Tăng cường ứng dụng Chuyển đổi Số, quản lý đồng bộ các chuỗi logistics

Logistics Thương mại Điện tử sẽ hỗ trợ tích cực cho các hoạt động của doanh nghiệp, giúp đạt được mục đích cuối cùng là tạo lợi thế cạnh tranh, tạo uy tín của doanh nghiệp với người mua hàng.
Tăng cường ứng dụng Chuyển đổi Số, quản lý đồng bộ các chuỗi logistics ảnh 1Vận chuyển hàng hóa tại cảng Hải Phòng. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Theo đại diện Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế Số (Bộ Công Thương), Thương mại Điện tử Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường phát triển nhanh ở khu vực Đông Nam Á với mức tăng trưởng cao và liên tục trong những năm vừa qua.

Năm 2022, Thương mại Điện tử là một trong những điểm sáng trong phát triển Kinh tế Số với tốc độ tăng trưởng cao (20%) và doanh thu Thương mại Điện tử bán lẻ (B2C) đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước. Dự kiến năm 2023 với tốc độ tăng trưởng mạnh (25%), doanh thu bán lẻ Thương mại Điện tử sẽ đạt ước tính 20,5 tỷ USD.

Sự phát triển này của Thương mại Điện tử cũng thúc đẩy hành vi tiêu dùng của người mua thay đổi từ mua sắm trực tiếp sang mua sắm qua các kênh Thương mại Điện tử. Sự gia tăng khối lượng giao dịch khiến nhu cầu vận tải, logistics và giao hàng tăng cao, điều này vừa là cơ hội, vừa là thách thức trong những năm vừa qua cho dịch vụ logistics trong Thương mại Điện tử.

Phân tích thêm, đại diện cơ quan này cho hay logistics trong Thương mại Điện tử được hiểu là các quy trình liên quan đến việc lưu trữ và vận chuyển hàng hóa, bao gồm từ quản lý hàng tồn kho, đóng gói, vận chuyển các đơn đặt hàng, và thậm chí là dịch vụ sau bán hàng như đổi trả, thu hồi, xử lý hàng.

[Nhiều dư địa hợp tác kinh tế và xuất khẩu sang thị trường Mỹ Latinh]

Trong Thương mại Điện tử, người mua có thể mua sắm không giới hạn khu vực địa lý, có thể đặt mua một sản phẩm hàng hóa bất kỳ tại quốc gia khác hay vùng miền khác qua website, thông tin đơn hàng sẽ được truyền đi và chấp nhận với tốc độ gần như tức thời.

Nhưng ngược lại, việc vận chuyển hàng hóa không thể đến tay người dùng ngay, mà sẽ vẫn cần vượt qua khoảng cách địa lý nhất định. Điều này được thực hiện bởi hệ thống logistics. Bởi vậy, dù các giao dịch được thực hiện trên môi trường internet nhưng dịch vụ logistics lại là mắt xích không thể thiếu để hoàn thành các đơn hàng và giao dịch.

Mặt khác, logistics giúp cho quá trình lưu thông, phân phối hàng hoá được thông suốt, chuẩn xác và an toàn, đưa hàng hoá đến thị trường một cách nhanh chóng kịp thời. Người tiêu dùng sẽ mua được hàng hóa một cách thuận tiện, linh hoạt, thỏa mãn nhu cầu của mình.

Tăng cường ứng dụng Chuyển đổi Số, quản lý đồng bộ các chuỗi logistics ảnh 2Thương mại Điện tử tạo sức bật cho ngành logistics. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Bên cạnh đó, trong môi trường Thương mại Điện tử, khi khách hàng và doanh nghiệp giao tiếp với nhau qua internet, việc tạo dựng uy tín và niềm tin rất khó khăn. Do vậy, logistics Thương mại Điện tử sẽ hỗ trợ tích cực cho các hoạt động của doanh nghiệp với mục tiêu cơ bản là giao đúng sản phẩm với đúng số lượng tại đúng địa điểm và thời gian tới đúng khách hàng, giúp đạt được mục đích cuối cùng là tạo lợi thế cạnh tranh, tạo uy tín của doanh nghiệp với người mua hàng.

