Tăng cường y tế cơ sở để chăm sóc sức khỏe toàn dân

Bộ Y tế tổ chức hội thảo "Tăng cường y tế cơ sở trong tình hình mới" với sự tham gia của đại diện các sở, ban, ngành có liên quan.
(Ảnh minh họa: Dương Ngọc/TTXVN)

Ngày 10/12, Bộ Y tế tổ chức hội thảo "Tăng cường y tế cơ sở trong tình hình mới" với sự tham gia của đại diện các sở, ban, ngành có liên quan và một số trung tâm y tế.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết y tế cơ sở là nền tảng của hệ thống y tế Việt Nam; là tuyến y tế cơ bản cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.

Tăng cường y tế cơ sở nhằm hướng đến mục tiêu "bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân."

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung cho ý kiến và thảo luận về đề án "Tăng cường y tế cơ sở trong tình hình mới" của Bộ Y tế, đặc biệt là khái niệm về y tế cơ sở.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, toàn quốc hiện có 98,9% số xã đã có trạm y tế; gần 100.000 nhân viên y tế thôn, bản; gần 80% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế (năm 2011); 74,4% số xã có bác sỹ làm việc; 88% số thôn, bản có nhân viên y tế hoạt động; 55% số trạm y tế là nhà mái bằng kiên cố... Một số trạm y tế được cấp máy siêu âm, điện tim, máy xét nghiệm máu, nước tiểu, xét nghiệm sinh hóa, máy đo đường huyết, ghế răng đơn giản...

Trung bình toàn quốc, tỷ lệ khám chữa bệnh tại tuyến xã chiếm 30-50% tổng số lượt khám chữa bệnh; khoảng 80% số trạm y tế đã triển khai khám chữa bệnh bảo hiểm y tế và khoảng 20% số thẻ đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại tuyến xã; tuổi thọ trung bình của người dân tăng...

Mục tiêu của Đề án "Tăng cường y tế cơ sở trong tình hình mới" nhằm tạo bước chuyển biến đột phá và toàn diện về tổ chức, cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ cán bộ và cơ chế hoạt động của y tế cơ sở; nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh ban đầu, đáp ứng nhu cầu chăm sóc của người dân ngay tại cộng đồng, góp phần giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, đảm bảo công bằng, hiệu quả và phát triển sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Theo đó, các biện pháp thực hiện gồm tăng cường nhận thức và trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền; củng cố tổ chức, đổi mới cơ chế hoạt động; phát triển nhân lực cho y tế cơ sở; tăng cường đầu tư, tạo bước đột phá về cơ sở vật chất và trang thiết bị cho y tế cơ sở; đổi mới cơ chế tài chính và nâng cao hiệu quả truyền thông, giáo dục sức khỏe.../.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục