Tăng cường quản lý, đẩy lùi nạn “rút ruột” lòng sông

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa giao Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng Chỉ thị về việc tăng cường, đẩy lùi nạn “rút ruột” lòng sông.
Tăng cường quản lý, đẩy lùi nạn “rút ruột” lòng sông ảnh 1Hoạt động khai thác trái phép cát, sỏi lòng sông vẫn đang diễn biến phức tạp. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Trước tình hình khai cát, sỏi lòng sông trái phép tại nhiều địa phương đang diễn biến phức tạp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì xây dựng Chỉ thị thay thế Chỉ thị 29/2008/CT-TTg về “tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động khảo sát, thăm dò, khai tác, vận chuyển, tiêu thụ cát, sỏi lòng sông.”

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng Chỉ thị mới phù hợp với tình hình thực tế và trình Thủ tướng Chính phủ Chỉ thị trên trong quý II/2014.

Trước đó, ngày 2/10/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 29/2008/CT-TTg yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tập trung rà soát, kiểm tra, kiên quyết đình chỉ các hoạt động thăm dò, khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát, sỏi trái phép và không đảm bảo các điều kiện theo quy định.

Chỉ thị số 29/2008/CT-TTg cũng nhấn mạnh việc thu hồi các giấy phép đã cấp không đúng quy định...

Tuy nhiên, trên thực tế, đến nay hoạt động khai thác, tập kết, vận chuyển cát, sỏi lòng sông trái phép trên địa bàn một số tỉnh vẫn đang diễn biến phức tạp, làm thất thoát lớn về tài nguyên và gây ô nhiễm môi trường.

Tại nhiều địa phương như Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Giang, Lào Cai, Phú Thọ, Nghệ An, Quảng Bình và thậm chí cả thành phố Hà Nội nạn “cát tặc” hoành hành còn gây nguy cơ sạt lở bờ sông, ảnh hưởng đến giao thông đường thủy nội địa và gây nhiều bức xúc trong nhân dân.

Chính vì vậy, việc xây dựng Chỉ thị mới nhằm tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động khảo sát, thăm dò, khai tác, vận chuyển, tiêu thụ cát, sỏi lòng sông phù hợp với tình hình hiện nay là rất cần thiết, góp phần đẩy lùi "cát tặc."/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục