Tăng cường sáng kiến Hợp tác Mekong-Sông Hằng giai đoạn hậu COVID-19

Kể từ khi thiết lập, thương mại của Ấn Độ với các quốc gia tiểu vùng sông Mekong này đã tăng lên đáng kể, từ 1 tỷ USD năm 2000 lên 25 tỷ USD năm ngoái, tăng gấp 25 lần trong 2 thập kỷ.
Tăng cường sáng kiến Hợp tác Mekong-Sông Hằng giai đoạn hậu COVID-19 ảnh 1Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Ấn Độ phụ trách Phương Đông, bà Ganguly Das phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Huy Lê/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, trong hai ngày 5-6/11, Hội đồng các vấn đề thế giới Ấn Độ (ICWA) phối hợp với Trung tâm ASEAN-Ấn Độ thuộc Trung tâm nghiên cứu và hệ thống thông tin các nước đang phát triển (RIS), New Delhi, tổ chức hội thảo quốc tế trực tuyến kỷ niệm 20 năm sáng kiến Hợp tác Mekong-Sông Hằng (MCG), nhằm đánh giá những thành tựu của MCG trong 2 thập kỷ qua cũng như xây dựng chiến lược tăng cường sáng kiến này trong 10 năm tiếp theo, đặc biệt là giai đoạn hậu dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Hội thảo quy tụ nhiều chuyên gia, học giả uy tín, các nhà hoạch định chính sách, đại diện các tổ chức, hiệp hội xúc tiến thương mại, các doanh nghiệp Ấn Độ và các nước ASEAN.

Hội thảo chia thành 6 phiên thảo luận về các chủ đề chung như quan hệ quốc tế và các vấn đề cụ thể hơn như kết nối, thương mại, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên cho thúc đẩy MCG.

Hợp tác Mekong-Sông Hằng (MCG) được khởi động năm 2000 ở Vientiane, Lào trong cuộc họp cấp bộ trưởng đầu tiên của MGC, chú trọng hợp tác trong các lĩnh vực du lịch, văn hóa, giáo dục, và giao thông vận tải.

Kể từ khi thiết lập, thương mại của Ấn Độ với các quốc gia tiểu vùng sông Mekong này đã tăng lên đáng kể, từ 1 tỷ USD năm 2000 lên 25 tỷ USD năm ngoái, tăng gấp 25 lần trong 2 thập kỷ. Đến nay, các lĩnh vực hợp tác đã được mở rộng và bao gồm cả y tế và y học cổ truyền, nông nghiệp và các ngành liên quan, thủy lợi, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME), khoa học và công nghệ, phát triển kỹ năng và xây dựng năng lực.

[Ấn Độ đánh giá cao các biện pháp ứng phó COVID-19 của Việt Nam]

Tuy nhiên, theo các diễn giả tại hội thảo, Ấn Độ và các nước tiểu vùng sông Mekong mặc dù có mối liên kết văn minh phong phú, song kết nối về văn hóa và các hoạt động trao đổi khác vẫn còn hạn chế.

Hiện nay, sáng kiến MCG đang chứng kiến những sự điều chỉnh và thích nghi cũng như những nhân tố mới trong quan hệ giữa hai bên. Các động lực hiện nay trong khu vực và môi trường quốc tế đang thay đổi nhanh chóng đang mang đến những ý tưởng mới và cả những thách thức khác nhau. Các nước MCG cần chủ động làm việc và hợp tác xây dựng để giải quyết các vấn đề cấp bách xuyên quốc gia.

Theo Bí thư Bộ Ngoại giao Ấn Độ phụ trách Phương Đông, bà Ganguly Das, đại dịch COVID-19 đã làm chao đảo cả thế giới, gây ra một cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ.

Bà nhấn mạnh: “Dù đã chống COVID-19 trong nhiều tháng qua, chúng ta vẫn chưa thể nắm rõ về mức độ thiệt hại thực sự mà dịch bệnh này gây ra về người, sinh kế và kinh tế cho khu vực. Các diễn đàn như hội nghị này có thể đóng vai trò lớn trong về việc đưa ra các quyết sách và đề xuất cấp tiến nhằm chống lại những tác động tiêu cực của đại dịch và xây dựng các bước đi tiếp theo.”

Bà Ganguly Das cũng thông báo hiện một loạt sáng kiến hợp tác giữa hai bên hiện nay đang đạt tiến triển tốt như các Dự án Tác động Nhanh (QIP), học bổng cho sinh viên MGC tại các cơ sở của Ấn Độ, thành lập các trung tâm đào tạo và phát triển phần mềm chất lượng cao tại các nước CLMV. Bà khẳng định trung tâm tại Việt Nam sẽ sớm được hoàn thành.

Cũng theo bà Ganguly Das, phát triển cơ sở hạ tầng và kết nối là lĩnh vực hợp tác trọng yếu giữa Ấn Độ và các nước Mekong.

Trong lĩnh vực này, Ấn Độ đã cung cấp các gói tín dụng trị giá tổng cộng 580 triệu USD cho các nước Mekong để thực hiện một loạt dự án như thủy điện, kết nối số, điện hóa nông thôn, thủy lợi, lắp đặt mạng lưới truyền tải điện và xây dựng các cơ sở giáo dục.

Ấn Độ cũng đang nỗ lực để sớm đưa vào vận hành tuyến đường bộ ba bên Ấn Độ-Myanmar-Thái Lan, và cũng đang xem xét đề xuất của Lào về việc kéo dài tuyến đường này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục