Ngày 26/11, tại buổi tập huấn tăng cường truyền thông phòng chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trương Đình Bắc cho biết: khí hậu mùa Đông - Xuân thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm phát sinh và phát triển, đặc biệt là các bệnh lây qua đường hô hấp, đường tiêu hóa như: sởi, rubella, cúm mùa, cúm gia cầm, bệnh tiêu chảy cấp, bệnh tay chân miệng...
Bên cạnh các bệnh có tính chất lưu hành trong nước thì một số bệnh nguy hiểm cũng có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam do tính chất phức tạp và sự gia tăng của các dịch bệnh này trong thời gian gần đây trên thế giới (Như: cúm A(H7N9), MES-CoV, sốt xuất huyết do vi rút Ebola...).
Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, theo diễn biến hàng năm, từ tháng 8 - 11 thường ghi nhận ca mắc sốt xuất huyết cao nhất trong năm. Tuy nhiên hiện nay số mắc sốt xuất huyết vẫn tiếp tục giảm mạnh ở cả 4 khu vực so với cùng kỳ năm 2013. Số trường hợp mắc bệnh tay chân miệng cả nước giảm so với cùng năm năm 2013; tuy nhiên có gia tăng cục bộ tại một số tỉnh, thành phố khu vực miền Nam. Các bệnh truyền nhiễm khác ghi nhận rải rác các trường hợp mắc, không ghi nhận ổ dịch tập trung.
Trước tình hình trên, ngành y tế đã tăng cường giám sát chủ động tại cộng đồng, cửa khẩu qua giám sát thường xuyên và giám sát trọng điểm để phát hiện sớm ca bệnh, cách ly và xử lý triệt để ổ dịch; kiện toàn nâng cấp phòng xét nghiệm; thường xuyên cập nhật, ban hành các khuyến cáo phòng chống dịch bệnh và các biện pháp phòng bệnh tại cộng đồng.
Đồng thời, ngành y tế tập trung các nguồn lực thực hiện công tác thu dung, cách ly, điều trị, cấp cứu bệnh nhân, hạn chế số tử vong; thực hiện nghiêm ngặt phòng chống nhiễm khuẩn và lây nhiễm chéo trong các cơ sở khám, chữa bệnh...
Thời gian tới, ngành y tế tập trung thực hiện tốt chiến dịch tiêm vắc xin sởi - rubella đạt trên 95% quy mô xã, phường (đặc biệt là khu vực miền núi, vùng sâu, xa, đồng bào dân tộc thiểu số); giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại từng bản, làng, phát hiệm sớm ổ dịch, tổ chức khoanh vùng, xử lý ngay khi phát hiện ổ dịch. Các cơ sở y tế thực hiện tốt phân tuyến điều trị, phòng chống lây nhiễm chéo tại bệnh viện để giảm quá tải và tử vong; đồng thời rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị, hóa chất, thuốc bảo đảm sẵn sàng triển khai công tác cấp cứu, điều trị bệnh nhân, phòng chống dịch...
Cục Y tế dự phòng khuyến cáo: Để chủ động thực hiện các biện pháp nâng cao sức khỏe, người dân cần giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh; ủ ấm cho trẻ em khi đi xe máy, khi ra ngoài trời; khi làm việc ngoài trời, ra ngoài trời vào ban đêm hoặc sáng sớm phải mặc đủ ấm; lưu ý giữ ấm bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu.
Người dân tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm như cúm, bệnh đường hô hấp, tiêu chảy, sởi, rubella, thủy đậu…; hạn chế đến những chỗ đông người; đồng thời ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng; uống nước ấm, tránh ăn, uống những thức ăn, nước uống lấy trực tiếp từ tủ lạnh.
Đặc biệt, mọi người cần tiêm vắc xin phòng bệnh (đối với các bệnh có vắc xin phòng); đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh gia đình, giữ ấm nhà cửa; vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối. Khi có các dấu hiệu nghi bị bệnh, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và xử trí kịp thời.
Tại buổi tập huấn, các phóng viên, nhà báo đã được cung cấp thông tin về dịch bệnh nguy hiểm trên thế giới, nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam và các khuyến cáo phòng chống dịch bệnh mùa đông - xuân như: bệnh cúm A(H1N1), bại liệt, tiêu chảy cấp, sởi, thủy đậu, Ebola, liên cầu lợn ở người, tay chân miệng.../.