Nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Chủ tịch AIPA Saysomphone Phomvihane, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam thăm chính thức Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và tham dự Đại hội đồng Liên Nghị viện các Quốc gia Đông Nam Á lần thứ 45 (AIPA-45) từ ngày 17-19/10.
Khẳng định vai trò của Quốc hội Việt Nam trong AIPA
Đại hội đồng AIPA-45 diễn ra trong bối cảnh ASEAN tiếp tục dành ưu tiên cao củng cố tiến trình xây dựng Cộng đồng, nỗ lực hoàn tất các Kế hoạch tổng thể 2025.
Cùng với đó, xây dựng 4 Chiến lược hợp tác về chính trị-an ninh, kinh tế, văn hóa-xã hội và kết nối cho giai đoạn tiếp theo trên cơ sở các định hướng của Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045, hướng đến “ASEAN tự cường, năng động, sáng tạo và lấy người dân làm trung tâm.”
Chủ đề chính của Đại hội đồng AIPA-45 là "Vai trò của Nghị viện trong việc tăng cường kết nối và tăng trưởng toàn diện của ASEAN."
Trên cơ sở đó, Đại hội đồng sẽ tập trung thảo luận các biện pháp nhằm tăng cường hợp tác giữa AIPA, ASEAN, các nghị viện quan sát viên; các cơ chế hợp tác để giải quyết thảm họa thiên nhiên, đảm bảo an ninh năng lượng và an ninh lương thực trong khu vực và trên toàn cầu; đồng thời thể hiện các mục tiêu chính của Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 trong khi tái khẳng định các cam kết chung để xây dựng một khu vực tự cường, gắn kết và thịnh vượng.
Trong bối cảnh đó, việc Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước ta tham dự AIPA-45 có ý nghĩa quan trọng nhằm tiếp tục triển khai chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, nâng tầm đối ngoại đa phương; thúc đẩy các ưu tiên, nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam và Quốc hội nước ta tại các cơ chế hợp tác nghị viện khu vực và thế giới, qua đó góp phần thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao chung của Đảng và Nhà nước vì lợi ích quốc gia, dân tộc.
Đồng thời khẳng định vai trò của Quốc hội Việt Nam, chủ động, tích cực đóng góp thực chất vào nội dung của AIPA; ủng hộ Lào trên cương vị Chủ tịch AIPA; cùng các Nghị viện thành viên AIPA củng cố đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN, đẩy mạnh quan hệ giữa AIPA với các đối tác, góp phần vào tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN; phát huy trách nhiệm, tiếng nói của AIPA đối với hòa bình, ổn định và phát triển.
Thông qua các tiếp xúc cấp cao của Trưởng đoàn và các cấp tương ứng với đối tác trong và ngoài khu vực, sẽ góp phần tăng cường quan hệ giữa Quốc hội Việt Nam với Quốc hội thành viên và Quan sát viên của AIPA tham dự Đại hội đồng. Đây cũng là cơ hội để phía Việt Nam trao đổi thông tin và chia sẻ với nghị sĩ các nước về những mối quan tâm chung của khu vực vì hòa bình, hợp tác và phát triển, về các hoạt động của nghị viện; xây dựng mối quan hệ hữu nghị với nghị sỹ các nước; thông tin, chia sẻ về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta cũng như hoạt động của Quốc hội trong phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam.
Chia sẻ về dự kiến đề xuất của Việt Nam để đóng góp cho AIPA-45 lần này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Lê Thu Hà cho biết trên cơ sở chủ đề chung của Đại hội đồng, các vấn đề thuộc quan tâm của ta, phù hợp với xu thế của khu vực, Việt Nam dự kiến đề xuất 4 sáng kiến/Nghị quyết tại Hội nghị Nghị sỹ trẻ AIPA, Ủy ban Xã hội, Hội nghị Nữ Nghị sỹ AIPA, Ủy ban Kinh tế.
