Tăng giá dịch vụ kiểm định xe: Gỡ khó cho các Trung tâm Đăng kiểm

Các trung tâm đăng kiểm đang gồng mình vượt qua khó khăn nhưng không thể kéo dài lâu, nếu không có kinh phí rất khó có thể giữ chân các đăng kiểm viên làm việc.
Trung tâm đăng kiểm trên cả nước luôn trong tình cảnh vắng vẻ, không còn tình trạng phương tiện xếp hàng để chờ vào kiểm định. (Ảnh: Minh Hiếu/Vietnam+)
Trung tâm đăng kiểm trên cả nước luôn trong tình cảnh vắng vẻ, không còn tình trạng phương tiện xếp hàng để chờ vào kiểm định. (Ảnh: Minh Hiếu/Vietnam+)

Nhiều Trung tâm Đăng kiểm đang gặp khó khăn khi lượng xe sụt giảm, thu không đủ bù chi và giá dịch vụ kiểm định đã không đổi 10 năm qua dẫn đến khó thu hút và giữ chân đăng kiểm viên.

Thu không đủ bù chi

Hiện nay, hầu hết Trung tâm Đăng kiểm trên cả nước luôn trong tình trạng vắng vẻ, không còn cảnh phương tiện xếp hàng để chờ vào kiểm định như những tháng đầu năm vừa qua.

Lãnh đạo một Trung tâm Đăng kiểm trên địa bàn Hà Nội cho biết các khoản thu của đơn vị chủ yếu vẫn từ giá dịch vụ kiểm định xe (từ 240.000- 560.000 đồng/xe), tiền trích lại từ việc thu hộ phí bảo trì đường bộ (1,32% tổng số tiền thu). Tuy nhiên, lượng xe đến kiểm định sụt giảm trong những tháng qua dẫn đến thu không đủ bù chi (bình quân mỗi ngày khoảng 20-30 xe so với thời điểm trước kia từ 120-140 xe/ngày).

Vị này đưa ra dẫn chứng: Năm 2022, trung bình mỗi tháng, tiền thu được từ giá dịch vụ kiểm định xe khoảng 800 triệu đồng. Đến tháng 10/2023 dao động chỉ khoảng 150 triệu đồng, tiền phí bảo trì đường bộ doanh thu giảm hẳn một nửa cũng kéo theo khoản tiền trích lại thu hộ từ phí bảo trì đường bộ chỉ được khoảng vài chục triệu đồng.

[Các trung tâm đăng kiểm gặp khó về kiểm định dây chuyền thiết bị]

“Với tiền thuê đất, điện nước, tiền chi trả lương cán bộ công nhân viên tại trung tâm đăng kiểm, chưa kể tiền lãi ngân hàng, tiền khấu hao thiết bị máy móc và trong bối cảnh lượng xe giảm khoảng 70% như hiện nay đơn vị sẽ lại tiếp tục lỗ gần 200 triệu đồng/tháng,” đại diện Trung tâm Đăng kiểm này thừa nhận.

Tăng giá dịch vụ kiểm định xe: Gỡ khó cho các Trung tâm Đăng kiểm ảnh 1Lượng xe đến kiểm định sụt giảm trong những tháng qua dẫn đến các trung tâm đăng kiểm thu không đủ bù chi. (Ảnh: Minh Hiếu/Vietnam+)

Ông Trần Quốc Hoan, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 29-03V Hà Nội cho hay khi Thông tư 08/2023 có hiệu lực, cho phép tự động giãn chu kỳ kiểm định xe không kinh doanh vận tải đến 9 chỗ ngồi, lượng xe đến Trung tâm lập tức giảm.

"Mỗi ngày Trung tâm Đăng kiểm được 70 ôtô trong khi công suất ước tính lên tới 180 xe/ngày. Tăng giá dịch vụ kiểm định là biện pháp quan trọng bởi nếu không các Trung tâm Đăng kiểm không thể hoạt động nổi trong bối cảnh hiện nay,” ông Hoan nói.

Theo ông Trần Nguyên Sinh, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 29-08D (Hà Nội), đến thời điểm hiện nay doanh thu đơn vị đã giảm tới 80%. Trung tâm đang gồng mình vượt qua khó khăn nhưng không thể kéo dài lâu, nếu không có kinh phí rất khó giữ đăng kiểm viên. Do đó, việc tăng giá kiểm định thực sự rất cấp thiết.

Sớm tăng giá dịch vụ và thu nhập đăng kiểm viên

Ông Võ Thanh Bình, Trưởng phòng Tài chính-Kế hoạch đầu tư (Cục Đăng kiểm Việt Nam) cho rằng giá kiểm dịch vụ kiểm định xe cơ giới không thay đổi trong 10 năm qua dù nhiều yếu tố cấu thành lên mức giá trên đã biến đổi, đặc biệt là chi phí tiền lương, chi phí điện, nước và nhiều chi phí khác.

Ngoài ra, miễn kiểm định đối với phương tiện đăng ký lần đầu và giãn chu kỳ đăng kiểm đối với xe không kinh doanh vận tải dưới 10 chỗ ngồi đã làm cho khối lượng công việc và doanh thu các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới hiện nay chỉ đạt 60-70% so với cùng kỳ năm trước, khiến nhiều đơn vị hiện đang gặp rất nhiều khó khăn về tài chính.

“Do đó, việc xem xét điều chỉnh mức thu giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới đang lưu hành là việc làm hết sức cần thiết,” ông Bình nhấn mạnh.

[Bộ GTVT: Nhà nước cần định giá tối đa dịch vụ kiểm định xe ôtô]

Đồng tình quan điểm, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam khẳng định việc điều chỉnh giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới vẫn rất cần thiết, là cơ sở để đảm bảo cho hoạt động kiểm định được ổn định lâu dài, để các đơn vị đăng kiểm duy trì hoạt động nhằm phục vụ nhu cầu người dân, đảm bảo đời sống vật chất và tinh thần cho đội ngũ đăng kiểm viên tiếp tục gắn bó với nghề.

“Để đáp ứng nhu cầu kiểm định trong dịp cuối năm, các đơn vị kiểm định cần phải bố trí nhân sự làm thêm giờ, làm thêm ngày thứ Bảy, Chủ Nhật và phải trả lương tăng thêm theo quy định, cải thiện về thu nhập cho người lao động. Ngoài ra, khi giá kiểm định tăng sẽ thu hút nhiều trung tâm đăng kiểm mở thêm để đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp,” ông Quyền nói.

Tăng giá dịch vụ kiểm định xe: Gỡ khó cho các Trung tâm Đăng kiểm ảnh 2Nếu không có kinh phí, các trung tâm đăng kiểm rất khó giữ chân đăng kiểm viên làm việc. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Về phương án điều chỉnh giá, Cục Đăng kiểm đề xuất lựa chọn điều chỉnh giá căn cứ vào các yếu tố chi phí cấu thành lên giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới ban hành từ năm 2013 và đề xuất điều chỉnh mức tăng giá trên cơ sở lựa chọn những yếu tố chi phí có nhiều biến đổi. Theo đó mức tăng giá dao động từ 26-28% so với giá hiện hành, đồng thời, đây là mức giá tối đa.

Ông Nguyễn Tô An, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết hiện tại cục đã có văn bản đề nghị Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Chính phủ sớm ban hành nghị định cho phép bộ ban hành giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới đang lưu hành ở giá tối đa. Trên cơ sở đó, Bộ Giao thông Vận tải sẽ ban hành thông tư điều chỉnh mức giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới đang lưu hành nhằm tháo gỡ khó khăn cho các Trung tâm Đăng kiểm hiện nay.

Với việc hàng loạt đăng kiểm viên bị khởi tố và thiếu hụt việc bổ sung lực lượng đăng kiểm viên sẽ dẫn tới nguy cơ ùn tắc đăng kiểm ở các địa phương trong thời gian tới, ông An kiến nghị cơ quan chức năng phải nâng được mức thu nhập của đăng kiểm viên để giữ và thu hút nhân lực trong bối cảnh hiện nay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục