Khoảng 1.800 dịch vụ y tế trong danh mục được bảo hiểm y tế đang thanh toán đều sẽ được điều chỉnh tăng giá trong tháng 11 hoặc tháng 12 tới. Với thay đổi này, quỹ bảo hiểm y tế sẽ chi trả nhiều hơn, phần chi trả của người dân sẽ giảm đi.
Đối với giá dịch vụ y tế cho những người không tham gia bảo hiểm y tế sẽ được điều chỉnh tăng giá tính đủ vào năm 2016.
Đây là thông tin được đưa ra tại buổi họp báo thông tin định kỳ do Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức ngày 26/20 tại Hà Nội.
Bộ Y tế đang phối hợp với Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng dự thảo Thông tư liên bộ quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc. Theo dự thảo thông tư này, bên cạnh 1.200 dịch vụ đang được bảo hiểm y tế chi trả, dự thảo có bổ sung thêm 600 dịch vụ chủ yếu là các phẫu thuật, thủ thuật chưa được quy định giá cụ thể.
Hiện tại giá viện phí chỉ đang tính 3 yếu tố: thuốc, vật tư trực tiếp; điện, nước, xử lý chất thải; duy tu, bảo dưỡng tài sản. Từ cuối năm nay, giá khoảng 1.800 dịch vụ y tế sẽ được điều chỉnh tăng giá vì tính thêm chi phí tiền lương, phụ cấp.
Trong khoảng 1.800 dịch vụ y tế sẽ điều chỉnh giá, tất cả giá dịch vụ kỹ thuật, nhóm kỹ thuật sẽ được thống nhất trên toàn quốc không phân biệt các hạng bệnh viện, địa phương. Riêng giá khám bệnh, giá giường bệnh tính theo ngày sẽ tăng tùy theo hạng bệnh viện và chuyên khoa.
Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng Ban thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho biết, giá khám bệnh sẽ tùy theo hạng bệnh viện, bệnh viện hạng 3 sẽ tăng từ 7.000 đồng lên 30.000 đồng, một số bệnh viện tăng từ 20.000 đồng lên 40.000 đồng. Giường bệnh viện cũng tăng từ 90.000 đồng/giường/ngày (loại1) lên trên 200.000 đồng/giường/ngày.
Nhiều ý kiến lo ngại khi tăng giá thì những người có thẻ bảo hiểm y tế cũng phải đồng chi trả tăng từ 5%-20% chi phí. Giải thích vấn đề này, ông Phạm Lương Sơn, Trưởng Ban thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) phân tích, đối với hơn 70% dân số đã có thẻ bảo hiểm y tế thì nhóm đối tượng được bảo hiểm y tế thanh toán 100% chi phí sẽ không bị ảnh hưởng mà quyền lợi được nâng lên. Nhóm người đồng chi trả 5-20% về cơ bản cũng không ảnh hưởng vì đã được bảo hiểm y tế thanh toán 80-95% phần tăng thêm, mức chi trả cũng cao hơn trước đây.
Ông Phạm Lương Sơn khẳng định: “Trong năm 2015, chỉ nhóm không có thẻ bảo hiểm y tế khoảng 30% dân số là chưa bị tác động bởi tăng giá dịch vụ, nhưng sang năm 2016, nhóm này sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Vì thế, người dân nên tham gia bảo hiểm y tế để được đảm bảo quyền lợi khi bị ốm đau, bệnh tật.”
Để đảm bảo hỗ trợ người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng yêu cầu cơ quan bảo hiểm xã hội các tỉnh thực hiện nghiêm túc quy định: Đối với người tham gia bảo hiểm y tế từ 5 năm liên tục trở lên, nếu phần đồng chi trả vượt 6 tháng lương cơ sở thì phần vượt sẽ được Bảo hiểm xã hội sẽ thanh toán. Nghĩa là những người phải đồng chi trả 20% thì phần 20% này sẽ không vượt quá 6 tháng lương cơ sở.
Theo báo cáo của Bộ Y tế trình Chính phủ, khi tăng giá dịch vụ y tế thì Quỹ Bảo hiểm y tế vẫn có khả năng cân đối được đến hết 2017, từ 2018 sẽ xem xét điều chỉnh mức đóng cho phù hợp (Luật Bảo hiểm Y tế quy định mức đóng tối đa là 6% mức lương cơ sở, hiện nay đang thực hiện đóng 4,5% lương cơ sở).
Mặt khác, khi tính lương vào viện phí, dự kiến nguồn ngân sách khoảng 10.000 tỷ đồng sẽ được dành để hỗ trợ các đối tượng mua thẻ bảo hiểm y tế hoặc nâng mức hỗ trợ một số đối tượng còn khó khăn như nông dân, ngư dân, diêm dân… từ năm 2018./.