Cụ thể, Nghị quyết về “Tăng cường vai trò của nghị sỹ trẻ ASEAN trong việc triển khai Tuyên bố Hội nghị nghị sỹ trẻ toàn cầu lần thứ 9 về thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo” khẳng định chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo là xu thế tất yếu hiện nay; nhấn mạnh vai trò của giới trẻ và các nghị sỹ trẻ trong việc hoàn thiện thể chế, chính sách, từ đó góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; khẳng định vai trò của văn hóa và đa dạng văn hóa là động lực của phát triển bền vững, đóng vai trò quan trọng trong quá trình giải quyết các thách thức hiện tại; khuyến nghị một số giải pháp nhằm nâng cao vai trò của giới trẻ trong thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo...
Nghị quyết về “Tăng cường quyền, phúc lợi xã hội và cơ hội việc làm cho người cao tuổi trong khu vực ASEAN” khẳng định tầm quan trọng của việc tăng cường quyền, phúc lợi và cơ hội việc làm cho người cao tuổi; nhấn mạnh việc phát triển các chính sách và chương trình hỗ trợ người cao tuổi sẽ góp phần vào sự phát triển bền vững của khu vực; kêu gọi các quốc gia thành viên ASEAN ưu tiên bố trí nguồn lực, phát triển và triển khai các chính sách, chương trình nhằm cải thiện phúc lợi xã hội cho người cao tuổi; xây dựng các chiến lược và kế hoạch hành động để tạo cơ hội việc làm cho người cao tuổi; phối hợp và chia sẻ kinh nghiệm trong việc thực hiện các chính sách và chương trình hỗ trợ người cao tuổi...
Nghị quyết về “Thúc đẩy xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái trong ASEAN” khẳng định bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái là một vấn nạn nghiêm trọng, vi phạm nhân quyền và cản trở sự phát triển bền vững của các quốc gia ASEAN; nhấn mạnh cam kết của ASEAN trong việc xóa bỏ mọi hình thức bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái; kêu gọi các nghị viện thành viên AIPA xây dựng và tăng cường thực thi, giám sát luật pháp và chính sách về phòng, chống mọi hình thức bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái; nâng cao nhận thức cộng đồng về bình đẳng giới và tác hại của bạo lực giới; thúc đẩy sự tham gia của nam giới và trẻ em trai trong việc ngăn ngừa bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái; tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế...
Nghị quyết về “Nâng cao năng lực thể chế để kết nối giao thông, hàng không, cảng biển trong khu vực ASEAN” khẳng định vị trí địa chiến lược quan trọng của ASEAN; nhấn mạnh ASEAN luôn coi kết nối và hội nhập là một trong những ưu tiên hàng đầu trong việc triển khai các biện pháp hiện thực hóa Cộng đồng Kinh tế ASEAN, góp phần phát huy lợi thế của một khu vực ASEAN năng động, trung tâm và nhiều tiềm năng; kêu gọi các nghị viện thành viên AIPA nâng cao vai trò trong việc thúc đẩy hợp tác hiệu quả trong khu vực ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác khác; tăng cường phối hợp xây dựng cơ chế, chính sách của quốc gia, khu vực, tập trung ưu tiên kết nối mạng lưới giao thông.
Đoàn Việt Nam cùng xem xét đồng bảo trợ 6 nghị quyết; trong đó có 5 nghị quyết do Lào đề xuất, 1 nghị quyết do Indonesia, Lào và Malaysia đề xuất.
Cụ thể là: Tăng cường vai trò của Nghị viện trong việc thúc đẩy kết nối và phát triển hài hòa ASEAN thông qua hợp tác chính trị-an ninh; Vai trò của Nghị viện trong việc thúc đẩy huy động vốn xanh cho phát triển hạ tầng bền vững hướng đến Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025; Thúc đẩy vai trò của Nghị viện trong đổi mới y tế thông minh; Tăng cường sự quan tâm của các Nghị viện hướng tới xây dựng Cộng đồng ASEAN bền vững, kết nối và hòa nhập; Trao quyền cho thanh niên trong việc xây dựng Cộng đồng ASEAN an toàn, bền vững và hòa nhập; Vai trò của Nghị viện trong việc hỗ trợ thực hiện ASEAN hướng đến thúc đẩy đầu tư có trách nhiệm trong lĩnh vực nông nghiệp thực phẩm và lâm nghiệp.
Đưa quan hệ Việt-Lào đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất
Đây cũng là lần đầu tiên ông Trần Thanh Mẫn thăm chính thức Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào trên cương vị Chủ tịch Quốc hội.
Dự kiến trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch Quốc hội sẽ có các cuộc hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Saysomphone Phomvihane; chào xã giao Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Thongloun Sisoulith; hội kiến Thủ tướng Sonexay Siphandone và nhiều hoạt động gặp gỡ tiếp xúc quan trọng khác.
Hai bên sẽ trao đổi, thống nhất các phương hướng hợp tác trong thời gian tới nhằm đưa quan hệ hai nước đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất, đặc biệt là nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác giữa hai Quốc hội, trao đổi phối hợp lập trường về một số vấn đề chiến lược của khu vực, quốc tế cùng quan tâm.
Quan hệ hữu nghị truyền thống và đoàn kết đặc biệt Việt Nam-Lào phát triển tốt đẹp và toàn diện trên tất cả các kênh Đảng, Nhà nước và ngoại giao nhân dân. Hai bên thường xuyên trao đổi các chuyến công tác, tiếp xúc cấp cao và các cấp.
Mới đây nhất, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có chuyến công tác cấp Nhà nước tới Lào (tháng 7/2024); Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith sang dự Lễ Quốc tang cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 7/2024), thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam và dự Cuộc gặp giữa hai Bộ Chính trị Việt Nam-Lào (tháng 9/2024).
Tin cậy chính trị giữa hai nước được tăng cường. Hợp tác chính trị-đối ngoại, quốc phòng-an ninh được duy trì chặt chẽ. Thương mại, đầu tư, văn hóa, giáo dục đào tạo có nhiều bước chuyển mới tích cực.
Đặc biệt, nhiều khó khăn, tồn tại và bất cập trong các dự án hợp tác trọng điểm giữa hai nước từng bước được tháo gỡ thông qua các chuyến công tác và thỏa thuận giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước, trên tinh thần những định hướng lớn được Bộ Chính trị hai nước thống nhất.
Hợp tác văn hóa, giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực có nhiều bước chuyển cả về chất và lượng.
Cùng với đó, hợp tác giữa hai Quốc hội tiếp tục được thúc đẩy, triển khai đồng bộ, hiệu quả, đóng góp quan trọng vào tổng thể quan hệ giữa hai nước.
"Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội thể hiện tính sinh động của quan hệ Việt-Lào"
Chuyến thăm Lào và tham dự AIPA-45 của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thể hiện tính sinh động của mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam-Lào.
Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Lào đã ký Thỏa thuận hợp tác mới vào tháng 5/2022 và đang tích cực triển khai thực hiện các nội dung của Thỏa thuận.
Hai bên tổ chức nhiều hoạt động trao đổi kinh nghiệm giữa hai Quốc hội, tập trung vào các vấn đề Việt Nam, Lào quan tâm như nghiên cứu lập pháp, sửa đổi Hiến pháp; xây dựng và triển khai chính sách phát triển kinh tế-xã hội.
Quốc hội hai nước đang tích cực phối hợp nghiên cứu biên soạn và xuất bản cuốn sách "50 năm quan hệ giữa Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Lào - Hợp tác toàn diện và phát triển."
Hai bên duy trì trao đổi đoàn cấp cao, trao đổi kinh nghiệm công tác, giao lưu cấp Ủy ban, giữa các Nhóm Nghị sỹ hữu nghị, nữ đại biểu Quốc hội.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Lê Thu Hà, chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn là sự cụ thể Thỏa thuận cấp cao giữa hai Bộ Chính trị tại Cuộc gặp giữa hai Bộ Chính trị Việt Nam-Lào và Tuyên bố chung Việt Nam-Lào trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith (tháng 9/2024) và chuyến thăm cấp Nhà nước tới Lào của Chủ tịch nước Tô Lâm (tháng 7/2024).
Chuyến thăm một lần nữa khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước ta luôn dành ưu tiên cao nhất và coi trọng việc phát triển mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào; khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ và toàn diện của Việt Nam đối với công cuộc đổi mới, bảo vệ và xây dựng đất nước Lào; đồng thời thể hiện sự tin cậy, gắn bó giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước cũng như giữa cá nhân Chủ tịch Quốc hội ta với Chủ tịch Quốc hội bạn./.