Tuy vậy, bên cạnh những cơ hội phát triển là những khó khăn mà hoạt động logistics Thương mại Điện tử đang gặp phải. Cụ thể, là hạn chế về cơ sở hạ tầng. Khi thị trường Thương mại Điện tử trở nên rộng lớn, vị trí người mua ở xa, số lượng các đơn hàng nhiều, quy mô các đơn hàng lại rất nhỏ, yêu cầu giao hàng nhanh thì khối lượng công việc vận chuyển giao hàng lại trở nên vô cùng lớn và phức tạp.

Kênh phân phối Thương mại Điện tử lại cần tới các trung gian logistics mới để tối ưu hóa việc di chuyển hàng hóa đến tay khách hàng. Điều này cũng kéo theo chi phí cho logistics tăng cao hơn, chi phí này khi tính cho người tiêu dùng thì giá mua hàng trực tuyến không thấp hơn nhiều so với mua hàng theo phương thức truyền thống.

Cùng với sự phát triển là sự cạnh tranh giữa các đơn vụ cung cấp dịch vụ, dẫn tới nhu cầu hoàn thiện hệ thống, cung cấp thêm dịch vụ gia tăng giá trị, nhằm phục vụ tối ưu hơn cho nhu cầu bán hàng và mua sắm, đáp ứng đòi hỏi được giao hàng nhanh hơn, an toàn hơn, tiết kiệm hơn và dịch vụ tốt hơn cho khách hàng. Tốc độ vận chuyển hàng hóa và chất lượng sản phẩm trở nên quan trọng hơn bao giờ hết đối với cả khách hàng và người bán.

Ngoài ra, những giải pháp logistics trong Thương mại Điện tử trong nước còn nhiều hạn chế về mặt công nghệ và bảo mật thông tin hay bảo mật thanh toán. Giải pháp công nghệ xử lý nghiệp vụ sau giao hàng như đổi trả, thu hổi, xử lý hàng (reverse e-logistics) cũng chưa được tổ chức, xây dựng và kiểm soát tốt cũng tạo ra thách thức cho các đơn vị logistics khi chưa đáp ứng được chất lượng dịch vụ thu hồi, đổi trả hàng lỗi hay đổi trả sản phẩm bảo hành.

Tăng cường ứng dụng Chuyển đổi Số, quản lý đồng bộ các chuỗi logistics ảnh 3Tăng cường ứng dụng Chuyển đổi Số để quản lý đồng bộ hóa các chuỗi logistics. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Với tốc độ tăng trưởng của thị trường Thương mại Điện tử hiện nay từ 20%-25%/năm, ngành công nghiệp logistics dự báo sẽ có đà phát triển mạnh mẽ. Dù tiềm năng phát triển lớn nhưng khó khăn trong logistics Thương mại điện tử cũng là bài toán khó chưa được giải.

Để tận dụng tiềm năng to lớn này đòi hỏi sự phối hợp giữa các đơn vị có liên quan, đại diện Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế Số cho rằng các chính sách hỗ trợ và thúc đẩy từ các cơ quan Nhà nước có liên quan, từ doanh nghiệp, các nhà đầu tư cần tập trung mở rộng và hiện đại hóa kho bãi, quy hoạch mạng lưới để giải quyết phương án và hình thức giao nhận, tối ưu hóa việc giao hàng theo tuyến, từ đó giảm thiểu chi phí giao nhận cho cả doanh nghiệp và người dùng.

Ngoài ra, việc tăng cường ứng dụng Chuyển đổi Số để quản lý đồng bộ hóa các chuỗi logistics cũng là một hướng đi có tính ứng dụng trong thời gian tới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục