Tăng cường trách nhiệm các cấp trong trợ giúp người khuyết tật

Thực hiện Đề án 1019, các địa phương đã tập trung tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước, Luật Người khuyết tật và các văn bản liên quan đến người khuyết tật.
Dạy nghề cho người khuyết tật. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Ngày 10/2, tại Hà Nội, Liên hiệp hội người khuyết tật Việt Nam phối hợp với Cơ quan Viện trợ Ireland (IrishAID) và Tổ chức Cứu trợ và phát triển (CRS) tổ chức hội thảo đánh giá việc lập kế hoạch hỗ trợ người khuyết tật của các tỉnh sau hai năm thực hiện Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012-2020 (Đề án 1019).

Đây là hoạt động nằm trong Dự án "Hòa nhập xã hội cho người khuyết tật thông qua phát triển và tăng cường liên kết mạng lưới các tổ chức của người khuyết tật."

Hội thảo chia sẻ thông tin về kết quả các Hội Người khuyết tật địa phương sau hơn hai năm lập kế hoạch, được bố trí kinh phí từ Đề án 1019; chia sẻ những khó khăn, nhu cầu cần hỗ trợ để thực hiện kế hoạch; bài học kinh nghiệm sau hai năm triển khai xây dựng kế hoạch; đưa ra các khuyến nghị nhằm tăng cường năng lực, trách nhiệm của Liên hiệp Hội Người khuyết tật Việt Nam trong việc đồng hành cùng các bộ, ngành thực hiện Đề án 1019.

Thực hiện Đề án 1019, các tỉnh, thành phố đã tập trung tuyên truyền đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, Luật Người khuyết tật và các văn bản liên quan đến người khuyết tật; tổ chức tập huấn tuyên truyền về chính sách trợ giúp người khuyết tật.

Các hoạt động tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc tham gia các hoạt động chăm sóc, trợ giúp người khuyết tật; khẳng định quyền, nghĩa vụ và phát huy vai trò của người khuyết tật trong xã hội, giúp họ nâng cao kiến thức, kinh nghiệm để vươn lên trong cuộc sống.

Việc xác định mức độ khuyết tật và cấp giấy chứng nhận khuyết tật được rà soát, thực hiện. Việc thực hiện các chính sách trợ cấp xã hội, tiếp nhận nuôi dưỡng người khuyết tật; dạy nghề, tạo việc làm; trợ giúp người khuyết tật tiếp cận và sử dụng các công trình công cộng và phương tiện giao thông; hỗ trợ các cơ sở sản xuất kinh doanh, các tổ chức của người khuyết tật hoạt động hiệu quả, đúng quy định...

Tuy nhiên, việc thực hiện Đề án 1019 còn một số hạn chế như công tác tuyên truyền vẫn chưa thực hiện thường xuyên, sâu rộng; việc xây dựng các công trình mới, sửa chữa, cải tạo những công trình công cộng, đường giao thông... để người khuyết tật dễ tiếp cận còn chậm; mức trợ cấp xã hội còn thấp; chưa có cán bộ chuyên trách, chưa được đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực người khuyết tật.

Bên cạnh đó, công tác dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật cũng là khó khăn đối với doanh nghiệp, chưa có nhiều cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp sử dụng từ 20% lao động là người khuyết tật nên chưa khuyến khích được các cơ sở nhận người khuyết tật vào làm việc. Bản thân người khuyết tật còn mặc cảm, tự ti, chưa hòa đồng cùng xã hội; trình độ học vấn thấp nên cơ hội việc làm hạn chế...

Các đại biểu kiến nghị các bộ, ngành liên quan cần nghiên cứu, ban hành quy định mức hỗ trợ tối thiểu, cải tạo điều kiện, môi trường làm việc cho các doanh nghiệp sử dụng từ 30% trở lên tổng số lao động là người khuyết tật; bổ sung người khuyết tật không nơi nương tựa, không tự lo được cuộc sống được tiếp nhận vào nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội (vì theo quy định hiện nay chỉ tiếp nhận người khuyết tật đặc biệt nặng); tăng cường giám sát, thúc đẩy, cải tạo, xây mới các công trình công cộng đảm bảo người khuyết tật có khả năng tiếp cận sử dụng...

Dự án "Hòa nhập xã hội cho người khuyết tật thông qua phát triển và tăng cường liên kết mạng lưới các tổ chức của người khuyết tật" được thực hiện trong ba năm (từ cuối 2012-2015) tại bốn tỉnh, thành phố, bao gồm thành phố Hà Nội, Quảng trị, Quảng Nam và Bình Định.

Dự án nhằm hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận một cách bình đẳng cơ hội và các dịch vụ kinh tế, xã hội, chủ động tham gia tích cực các hoạt động xã hội.

Đây cũng chính là một trong các mục tiêu chiến lược của Liên hiệp Hội trong những năm tiếp theo.

Dự án chú trọng hỗ trợ các Hội Người khuyết tật được đưa ra tiếng nói của họ, cũng như được quyền đưa ra các quyết định về chính sách tại địa phương, nhằm hỗ trợ và đảm bảo quyền cũng như nhu cầu của người khuyết tật./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục