Tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam-Ba Lan

Trong những năm gần đây, quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt Việt Nam-Ba Lan phát triển tích cực, hai bên thường xuyên trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là các đoàn cấp cao.

Nhận lời mời của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trần Đại Quang, Tổng thống Cộng hòa Ba Lan Andrzej Duda và Phu nhân sẽ thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 27-30/11.

Quan hệ Việt Nam-Ba Lan phát triển tích cực

Trong những năm gần đây, quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt Việt Nam-Ba Lan phát triển tích cực. Hai bên thường xuyên trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là các đoàn cấp cao.

Trong quá trình triển khai chính sách đối ngoại mở cửa hướng về châu Á, Ba Lan rất coi trọng vai trò, vị trí của Việt Nam, khẳng định Việt Nam là đối tác ưu tiên hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á.

Ba Lan hiện là bạn hàng số một của Việt Nam tại Trung Đông Âu. Việt Nam là bạn hàng đứng thứ 7 của Ba Lan ngoài Liên minh châu Âu. Việt Nam xuất sang Ba Lan chủ yếu hàng dệt may, thủy sản, gạo, càphê, hạt tiêu, bánh kẹo, nông sản, điện thoại, hàng điện tử...; nhập khẩu từ Ba Lan sữa bột, tân dược, hoa quả, thiết bị cho ngành than, đóng tàu, phế liệu thép...

Những năm qua, kim ngạch thương mại hai nước tăng khá nhanh và chủ yếu là Việt Nam xuất siêu. Cụ thể, năm 2016 kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 790 triệu USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang ba Lan đạt 598 triệu USD, nhập khẩu đạt 192 triệu USD. Chín tháng năm 2017, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 730 triệu USD.

[Việt Nam-Ba Lan tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư]

Tính đến tháng 10/2017, Ba Lan có 14 dự án đầu tư tại Việt Nam còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đạt 182.88 triệu USD. Trong ba năm 2014-2017, đầu tư của Ba Lan vào Việt Nam tăng gấp 2 lần, chủ yếu trong lĩnh vực bất động sản, chế biến, dịch vụ. Bước đầu, Việt Nam đã có bốn dự án đầu tư sang Ba Lan với tổng vốn đầu tư khoảng 5,1 triệu USD thuộc lĩnh vực dịch vụ và công nghiệp thực phẩm, trong đó có dự án đầu tư trị giá 3 triệu USD của Vinamilk thông qua việc mở công ty Vinamilk Europe tại Ba Lan có chức năng buôn bán nguyên liệu nông nghiệp, bán buôn, bán lẻ sữa và các chế phẩm từ sữa.

Về hợp tác phát triển, năm 2008, hai bên đã ký Hiệp định tín dụng cho Dự án Phòng thí nghiệm trọng điểm - Bể thử mô hình tàu thủy với trị giá vốn vay ODA là 16,47 triệu euro (tương đương khoảng 20 triệu USD). Hiện Ban Lan cam kết cấp khoản tín dụng ưu đãi mới trị giá 250 triệu Euro trong khuôn khổ “Hiệp định khung về hợp tác tài chính,” trong đó quy định khoản vốn sẽ dành cho các dự án ưu tiên phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.

Duy trì hợp tác trên các lĩnh vực

Hợp tác song phương trong các lĩnh vực quốc phòng, giáo dục-đào tạo, văn hóa-du lịch, trùng tu di tích giữa Việt Nam và Ba Lan tiếp tục được duy trì ổn định.

Kể từ những năm 1960 đến đầu những năm 1990, Ba Lan đã đào tạo cho Việt Nam trên 4.000 sinh viên và cán bộ khoa học; trên 3.500 công nhân lành nghề, chủ yếu trong các ngành than, đóng tàu. Những năm gần đây, số lượng học sinh du học tự túc sang Ba Lan có chiều hướng tăng do chi phí học tập tương đối rẻ và các trường đại học tư thục của Ba Lan như trường Đại học Lazarski, Trường Đại học Leon Kozminski... có nhiều chương trình dạy bằng tiếng Anh dành riêng cho sinh viên nước ngoài, chủ yếu hướng tới sinh viên Trung Quốc và Việt Nam.

Một trong những công trình hữu nghị giữa hai nước còn hoạt động là Trường Phổ thông trung học Việt Nam-Ba Lan tại Hà Nội. Năm 2008, trong khuôn khổ ODA, Ba Lan đã viện trợ 150.000 euro cho ngôi trường này và hàng năm Đại sứ quán Ba Lan tại Hà Nội vẫn tham gia tổ chức một số hoạt động tại đây. Hiện mỗi năm, Ba Lan cấp cho Việt Nam 10 suất học bổng đại học và trên đại học; Việt Nam tiếp nhận 10 sinh viên Ba Lan sang thực tập (trong 10 tháng).

Những năm trước đây, Ba Lan đã giúp Việt Nam đào tạo cán bộ, trùng tu các di tích cung đình ở Huế, Tháp Chàm ở Hội An (Quảng Nam), địa đạo Củ Chi (Thành phố Hồ Chí Minh). Đặc biệt, kỹ sư Kazimierz Kwiatowski có nhiều năm gắn bó với công tác trùng tu di tích ở Quảng Nam, sau khi mất ông đã được dựng tượng tại trục đường chính của phố cố Hội An.

[Tưởng nhớ kiến trúc sư Ba Lan góp phần bảo tồn phố cổ Hội An]

Nhiều hiệp định khung đã được ký kết giữa hai bên như Hiệp định hợp tác văn hóa-khoa học; Hiệp định khuyến khích bảo hộ đầu tư; Hiệp định tránh đánh thuế trùng; Hiệp định chuyển giao và nhận trở lại công dân hai nước; Hiệp định hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông thôn và thị trường nông sản...

Cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan hiện có khoảng 40.000 người, đóng góp vào việc phát triển quan hệ kinh tế-thương mại giữa hai nước và được chính quyền Ba Lan đánh giá tích cực, một số Việt kiều tại Ba Lan đã quay về nước đầu tư tương đối thành công, nhất là trong lĩnh vực bất động sản và tài chính. Cộng đồng Việt Nam tại Ba Lan có tổ chức hội đoàn tương đối phát triển, trong đó một số tổ chức nòng cốt như Hội người Việt Nam tại Ba Lan đoàn kết và hữu nghị; Hội Văn hóa-Xã hội, Câu lạc bộ Phụ nữ, Câu lạc bộ Người cao tuổi, Hội những người yêu đạo Phật, Hội Cựu Chiến binh và các hội đồng hương như Hà Thành, Nghệ An, Thanh Hóa, Hải Dương, Nam Định, Hải Phòng...

Cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan có trường dạy tiếng Việt mang tên Văn Lang thu hút khoảng 100 trẻ em Việt đến học hàng tuần. Ngoài ra, cộng đồng cũng thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động văn hóa-thể thao như Giải bóng đá cộng đồng, giải tennis, giải golf, Tết Nguyên đán, Lễ kỷ niệm Quốc khánh 2/9, Tết Trung Thu... Cộng đồng cũng có rất nhiều hoạt động từ thiện hướng về Tổ Quốc.

Những năm gần đây, số lượng người Ba Lan tại Việt Nam cũng tăng mạnh, tập trung ở Thành phố Hồ Chí Minh (khoảng hơn 100 người), chủ yếu là nhân viên các công ty đa quốc gia và một số người Ba Lan lấy vợ, chồng là người Việt Nam đang sinh sống tại đây.

Chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Cộng hòa Ba Lan tới Việt Nam khẳng định Ba Lan coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác nhiều mặt với Việt Nam; tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm và có lợi ích, đặc biệt là thương mại, đầu tư, hợp tác phát triển, quốc phòng. Nhân dịp này, hai bên trao đổi thông tin, các biện pháp phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế và khu vực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục