Tăng cường vai trò của các tổ chức xã hội trong thực hiện quyền trẻ em

Ngoài các cơ quan quản lý nhà nước, nhất là cơ quan thực hiện quyền của trẻ em, rất cần sự vào cuộc của các đơn vị, tổ chức xã hội ngoài công lập hướng đến chăm sóc tốt nhất cho trẻ.
Trẻ em vui chơi trong Đêm hội trăng rằm. (Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN)

Ngày 15/10, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hội bảo vệ Quyền trẻ em Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tổ chức hội thảo “Tăng cường vai trò của các tổ chức xã hội nhằm thúc đẩy việc thực hiện quyền trẻ em.”

Hội thảo là dịp để các chuyên gia, tổ chức xã hội, cơ quan chức năng trong và ngoài nước thực hiện quyền của trẻ em cùng thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc trẻ, tạo điều kiện để trẻ em nghèo và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời.

Theo ông Phạm Đình Nghinh, Phó Chủ tịch Hội bảo vệ Quyền trẻ em Thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay hệ thống bảo vệ trẻ em và các dịch vụ chăm sóc trẻ từng bước nâng cao, tăng về số lượng và đang dạng loại hình.

Tuy nhiên, hệ thống dịch vụ chưa đầy đủ, chưa đến được gia đình, cộng đồng dân cư, trường học, nhất là các dịch vụ mang tính phòng ngừa, tạo môi trường sống an toàn, thân thiện cho trẻ.

Từ thực trạng trên, ông Phạm Đình Nghinh khẳng định, đây là vấn đề cấp thiết mà các cơ quan chức năng cần quan tâm, đặc biệt là cần phát huy hơn nữa vai trò của các tổ chức xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ trẻ em trong thời gian tới.

[Tăng cường hiệu quả chính sách, pháp luật phòng, chống xâm hại trẻ em]

Ngoài các cơ quan quản lý nhà nước, nhất là cơ quan thực hiện quyền của trẻ em, rất cần sự vào cuộc của các đơn vị, tổ chức xã hội ngoài công lập hướng đến chăm sóc tốt nhất cho trẻ.

“Trước mắt, Hội bảo vệ Quyền trẻ em Thành phố tăng cường tổ chức các hội thảo, hội nghị, giao ban định kỳ với các tổ chức xã hội hoạt động về lĩnh vực bảo vệ quyền trẻ em; cùng với các cơ quan nhà nước bảo vệ trẻ em lắng nghe ý kiến của các tổ chức ngoài công lập. Đặc biệt là những kiến nghị, đề xuất giải pháp khắc phục khó khăn trong hoạt động cung cấp dịch vụ bảo vệ quyền trẻ em để từ đó, Hội bảo vệ Quyền trẻ em Thành phố sẽ xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể để bảo vệ trẻ em được tốt nhất,” ông Phạm Đình Nghinh nhấn mạnh.

Bà Mai Thị Ngọc Mai, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Thành phố Hồ Chí Minh, phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Cùng quan điểm, bà Mai Thị Ngọc Mai, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, để thực hiện xã hội hóa công tác trẻ em được tốt hơn rất cần sự hỗ trợ tích cực từ các cơ quan, ban ngành và các tổ chức xã hội.

“Hội Bảo vệ quyền trẻ em Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang hỗ trợ tuyên truyền bảo vệ quyền trẻ em từ trường học đến khu dân cư, nhà trọ, các khu chế xuất-khu công nghiệp, định hướng phụ huynh và trẻ nâng cao nhận thức, phát triển đầy đủ các quyền của trẻ em như: quyền sống còn, quyền phát triển và quyền tham gia đối với trẻ em…,” bà Mai Thị Ngọc Mai chia sẻ.

Tham dự hội thảo, bà Lesley, Phó trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam cho biết, trong nhiều năm qua, Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc đã và đang có nhiều hoạt động phối hợp với các ngành chức năng Việt Nam và Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện công tác chăm sóc và bảo vệ quyền trẻ em. Trong đó, "Sáng kiến thành phố thân thiện với trẻ em" đã góp phần tích cực vào việc bảo vệ, chăm sóc và phát triển của trẻ em tại Việt Nam nói chung, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.

Bà Lesley cũng kỳ vọng tiếp tục được lắng nghe nhiều ý kiến của trẻ, gia đình và các cơ quan thực hiện quyền của trẻ em để từ đó có chính sách gần gũi, thân thiện, hỗ trợ tiếng nói của trẻ em. Việc quan tâm, chăm sóc, tạo môi trường sống tốt, lành mạnh cho trẻ em là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cơ quan chức năng, là trách nhiệm của cộng đồng, của mỗi gia đình để hướng đến phát triển thành phố bền vững.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã thảo luận, đề xuất nhiều giải pháp nhằm tăng cường các hoạt động, vai trò của các tổ chức xã hội trong việc thúc đẩy thực hiện quyền trẻ em. Nhiều đại biểu dự hội thảo cho rằng, để bảo vệ trẻ được tốt nhất, mỗi người, mỗi gia đình, nhất là chính các trẻ em cần được trang bị nhiều kỹ năng, cần có kiến thức và nhận thức về quyền trẻ em.

Các đại biểu cũng đánh giá cao các hoạt động của Hội Bảo vệ quyền trẻ em Thành phố Hồ Chí Minh với nhiều giải pháp nâng cao vai trò của các tổ chức xã hội, đặc biệt là vai trò của Hội trong việc phòng, chống xâm hại, chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Đồng thời cho rằng, thách thức chung của các tổ chức, cơ quan trong việc bảo vệ trẻ em là nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế về vấn đề bạo hành, xâm hại trẻ.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục