Tăng cường kết nối toàn diện - Kim chỉ nam của APEC sáng tạo

Hội nghị APEC 22 truyền tải một thông điệp mạnh mẽ về quyết tâm và nỗ lực của các nền kinh tế thành viên vì một châu Á-Thái Bình Dương gắn kết, sáng tạo và kết nối.
Tăng cường kết nối toàn diện - Kim chỉ nam của APEC sáng tạo ảnh 1Các Trưởng đoàn dự Hội nghị các nhà lãnh đạo Diễn đàn hợp tác kinh tế APEC lần thứ 22. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)

Hội nghị cấp cao diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 22 tại Bắc Kinh kết thúc thành công vào ngày 11/11 vừa qua, truyền tải một thông điệp mạnh mẽ về quyết tâm và nỗ lực của các nền kinh tế thành viên vì một châu Á-Thái Bình Dương gắn kết, sáng tạo và kết nối, góp phần nâng cao vị thế của APEC và duy trì vai trò của khu vực châu Á-Thái Bình Dương là động lực của tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Hội nghị lần này đã thông qua hai tuyên bố của các nhà lãnh đạo APEC và bốn văn kiện.

Hai văn kiện gồm “Chương trình nghị sự Bắc Kinh vì một châu Á-Thái Bình Dương gắn kết, sáng tạo” và “Kết nối và định hình tương lai thông qua quan hệ đối tác châu Á-Thái Bình Dương.”

Trong khi đó, bốn văn kiện gồm “Lộ trình Bắc Kinh về đóng góp của APEC đối với việc thực hiện khu vực thương mại tự do toàn châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP),” “Kế hoạch chiến lược của APEC về thúc đẩy hợp tác và phát triển các chuỗi giá trị toàn cầu,” “Thỏa thuận APEC về phát triển sáng tạo, cải cách kinh tế và tăng trưởng” và “Kế hoạch tổng thể kết nối APEC 2015-2025.”

Tăng cường kết nối toàn diện

Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 22 đã tập trung thảo luận chủ đề cùng xây dựng quan hệ đối tác châu Á-Thái Bình Dương hướng tới tương lai nhằm thúc đẩy sự phát triển sáng tạo, cải cách và tăng trưởng, tăng cường vai trò của châu Á-Thái Bình Dương trong việc đi đầu dẫn dắt kinh tế thế giới.

Hội nghị quyết định khởi động tiến trình thành lập Khu thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP) bởi FTAAP có thể là sự kết hợp các thỏa thuận thương mại tự do hiện có và việc thúc đẩy tiến trình thành lập FTAAP là để củng cố hội nhập khu vực và đạt được các mục tiêu dài hạn.

Các nhà lãnh đạo APEC nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường kết nối toàn diện đối với tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh kết nối hàng hải và hàng không, hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau, thúc đẩy sự thịnh vượng và tinh thần cộng đồng ở châu Á-Thái Bình Dương.

Các nhà lãnh đạo hoan nghênh những thành quả mà các thành viên APEC đã đạt được về hợp tác tăng cường kết nối và phát triển cơ sở hạ tầng, đồng thời ghi nhận nỗ lực của các nền kinh tế thành viên trong việc thúc đẩy quan hệ đối tác công-tư (PPP) về hạ tầng cơ sở thông qua các sáng kiến trong khuôn khổ APEC.

Các nhà lãnh đạo APEC quyết định mở rộng hợp tác thực chất trên các lĩnh vực tài chính cơ sở hạ tầng, mở rộng mô hình quan hệ đối tác hợp tác công tư, giúp khu vực châu Á-Thái Bình Dương phá vỡ những ách tắc trong kết nối tài chính.

Hội nghị nhấn mạnh vai trò mang tính nền tảng của giao lưu nhân dân đối với gắn kết khu vực, đồng thời quyết định thực hiện các sáng kiến mới trong lĩnh vực giáo dục xuyên biên giới, thẻ du lịch thương mại, du lịch xuyên biên giới, từ đó mang lại lợi ích cho nhiều người dân trong khu vực.

