Tăng cường xúc tiến thương mại, khai mở thị trường Halal giàu tiềm năng

Theo chuyên gia, để xuất khẩu các sản phẩm Halal phải đảm bảo sản phẩm đó được cấp giấy chứng nhận Halal bởi các tổ chức được công nhận quốc tế và tiêu chuẩn Halal ở mỗi quốc gia có sự khác biệt.

Sản phẩm của Việt Nam tham gia hội chợ quốc tế. (Ảnh: TTXVN)
Sản phẩm của Việt Nam tham gia hội chợ quốc tế. (Ảnh: TTXVN)

Tại “Hội thảo: đẩy mạnh xúc tiến thương mại sản phẩm thực phẩm Halal” do Cục Xúc tiến thương mại tổ chức, ngày 14/11, tại Thành phố Hồ Chính Minh, trong khuôn khổ sự kiện Triển lãm Quốc tế công nghiệp thực phẩm Việt Nam 2024 - Vietnam Foodexpo 2024, các chuyên gia đã thông tin nhiều giải pháp giúp doanh nghiệp khai mở thị trường, dần đưa Việt Nam vào danh sách nguồn cung thực phẩm Halal tiêu biểu của toàn cầu.

Lĩnh vực giàu tiềm năng

Thị trường Hồi giáo hiện có khoảng trên 2 tỷ người, chiếm khoảng 25% tổng dân số toàn cầu. Đặc biệt, người dân theo đạo Hồi chiếm số đông ở khu vực châu Á, nhất là trong khối ASEAN. Những năm qua, nhu cầu đối với các sản phẩm Halal ngày càng gia tăng và đang trở thành xu hướng toàn cầu.

Theo báo cáo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), chi tiêu cho thực phẩm Halal của cộng đồng Hồi giáo toàn cầu ngày càng tăng cao, dự kiến đạt 1.900 tỷ USD vào năm 2024 và 15.000 tỷ USD vào năm 2050.

Hơn nữa, sản phẩm Halal đang được nhiều người quan tâm chứ không chỉ cộng đồng Hồi giáo. Một số thị trường thông thường vẫn tích cực mua vì tính chất lượng, an toàn, bền vững của chứng nhận này. Ngược lại, doanh nghiệp có năng lực sản xuất được hàng Halal thì dễ tiếp cận được các thị trường khó tính.

Bà Nguyễn Minh Phương, Trưởng phòng, Vụ Thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công Thương) thông tin, tại khu vực Trung Đông, dân số gần 600 triệu người, thu nhập và tỷ lệ tiêu dùng bình quân đầu người cao, đa số là người Hồi giáo nhưng phụ thuộc vào nhập khẩu đặc biệt là lương thực, thực phẩm. Tương tự, tại khu vực Bắc Phi, tiềm năng về các mặt hàng thực phẩm cũng rất cao, phần lớn nhu cầu thực phẩm phụ thuộc vào nhập khẩu.

Theo dự báo, năm 2024, xuất khẩu hàng hóa Halal của Việt Nam đạt gần 700 triệu USD, trong đó các thị trường UAE, Saudi Arabia và Ai Cập chiếm tỷ trọng lớn nhất. Các mặt hàng thủy sản, nông sản và thực phẩm chế biến Halal chiếm khoảng 30-35% tổng kim ngạch xuất khẩu thực phẩm của Việt Nam sang khu vực này.

Dẫn báo cáo của WTO VN, ông Lê Châu Hải Vũ, Giám đốc Công ty tư vấn doanh nghiệp CONSULTECH cho hay, Việt Nam hiện là một trong những cường quốc xuất khẩu của thế giới, đứng thứ 2 trong khu vực và 23 trên toàn cầu, với thế mạnh là hàng nông sản và thực phẩm chế biến-những sản phẩm có nhu cầu lớn tại thị trường Hồi giáo.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa có tên trong danh sách 30 nhà cung cấp thực phẩm Halal tiêu biểu của toàn cầu. Nguyên nhân chính là do việc triển khai vẫn theo nhu cầu tự phát của từng doanh nghiệp, do đó, các doanh nghiệp cần phải tuân thủ các tiêu chuẩn Halal được quy định theo tiêu chuẩn GSO. Các tiêu chuẩn này cơ bản bao gồm: thực phẩm và nông sản phải được sản xuất từ nguyên liệu không chứa thành phần bị xem là Haram (bị cấm theo luật Hồi giáo).

do-uong-1893.jpg
Quầy hàng giới thiệu sản phẩm của Thương vụ Việt Nam tại Malaysia. (Ảnh: TTXVN)

Cùng với đó, quy trình sản xuất và đóng gói phải đảm bảo tính toàn vẹn Halal. Đảm bảo các vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn sức khỏe người dùng và quy định của pháp luật Việt Nam. Các sản phẩm phải được đóng gói và ghi nhãn rõ ràng theo quy định của hệ thống đảm bảo Halal (HAS).

“Để đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn này, các doanh nghiệp cần phải có chứng chỉ Halal. Chứng chỉ này sẽ là giấy tờ chứng minh cho khách hàng rằng sản phẩm của doanh nghiệp đã được kiểm tra và đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn Halal,” ông Lê Châu Hải Vũ khuyên nghị.

Khai mở thị trường

Việt Nam được đánh giá có tiềm năng xuất khẩu thực phẩm Halal. Tiềm năng mở rộng xuất khẩu Halal của Việt Nam càng được thể hiện rõ hơn khi Việt Nam đã nằm trong top 20 nước xuất khẩu thực phẩm hàng đầu thế giới và là một trong 15 nước xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới, đồng thời là mắt xích quan trọng trong các chuỗi cung ứng toàn cầu với 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết trong đó có nhiều FTA thế hệ mới, khu vực và liên khu vực đã được ký kết…

Theo bà Nguyễn Minh Phương, để xuất khẩu các sản phẩm Halal phải đảm bảo sản phẩm của mình được cấp giấy chứng nhận Halal bởi các tổ chức được công nhận quốc tế và tiêu chuẩn Halal ở mỗi quốc gia có sự khác biệt. Cùng với quy định pháp lý và thuế quan khá phức tạp. Yêu cầu doanh nghiệp phải có sự hiểu biết sâu sắc về các quy trình nhập khẩu, hải quan và thuế suất.

Trong khi đó, hàng xuất khẩu của Việt Nam cũng phải cạnh tranh với nhiều quốc gia như Malaysia, Indonesia, Thái Lan… là những nước đã có kinh nghiệm và uy tín trong việc xuất khẩu các sản phẩm Halal. Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ có lợi thế hơn về thương hiệu và sự hiện diện lâu đời.

Mặt khác, văn hóa tiêu dùng tại Trung Đông và châu Phi có nhiều khác biệt so với Việt Nam, từ cách thức tiêu thụ sản phẩm, sở thích về hương vị, bao bì cho đến phương thức quảng bá sản phẩm. Do đó, doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ lưỡng các yếu tố này để điều chỉnh chiến lược marketing và sản phẩm cho phù hợp.

Bà Nguyễn Minh Phương cũng khuyến nghị các doanh nghiệp cần tận dụng các hoạt động xúc tiến thương mại thông qua hội chợ, triển lãm quốc tế hoặc các đoàn công tác thương mại do Chính phủ hoặc các hiệp hội ngành nghề tổ chức để đẩy mạnh tiếp cận sản phẩm này.

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Hằng, Giám đốc Marketing Văn phòng chứng nhận Halal, khi đăng ký Halal cần chứng nhận cho sản phẩm cụ thể, thuộc quyền sở hữu của công ty mình (kể cả công ty thương mại), đồng thời cung cấp thông tin chính xác, trung thực, cũng như chọn tổ chức Chứng nhận được chấp nhận ở thị trường xuất khẩu.

“Thiết kế bao bì, dấu hiệu, biểu tượng, logo, tên sản phẩm không sử dụng các hình ảnh minh họa là Haram (bị cấm theo luật Hồi giáo) hoặc hình ảnh dẫn đến hiểu nhầm, đi ngược lại với nguyên tắc của luật Hồi giáo. Tên của sản phẩm không được đặt tên trùng hoặc đồng nghĩa với sản phẩm không phải là Halal như: Hamburger, Bak Kut the, thịt lợn muối, rượu rum; không bao gồm tên của các ngày lễ không thuộc về Hồi giáo, như Christmas, Valentine...,” bà Nguyễn Thị Ngọc Hằng lưu ý.

_tai_malaysia_1.jpg

Để sản phẩm Halal của doanh nghiệp có thể xuất khẩu sang các nước Hồi giáo, theo Cục Xúc tiến thương mại, doanh nghiệp cần chọn các tổ chức chứng nhận Halal đã được công nhận bởi các cơ quan Halal hàng đầu như Bộ Phát triển Hồi giáo Malaysia (Jakim), cơ quan tổ chức đảm bảo sản phẩm Halal cuar Indonesia (BPJPH), Bộ Công nghiệp và Công nghệ tiên tiến (MoIAT) UAE ... hoặc các tổ chức uy tín khác được chấp nhận tại các nước Hồi giáo.

Hiện nay, tại Việt Nam mới chỉ có 1 tổ chức được công nhận quốc tế bởi các tổ chức Hồi giáo nêu trên là Văn Phòng Chứng nhận Halal HCA Việt Nam. Việc cung cấp các thông tin về Halal cũng như về các quy định Halal này còn khá hạn chế nên doanh nghiệp vẫn còn loay hoay trong việc chọn tổ chức chứng nhận. Vì thế, tổ chức chứng nhận Halal có uy tín và được công nhận quốc tế sẽ giúp sản phẩm của doanh nghiệp không chỉ dễ dàng được chấp nhận tại các thị trường Hồi giáo mà còn giúp tạo uy tín, nâng cao vị thế thương hiệu trên thị trường quốc tế.

Đại diện Cục Xúc tiến thương mại cho biết tháng 2/2023, Thủ tướng Chính phủ Quyết định phê duyệt Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030.”

Đây là đề án đầu tiên có ý nghĩa quan trọng, đưa ra định hướng lớn mang tầm quốc gia về huy động các nguồn lực quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam bài bản, chuyên nghiệp, toàn diện, giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu, hiệu quả vào chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm Halal toàn cầu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục