Thời gian qua, hệ thống pháp luật về bảo tồn, bảo vệ và phát triển bền vững các loài hoang dã của Việt Nam từng bước được hoàn thiện, phù hợp với pháp luật quốc tế và thực tiễn đất nước.
Các cấp, ngành đã có nhiều giải pháp quyết liệt và đồng bộ nhằm đưa pháp luật vào cuộc sống, nhất là đấu tranh, triệt phá các đường dây vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ trái pháp luật các loài động vật hoang dã, tạo sự chuyển biến tích cực và rõ nét.
Tuy nhiên, tình trạng săn, bắt, giết mổ, vận chuyển, kinh doanh, tiêu thụ bất hợp pháp các loài động vật hoang dã còn diễn biến phức tạp ở một số địa phương, dẫn tới gia tăng nguy cơ tuyệt chủng của nhiều loài động vật hoang dã trong môi trường tự nhiên, ảnh hưởng tiêu cực đến cân bằng sinh thái, sức khỏe con người và uy tín Việt Nam trên thế giới; phát sinh rủi ro truyền nhiễm dịch bệnh sang người, gia súc, gia cầm.
[Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình: Nơi những cá thể gấu được về với tự nhiên]
Để góp phần thực thi nghiêm pháp luật về quản lý động vật hoang dã, thời gian gần đây, nhiều tổ chức đã hỗ trợ cơ quan chức năng trong việc giám sát các hành vi vi phạm về động vật hoang dã.
Nhân Ngày động vật hoang dã thế giới 3/3, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) về vấn đề này.
- Xin bà cho biết thực trạng buôn bán và sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã ở Việt Nam, các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm về buôn bán động vật hoang dã?
Bà Bùi Thị Hà: Bất chấp những ý kiến cho rằng nguồn gốc của dịch COVID-19 bắt nguồn từ động vật hoang dã cùng với những khuyến cáo, biện pháp mạnh mẽ của Chính phủ, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên, tình trạng buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã vẫn diễn biến phức tạp tại Việt Nam thời gian qua.
Cụ thể, năm 2020, cơ sở dữ liệu quốc gia liên quan vi phạm về động vật hoang dã của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên đã ghi nhận 2.907 vụ vi phạm, trong đó tổng số vi phạm đơn lẻ còn lớn hơn nhiều. Con số này gần gấp đôi số lượng vụ việc được ghi nhận trong năm 2019.
Trong các vi phạm về động vật hoang dã, hành vi quảng cáo, rao bán trái phép động vật hoang dã chiếm phần lớn với 1.956 vụ việc; tiếp theo là 863 vụ việc nuôi nhốt động vật hoang dã trái phép và 98 vụ buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã trái phép.
Cụ thể, khỉ (584 vụ việc liên quan), gấu (395 vụ), hổ (390 vụ), ngà voi (401 vụ) và 109 vụ việc liên quan đến tê tê.
Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên đã phát hành Báo cáo “Công tác xử lý tội phạm về động vật hoang dã tại Việt Nam," trong đó đã ghi nhận những chuyển biến khá tích cực và lập trường cứng rắn của các cơ quan tiến hành tố tụng trong công tác xử lý các vụ án hình sự về động vật hoang dã kể từ khi Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) có hiệu lực vào ngày 1/1/2018.
Điển hình, giai đoạn 2015-2020 tăng 44% số vụ án hình sự về động vật hoang dã; 97% các vụ án hình sự về động vật hoang dã có đối tượng bị bắt giữ; 84% các vụ án hình sự về động vật hoang dã đã được đưa ra xét xử.
Trong năm 2018-2019, khoảng 48% các vụ án hình sự về động vật hoang dã đưa ra xét xử có đối tượng bị áp dụng hình phạt tù (không được hưởng án treo); 52% các vụ án còn lại được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tiền.
Tuy nhiên, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2020, số lượng các vụ án có đối tượng bị tuyên án phạt tù (không được hưởng án treo) đã tăng lên đến 67,9%.
Mức án tù giam trung bình trong 6 tháng đầu năm 2020 cũng là 4,49%, gấp hơn 3 lần mức án tù giam trung bình trong năm 2017.
Kết quả này cho thấy lập trường cứng rắn hơn của các cấp tòa án khi xét xử tội phạm về động vật hoang dã so với những năm trước.
Trong 5 năm qua, công tác xử lý tội phạm về động vật hoang dã tại Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực, việc phát hiện và xử lý các vụ án hình sự về động vật hoang dã cũng đã tăng lên đáng kể.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức ảnh hưởng đến công tác xử lý tội phạm về động vật hoang dã như tình trạng tham nhũng, việc điều tra, làm rõ nhiều đường dây buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã trái phép vẫn tồn tại hạn chế hay việc xử lý các vi phạm phát hiện ở khu vực cửa khẩu, đặc biệt là tại cảng biển và cảng hàng không còn thấp.
Trong công tác xử lý tội phạm về động vật hoang dã, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên cho rằng việc khám phá, phát hiện vụ án và thu giữ một khối lượng lớn hàng hóa là thành công bước đầu, nhưng việc này chỉ có ý nghĩa khi được sử dụng làm cơ sở để mở rộng điều tra, làm rõ các đường dây, đối tượng đứng sau, từ đó xử lý nghiêm, áp dụng các hình phạt tù nghiêm khắc với đối tượng vi phạm mới tạo nên những thay đổi mang tính chiến lược, đáp ứng mục tiêu răn đe và đẩy lùi tội phạm về động vật hoang dã ra khỏi xã hội.
- Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên sẽ triển khai những hoạt động cụ thể gì nhằm góp phần ngăn chặn, đẩy lùi hoạt động phòng, chống tội phạm buôn bán động vật hoang dã trái phép ở Việt Nam?
Bà Bùi Thị Hà: Từ năm 2005, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên đã vận hành đường dây nóng miễn phí bảo vệ động vật hoang dã 1800-1522 để tiếp nhận thông tin từ người dân về các vụ buôn bán, săn bắt, vận chuyển, tàng trữ động vật hoang dã trái phép và làm cầu nối hỗ trợ các cơ quan chức năng trong quá trình xử lý vi phạm về động vật hoang dã, đảm bảo hiệu quả thực thi pháp luật về động vật hoang dã cũng như hình phạt nghiêm khắc với các đối tượng vi phạm.
Từ đó, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên chuyển giao thông tin từ người dân đến các cơ quan chức năng và hỗ trợ cơ quan chức năng trong quá trình xử lý vi phạm, đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật cũng như thông tin kết quả xử lý đến người dân để khuyến khích người dân tiếp tục các nỗ lực bảo vệ động vật hoang dã.
Tùy theo quy mô, tính chất và mức độ vi phạm trong từng vụ việc, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên sẽ phối hợp với cơ quan chức năng liên quan đảm bảo các vi phạm bị xử lý nghiêm khắc theo đúng quy định của pháp luật nhằm tăng cường tính chất răn đe, phòng ngừa vi phạm về động vật hoang dã.
Thời gian tới, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên tiếp tục vận hành đường dây nóng cũng như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân để giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ động vật hoang dã, khuyến khích người dân đóng góp vào nỗ lực bảo vệ động vật hoang dã.
Bên cạnh đó, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên tiếp tục làm việc với các bộ, ban, ngành và đơn vị liên quan để đề xuất, hoàn thiện các chính sách, pháp luật về động vật hoang dã, đảm bảo hiệu quả thực thi của các văn bản hiện hành, cũng như khuyến khích sự quan tâm của các cấp, các ngành trong công tác bảo vệ động vật hoang dã.
- Trân trọng cảm ơn bà./.