Hội nghị nhất trí cho rằng tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng toàn diện và xây dựng kết nối có lợi cho tăng trưởng kinh tế, tăng cường sức cạnh tranh của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, phù hợp với lợi ích chung và nhu cầu phát triển lâu dài của các nước thành viên.

Hội nghị đã thông qua “Kế hoạch kết nối” APEC, xác định mục tiêu thực hiện tầm nhìn tăng cường kết nối và giao lưu nhân dân. Các nhà lãnh đạo cam kết căn cứ theo ý tưởng của kế hoạch trên, tăng cường đầu tư, xây dựng mạng lưới kết nối theo mô hình phức hợp, đa tầng nấc và toàn diện nhằm thực hiện khu vực châu Á-Thái Bình Dương phát triển phồn vinh.

Bên cạnh đó, hội nghị cũng nhất trí thúc đẩy hợp tác chống tham nhũng trong khu vực, xây dựng mạng lưới chấp pháp chống tham nhũng, đồng thời đạt được nhiều nhận thức chung quan trọng trong triển khai hoạt động truy bắt tội phạm bỏ trốn ra nước ngoài...

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh những thành tựu nổi bật của APEC trong hơn hai thập kỷ qua về việc hình thành một mạng lưới hợp tác và liên kết đa tầng, từ cấp tiểu vùng, khu vực đến cả châu Á-Thái Bình Dương rộng lớn.

Chủ tịch nước nhấn mạnh “Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN” cùng các dự án kết nối hạ tầng cơ sở ở ASEAN lục địa và tiểu vùng Mekong mà các thành viên ASEAN đang triển khai mạnh mẽ có thể được coi là một hạt nhân thúc đẩy kết nối ở châu Á-Thái Bình Dương.

Kết nối khu vực cùng tăng trưởng kinh tế và giảm khoảng cách phát triển là những nội hàm then chốt của một Cộng đồng ASEAN tự cường, hài hòa và gắn kết.

Để kết nối khu vực toàn diện, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị các thành viên cần chú trọng hợp tác ứng phó với các thách thức toàn cầu, hỗ trợ nâng cao năng lực cho các thành viên đang phát triển, đẩy mạnh hợp tác giáo dục và đào tạo, tăng cường hợp tác công tư, phát huy vai trò không thể thiếu của các doanh nghiệp,... Chủ tịch nước cho rằng, vấn đề thiết yếu là cần gắn kết các khuôn khổ kết nối ở mọi tầng nấc của khu vực, bảo đảm tính bổ trợ, phối hợp trong đề xuất và triển khai các sáng kiến của các khuôn khổ này.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị APEC cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác kinh tế-kỹ thuật và hỗ trợ nâng cao năng lực của các thành viên đang phát triển, đặc biệt về kinh tế và thương mại.

Đồng thời, Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam là cầu nối gắn kết các nền kinh tế ASEAN lục địa với ASEAN hải đảo. Với triển vọng đến năm 2020 sẽ hoàn tất đàm phán 15 hiệp định thương mại tự do, Việt Nam sẽ trở thành một mắt xích quan trọng của mạng lưới liên kết kinh tế rộng lớn.

Một châu Á-Thái Bình Dương gắn kết và sáng tạo

Theo các nhà phân tích, một điểm đáng chú ý là trong phiên thảo luận toàn thể thứ hai về “Phát triển sáng tạo, cải cách và tăng trưởng kinh tế,” các nhà lãnh đạo APEC nhấn mạnh triển vọng về sự thịnh vượng chung của APEC sẽ phụ thuộc vào phát triển sáng tạo, cải cách kinh tế và tăng trưởng ở khu vực, và châu Á-Thái Bình Dương đang ở giai đoạn then chốt của quá trình chuyển đổi mô hình kinh tế.

Các nhà lãnh đạo khẳng định ủng hộ các nỗ lực thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế và nâng cấp các ngành truyền thống, khai thác những tiềm năng tăng trưởng kinh tế mới, như kinh tế xanh, kinh tế biển, kinh tế mạng, phát triển nguồn nhân lực, tránh bẫy thu nhập trung bình...

Các nhà lãnh đạo APEC nhấn mạnh cam kết đẩy nhanh tốc độ cải cách và sáng tạo, và cùng nỗ lực nâng cao vị thế của châu Á-Thái Bình Dương là động lực của tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã hối thúc các nền kinh tế thành viên APEC tích cực hành động để thúc đẩy tự do thương mại, tăng cường liên kết và sáng tạo, đồng thời nhấn mạnh Hội nghị Cấp cao APEC năm nay là một dấu mốc lịch sử quan trọng, ghi nhận những thành tựu to lớn của chặng đường 25 năm hình thành và phát triển của diễn đàn cũng như nỗ lực 20 năm thực hiện các Mục tiêu Bogor, đồng thời thể hiện sinh động tinh thần đoàn kết, tôn trọng, tin cậy, hỗ trợ lẫn nhau và cùng có lợi.

Chủ tịch Tập Cận Bình thông báo Trung Quốc đóng góp 10 triệu USD để thực hiện các chương trình dự án của APEC về nâng cao năng lực cho các thành viên đang phát triển.

Lãnh đạo các nền kinh tế APEC nhấn mạnh APEC đã có những đóng góp quan trọng vào nỗ lực thu hẹp khoảng cách phát triển, thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững, cân bằng và đồng đều ở khu vực và trên thế giới, góp phần nâng cao vị thế chiến lược của châu Á-Thái Bình Dương.

Lãnh đạo các nền kinh tế APEC khẳng định với những thành quả đã đạt được, APEC đang ở vào thời khắc lịch sử để nỗ lực định hình tương lai thông qua quan hệ đối tác châu Á-Thái Bình Dương, hướng tới xây dựng một không gian kinh tế mở ở khu vực, thúc đẩy phát triển sáng tạo, tăng trưởng gắn kết, và vai trò của châu Á-Thái Bình Dương đi đầu dẫn dắt kinh tế thế giới.

Trong 25 năm qua, mức thuế trung bình của APEC đã giảm từ 16,9% năm 1989 xuống còn 5,7% hiện nay và thương mại nội khối tăng gần 6 lần từ 1.700 tỷ USD lên tới 9.900 tỷ USD.

Cũng tại hội nghị, Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng với lãnh đạo các nền kinh tế thành viên khác của APEC kêu gọi các bên cần nhanh chóng hoàn tất các cuộc đàm phán về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) “càng sớm càng tốt.”

Theo ông Obama, các bộ trưởng và quan chức đại diện tham gia đàm phán TPP cần coi việc hoàn tất tiến trình đàm phán này là một ưu tiên hàng đầu một cách nhanh chóng.

Trong nhiều năm qua, Mỹ đã thúc đẩy ý tưởng TTP, trong đó đề xuất nới lỏng các quy định hạn chế thương mại, mà không có sự tham gia của nền kinh tế thế giới hai thế giới là Trung Quốc.

Tuy vậy, các cuộc đàm phán về TPP đã bị đình trệ trước sự phản đối của một số thành viên với lo ngại những tác động bất lợi khi mở cửa thị trường trong nước, trong đó có Nhật Bản.

Nhiều nhà lãnh đạo các nền kinh tế APEC chia sẻ đánh giá hợp tác trong APEC ngày càng được triển khai hiệu quả và mở rộng sang nhiều lĩnh vực mới, có ý nghĩa thiết thực đối với các nền kinh tế thành viên, như biến đổi khí hậu, ứng phó thiên tai, an ninh lương thực, an ninh năng lượng, kinh tế xanh, kinh tế mạng, hợp tác về đại dương...

Lãnh đạo các nền kinh tế APEC nhất trí tăng cường nỗ lực nhằm tiếp tục duy trì vai trò của APEC là diễn đàn quan trọng hàng đầu trong hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững, duy trì thịnh vượng và thúc đẩy môi trường thương mại và đầu tư mở ở châu Á-Thái Bình Dương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục