Tăng cường vai trò phụ nữ ASEAN vì hòa bình, an ninh khu vực, thế giới

Theo Đại sứ Nguyễn Phương Nga, phụ nữ chiếm 50% dân số thế giới, đóng vai trò quan trọng trong thực hiện các mục tiêu về phát triển bền vững, cũng như duy trì hòa bình và an ninh khu vực, thế giới.
Phiên đối thoại cấp Bộ trưởng ASEAN về Thúc đẩy vai trò của Phụ nữ đối với hòa bình và an ninh bền vững. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Ngày 10/9, trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53 (AMM 53) và các Hội nghị liên quan, Phiên đối thoại Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN về Tăng cường vai trò của phụ nữ vì hòa bình và an ninh bền vững đã diễn ra theo hình thức trực tuyến. Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, đã phát biểu tại Phiên đối thoại.

Bên lề Phiên đối thoại, Đại sứ Nguyễn Phương Nga đã trao đổi với báo chí về những nội dung liên quan đến việc tăng cường vai trò của phụ nữ ASEAN trong đóng góp cho các mục tiêu duy trì hòa bình, an ninh của khu vực và thế giới.

Theo Đại sứ, phụ nữ chiếm 50% dân số thế giới, đóng vai trò quan trọng trong thực hiện các mục tiêu về phát triển bền vững, cũng như duy trì hòa bình và an ninh trong khu vực, trên thế giới.

Phụ nữ có những thế mạnh đặc biệt như khả năng thích ứng, sự nhạy bén, linh hoạt. Phụ nữ cũng rất kiên trì, quyết liệt trong việc thực hiện những mục tiêu mình đặt ra. Phụ nữ vừa là đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương trong xã hội, nhưng đồng thời cũng là những nhân tố mang lại sự thay đổi.

Phụ nữ là một trong những lực lượng để thúc đẩy thay đổi và thực hiện những mục tiêu, kể cả các mục tiêu phát triển bền vững, cũng như các mục tiêu duy trì hòa bình và an ninh.

Liên hợp quốc đã thông qua nhiều Nghị quyết quan trọng về vai trò của phụ nữ đối với hòa bình và an ninh.

[AMM 53: Tăng cường vai trò của phụ nữ vì hòa bình và an ninh bền vững]

Với cương vị là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009, Việt Nam đã thúc đẩy và được Hội đồng Bảo an nhất trí thông qua Nghị quyết số 1899 năm 2009 về phụ nữ, hòa bình và an ninh; trong đó nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường vai trò của phụ nữ trong việc giải quyết các vấn đề, đặc biệt là giải quyết các xung đột, xây dựng và gìn giữ hòa bình, cũng như vai trò của phụ nữ - một vai trò then chốt trong việc duy trì hòa bình và an ninh.

Ở khu vực, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 31 năm 2017, các nhà lãnh đạo ASEAN cũng đã thông qua Tuyên bố chung của Lãnh đạo ASEAN Phụ nữ, Hòa bình và An ninh.

Hiện nay, trong bối cảnh tình hình quốc tế diễn biến rất phức tạp, đại dịch COVID-19 là cú sốc lớn cả về chính trị, kinh tế và xã hội. Những tác động sâu sắc của đại dịch cũng đặt những tiến bộ trong lĩnh vực bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ trước những thách thức mới cũng như đe dọa hòa bình, an ninh và phát triển.

Đại sứ Nguyễn Phương Nga cho biết, tại Phiên Đối thoại cấp Bộ trưởng ASEAN về tăng cường vai trò của phụ nữ đối với hòa bình và an ninh bền vững, các Bộ trưởng ASEAN trao đổi cụ thể về những vấn đề trên, qua đó khẳng định vai trò của phụ nữ đối với hòa bình và an ninh đặc biệt có ý nghĩa rất quan trọng và kịp thời.

Đại sứ Nguyễn Phương Nga (ngoài cùng bên phải) tham dự Phiên đối thoại cấp Bộ trưởng ASEAN về Thúc đẩy vai trò của Phụ nữ đối với hòa bình và an ninh bền vững. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Chia sẻ ý kiến về phương hướng phát triển vai trò của phụ nữ ASEAN, Đại sứ Nguyễn Phương Nga nhận định, trong các trong chương trình nghị sự sắp tới của ASEAN cũng như của Liên hợp quốc, cần phải tính tới tất cả những sự quan tâm, kinh nghiệm, góc nhìn của phụ nữ để từ đó tăng cường vai trò của phụ nữ trong việc tham gia vào mọi giai đoạn, mọi khâu của tiến trình hòa bình như: từ giải quyết xung đột, ngăn chặn xung đột đến gìn giữ hòa bình; xây dựng hòa bình và phát triển, khắc phục các hậu quả do xung đột mang lại; xây dựng và phát triển bền vững.

Đánh giá về vai trò của Chủ tịch ASEAN trong một năm đầy biến động, Đại sứ Nguyễn Phương Nga cho rằng Việt Nam đã chọn chủ đề rất phù hợp với bối cảnh của năm nay, đó là "Gắn kết và Chủ động thích ứng."

Trên cương vị là nước Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã rất chủ động, tích cực xây dựng chương trình nghị sự của tất cả các Hội nghị lớn trong khuôn khổ ASEAN; đáp ứng đúng yêu cầu thế giới đang đặt ra, trong đó có các yêu cầu về phát triển cũng như về hòa bình, an ninh, tăng cường vai trò, vị thế, vị trí trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực.

Đại sứ Nguyễn Phương Nga nêu rõ: Bối cảnh và đại dịch COVID-19 diễn ra một cách bất ngờ, với những hậu quả không ai lường trước được, càng chứng tỏ tính đúng đắn trong việc lựa chọn chủ đề của Năm Chủ tịch ASEAN 2020 cũng như hướng đi của ASEAN trong thời gian tới.

Việt Nam đã đề xuất rất nhiều sáng kiến kịp thời để phát huy được vai trò của ASEAN với tư cách là một tổ chức dẫn dắt các nước trong khu vực vượt qua khủng hoảng. Đó là những sáng kiến liên quan đến việc ứng phó, khắc phục hậu quả dịch COVID-19; sáng kiến thảo luận về vấn đề phụ nữ và kinh tế số; sáng kiến về phụ nữ hòa bình và an ninh.

Đại sứ Nguyễn Phương Nga cũng cho rằng hình thức hội nghị trực tuyến rất hiệu quả và là một cách thức hoạt động mới trong ASEAN, vừa thiết thực, vừa đạt hiệu quả; đồng thời phát huy được vai trò của ASEAN trong bối cảnh thế giới hiện nay, nhất là khi nhiều tổ chức đa phương và tổ chức quốc tế gặp khó khăn trong việc duy trì hoạt động./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục