỗ trợ các nỗ lực làm giảm tác động của biến đổi khí hậu; thúc đẩy toàn cầu hóa phổ quát hơn; giải phóng hoàn toàn tiềm năng thương mại quốc tế./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục