Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Hoàng Văn Thức cho biết Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức môi trường có nguy cơ ngày càng tăng cao, do sức ép phát triển kinh tế, sự thay đổi cơ cấu xã hội và những biến đổi trong tự nhiên, đặc biệt là ô nhiễm rác thải nhựa và không khí.
Hiện ô nhiễm môi trường đã và sẽ tiếp tục xảy ra, đang ảnh hưởng đến đời sống, tài sản và sinh kế của hàng triệu người. Ô nhiễm môi trường đã tích tụ đến mức đáng lo ngại.
Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, kể từ thập niên 50 của thế kỷ trước, hơn 8,3 tỷ tấn sản phẩm nhựa đã được sản xuất, sử dụng, trong đó khoảng 60% lượng sản phẩm đó được chôn lấp hoặc thải thẳng ra môi trường.
Ô nhiễm khói bụi là một trong những dạng ô nhiễm phổ biến và nghiêm trọng, được xem là nguyên nhân lớn nhất gây bệnh tật và tử vong sớm, đặc biệt trong bối cảnh ô nhiễm khói bụi ở các đô thị trở nên báo động.
Hợp tác với các đối tác trong và ngoài khu vực là một trong những yếu tố quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường.
[Lan tỏa lối sống xanh trong cộng đồng, góp phần bảo vệ môi trường]
Từ năm 2019, Tổng cục Môi trường sẽ tăng cường hợp tác với Hội Độc học môi trường và Hóa học khu vực châu Á-Thái Bình Dương để nghiên cứu, xây dựng chính sách phục vụ công tác quản lý; nâng cao năng lực về thành lập mạng lưới các nhà khoa học, các chuyên gia trong lĩnh vực quan trắc môi trường; trao đổi, hỗ trợ chuyên gia trong công tác xử lý số liệu, dự báo, cảnh báo chất lượng môi trường; tăng cường năng lực quản lý và cải thiện chất lượng môi trường liên quan đến đánh giá rủi ro môi trường và sinh thái do các tác nhân hóa học độc hại; tăng cường năng lực quản lý môi trường và ứng phó, khắc phục sự cố môi trường từ khai thác bôxít tại Việt Nam.
Việt Nam và Nhật Bản sẽ thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực môi trường thông qua cụ thể hóa các chương trình, dự án hợp tác về xây dựng chính sách, tăng trưởng xanh, kiểm soát ô nhiễm, quản lý chất thải, nước thải, xử lý các điểm ô nhiễm nghiêm trọng, thúc đẩy công nghệ ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm.
Hai bên đã thành lập Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam-Nhật Bản về quản lý chất thải nhằm chia sẻ thông tin, hỗ trợ xây dựng chính sách, mô hình quản lý, xử lý chất thải rắn hiệu quả, bền vững tại Việt Nam.
4 nội dung ưu tiên hợp tác trong năm 2019 giữa Việt Nam và Hàn Quốc gồm ưu tiên hỗ trợ Việt Nam trong việc sửa đổi, hoàn thiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và các tài liệu quy phạm pháp luật về quy chuẩn, tiêu chuẩn môi trường của Việt Nam; tăng cường hợp tác hơn nữa về đào tạo và nâng cao năng lực cán bộ hoạt động trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường; mở rộng thực hiện các dự án hợp tác chung trong các lĩnh vực môi trường, biến đổi khí hậu, quản lý nước và nước thải, bảo tồn đa dạng sinh học; thiết lập được một khung khổ hoạt động hợp tác song phương cơ bản về chia sẻ lợi ích đôi bên cùng có lợi trong lĩnh vực bảo tồn và sử dụng đa dạng sinh học./.