Tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn và chống lây nhiễm cho nhân viên y tế

Nhân viên y tế làm việc tại các bệnh viện có điều trị COVID-19 nói chung và các khu cách ly nói riêng cần hạn chế tối đa đến các khu vực đông người và sử dụng phương tiện giao thông công cộng.
Tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn và chống lây nhiễm cho nhân viên y tế ảnh 1Các bác sỹ Trung tâm Y tế huyện Ân Thi đo thân nhiệt cho các em du học sinh. (Ảnh: Đinh Tuấn/TTXVN)

Ngày 26/3, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đã có công văn số 1599/CV-BCĐQG gửi các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Y tế các Bộ, ngành; các bệnh viện trực thuộc trường đại học yêu cầu nghiêm túc và quyết liệt thực hiện các giải pháp phòng, chống lây nhiễm cho nhân viên y tế và tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn.

Công văn nêu rõ trong quá trình điều trị cho người bệnh COVID-19, hệ thống các bệnh viện đã có nhân viên y tế đầu tiên bị lây nhiễm virus gây bệnh COVID-19.

Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đề nghị các Sở Y tế, bệnh viện, cơ sở y tế và người hành nghề khám, chữa bệnh nghiêm túc, quyết liệt thực hiện các giải pháp phòng, chống lây nhiễm cho nhân viên y tế và tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn.

[Bệnh viện Bạch Mai đã cách ly 495 bác sỹ và nhân viên y tế]

Các cơ sở cần dự trù và cung cấp đầy đủ các phương tiện phòng hộ cá nhân cho nhân viên y tế theo hướng dẫn trong Quyết định số 1259/QĐ-BYT ngày 20/3/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Trong trường hợp thiếu, không mua được phương tiện phòng hộ, cơ sở y tế cần báo cáo ngay với cơ quan quản lý trực tiếp và Ban Chỉ đạo các cấp để tìm giải pháp khắc phục.

Các kỹ thuật điều trị, chăm sóc người bệnh có tạo ra các hạt khí dung như gây mê, đặt nội khí quản... có nguy cơ lây nhiễm cao.

Người hành nghề cần tuyệt đối tuân thủ các hướng dẫn chuyên môn (tham khảo trong phụ lục đính kèm); chỉ thực hiện khi đã trang bị đầy đủ các phương tiện phòng hộ chuyên dùng; tập huấn cho người thực hiện đầy đủ, kỹ lưỡng.

Các cơ sở chú ý bố trí khu vực sinh hoạt của nhân viên y tế cách xa khu vực cách ly và điều trị người bệnh (căn cứ trên điều kiện thực tế của đơn vị).

Nhân viên y tế làm việc tại các bệnh viện có điều trị COVID-19 nói chung và các khu cách ly nói riêng cần hạn chế tối đa đến các khu vực đông người và sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

14 khuyến cáo thực hành an toàn cho bác sỹ

Kèm theo công văn về phòng, chống lây nhiễm cho nhân viên y tế và tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn, Ban Chỉ đạo quốc gia đã ban hành khuyến cáo thực hành an toàn cho bác sỹ trong đặt nội khí quản người mắc COVID-19.

Hướng dẫn nêu rõ:

1. Ưu tiên hàng đầu là bảo vệ an toàn cho bản thân bạn. Hãy đánh giá và sử dụng các trang bị phòng hộ cá nhân và các biện pháp dự phòng lây truyền qua hạt dịch tiết/khí tiếp xúc với người bệnh (trang bị phòng hộ cá nhân: khẩu trang phẫu thuật, mũ, găng, kính bảo vệ mắt nếu cần).

Tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn và chống lây nhiễm cho nhân viên y tế ảnh 2Lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi nhiễm SARS-CoV-2 tại khu cách ly. (Ảnh: TTXVN phát)

Trường hợp đặc biệt cần chuẩn bị trước các thiết bị này vì tốn thời gian để chuẩn bị đầy đủ các phương tiện phòng lây chéo. Trước khi đặt nội khí quản, hãy chuẩn bị, làm thử các thao tác đeo và gỡ các trang bị phòng hộ như khẩu trang N95, găng, quần áo; chú ý tránh bị lây nhiễm từ chính trang bị phòng hộ.

2. Sử dụng khẩu trang N95, kính bảo hộ, giày, mũ và găng tay dùng một lần.

3. Cử bác sỹ gây mê có kinh nghiệm nhất để thực hiện việc đặt nội khí quản nếu có thể.

4. Theo dõi người bệnh theo quy trình chuẩn, kiểm tra đường truyền tĩnh mạch, các dụng cụ, thuốc, đường thở cũng như máy hút dịch.

5. Tránh đặt nội khí quản qua ống nội soi sợi quang trên người bệnh tỉnh trừ khi có chỉ định cụ thể. Sự bay hơi của các thuốc tê sẽ khuếch tán virus. Có thể cân nhắc sử dụng đèn soi gắn video.

6. Chuẩn bị quy trình đặt nội khí quản theo trình tự nhanh (RSI) và đảm bảo rằng nhân viên hỗ trợ đủ kỹ năng để thực hiện kỹ thuật ép sụn thanh quản. Cân nhắc điều chỉnh các bước trong RSI, nếu người bệnh có chênh lệch lớn ôxy phế nang mao mạch mà không chịu được thời gian ngừng thở 30 giây hoặc có chống chỉ định dùng succinylcholine. Nếu có thể bóp bóng bằng tay, nên bóp với thể tích lưu thông thấp.

7. Sử dụng 5 phút hỗ trợ ôxy với hàm lượng ôxy 100% và RSI nhằm tránh việc phải bóp bóng bằng tay và nguy cơ phát tán virus từ đường thở của người bệnh.

8. Đảm bảo đặt một phin lọc kỵ nước giữa mặt nạ và dây thở hoặc giữa mặt nạ và bóng ambu.

9. Đặt ống nội khí quản và đảm bảo vị trí chính xác của ống nội khí quản.

10. Nối với dây máy thở và ổn định người bệnh.

11. Toàn bộ thiết bị đường thở phải được bỏ trong túi nilon dán kín có khóa hai lớp và khi loại bỏ phải đảm bảo được khử nhiễm.

12. Trợ lý phải lau sạch các bề mặt với dung dịch sát khuẩn phù hợp (theo hướng dẫn của bệnh viện) sau khi ra khỏi phòng áp lực âm.

13. Sau khi tháo bỏ trang bị phòng hộ, tránh chạm tay vào tóc hoặc vào mặt khi chưa rửa sạch tay.

14. Lãnh đạo bệnh viện liên tục cập nhật thông tin liên quan đến điều trị người bệnh tại các khoa của bệnh viện./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục