Tăng cường ứng dụng công nghệ trong phòng chống lũ quét, sạt lở đất

Việc tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong công tác quan trắc, cảnh báo, ứng dụng các giải pháp công trình giảm nhẹ rủi ro thiên tai, lũ quét, sạt lở đất trở thành yêu cầu cấp thiết.
Quang cảnh buổi hội thảo. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Sáng 9/7, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức hội thảo khoa học "Giải pháp công nghệ trong phòng chống lũ quét, sạt lở đất."

Tại hội thảo, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy viên thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai nhấn mạnh thiên tai do lũ ống, lũ quét, sạt lở đất cũng như những loại hình thiên tai khác luôn là yếu tố gây thiệt hại cho nền kinh tế và dân sinh.

Theo thống kê, từ năm 2000-2017 đã xảy ra hơn 260 trận lũ quét, sạt lở đất ảnh hưởng tới các vùng dân cư, làm chết và mất tích 910 người, thiệt hại kinh tế ước tính hàng ngàn tỷ đồng. Gần đây, lũ quét và sạt lở đất tại các tỉnh miền núi phía Bắc diễn ra nghiêm trọng.

Trước tình hình này, việc tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong công tác quan trắc, cảnh báo, ứng dụng các giải pháp công trình giảm nhẹ rủi ro thiên tai, lũ quét, sạt lở đất trở thành yêu cầu cấp thiết của thực tiễn nhằm kiến tạo một xã hội an toàn trước thiên tai và phát triển bền vững.

Để thực hiện điều đó, cần có những đột phá trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, đồng thời với các giải pháp giảm thiểu trước thiên tai, đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực cảnh báo sớm, năng lực tự ứng phó, đặc biệt trong cộng đồng dân cư cũng như đầu tư vào hệ thống thông tin tới người dân.

Bà Đoàn Thị Tuyết Nga, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Tổng cục phòng chống thiên tai, cho biết Việt Nam đã thực hiện nhiều dự án, đề tài điều tra, khảo sát nghiên cứu về lũ quét, sạt lở đất như điều tra, khảo sát, phân vùng và cảnh báo khả năng xuất hiện lũ quét ở miền núi Việt Nam - Giai đoạn 1: Miền núi Bắc bộ (Bộ Tài nguyên và Môi trường); điều tra, khảo sát và phân vùng nguy cơ lũ quét khu vực miền Trung và Tây Nguyên (Bộ Tài nguyên và Môi trường); tăng cường khả năng giảm nhẹ rủi ro thiên tai của Việt Nam áp dụng thí điểm tại một số khu vực của tỉnh Lào Cai và Yên Bái (Viện Khoa học Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)... Các dự án, đề tài cũng đề ra những giải pháp cụ thể đối với lũ quét và sạt lở đất.

[Chương trình tổng thể phòng, chống thiên tai cho khu vực miền núi]

Cụ thể, đối với giải pháp về công trình tập trung vào việc giảm nhẹ rủi ro cần quan tâm đến việc phân dòng lũ với mục tiêu điều tiết nước, hạn chế tập trung nước gây lũ quét, giữ lại một phần dòng chảy bùn rác, tăng khả năng điều tiết dòng chảy; giảm lưu lượng và cản trở sự truyền lũ bằng xây dựng các hồ chứa nước trên lưu vực; kè chống sạt lở dọc lòng suối; xây dựng đập, tường chắn lũ quét, lũ bùn đá...

Đề cập đến các giải pháp phòng tránh lũ quét, bà Đặng Thanh Mai, Tổng cục Khí tượng Thủy văn lưu ý việc ứng phó với lũ quét, sạt lở đất thường theo phương châm "phòng hơn chống." Trước hết phải xây dựng các bản đồ hiện trạng và nguy cơ lũ quét, sạt lở đất nhằm phát hiện, khoanh vùng nguy cơ lũ quét, sạt lở đất; cần nhận biết nguy cơ lũ quét, sạt lở đất thông qua các bản đồ nguy cơ và kế hoạch điều tra khảo sát đã được công bố, tìm hiểu đánh giá mức độ nguy hiểm nơi sinh sống (đánh giá khả năng có sạt lở, nằm trong vùng có nguy cơ lũ quét); không nên xây dựng nhà sát vách sườn núi dốc, bên cạnh hoặc gần đường dẫn nước như suối, lạch nước; lập kế hoạch của cá nhân, gia đình để phòng chống, chuẩn bị cho các trường hợp có lũ quét và sạt lở; chuẩn bị các biện pháp, phương án, dụng cụ, kế hoạch sơ tán khẩn cấp khi xảy ra tình huống...

"Nhật Bản đang sử dụng đập sabo hở bằng thép trong việc phòng chống lũ quét, sạt lở đất, việc này giúp giữ lại đất đá lớn, gỗ trôi dạt khi lũ quét xảy ra, đồng thời để cát, đất, bùn chảy xuống trong điều kiện bình thường, đảm bảo độ dốc lòng suối, bảo vệ dòng suối và hệ sinh thái không cản trở động vật hay cá di chuyển qua, đảm bảo sự liên tục của dòng suối và dễ dàng thu dọn đá bị giữ lại. Việt Nam hoàn toàn có thể áp dụng được giải pháp này," ông Tak Ishikawa, Trưởng đại diện Công ty Nippon steel and Sumikin Metal Products, đại diện Hiệp hội phòng chống thiên tai Nhật Bản tại Việt Nam chia sẻ.

Phân tích tính hiệu quả của việc ứng dụng các đề tài nghiên cứu khoa học về lũ quét, sạt lở đất tại địa bàn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Yên Bái, cho rằng hai dự án "Điều tra, khảo sát, phân vùng và cảnh báo khả năng xuất hiện lũ quét ở miền núi Việt Nam" và "Điều tra đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam" đang triển khai trên địa bàn tỉnh phản ánh trên bản đồ tỷ lệ lớn, nên việc xây dựng các phương án cụ thể, chi tiết đến từng điểm, từng thôn, bản, xã không thực hiện được, nhất là 2 huyện vùng cao Trạm Tấu và Mù Căng Chải.

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, đóng góp ý kiến... về những giải pháp phòng chống lũ quét, sạt lở đất tại Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục