Việt Nam-Bangladesh còn nhiều dư địa trong hợp tác thương mại và đầu tư sản xuất là nhận định của các chuyên gia tại Hội nghị kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Bangladesh và doanh nghiệp Việt Nam do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp Vụ Thị trường châu Á- châu Phi (Bộ Công Thương) tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 7/8.
Ông Trần Phú Lữ, Giám đốc ITPC cho biết Bangladesh hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam tại khu vực Nam Á, chiếm 9,3% tổng xuất khẩu của Việt Nam đến khu vực.
Thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy thương mại giữa hai quốc gia đã tăng gấp bốn lần trong vòng một thập kỷ qua, từ khoảng 350 triệu USD năm 2012 lên gần 1,059 tỷ USD vào năm 2023.
Riêng nửa đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Bangladesh đạt 562 triệu USD; trong đó, xuất khẩu từ Việt Nam sang Bangladesh ước đạt 505 triệu USD.
Các mặt hàng xuất khẩu chính bao gồm clanhke và ximăng, xơ sợi dệt các loại, hàng dệt may, chất dẻo nguyên liệu, và nguyên phụ liệu dệt may.
Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Bangladesh chủ yếu là dược phẩm và phế liệu sắt thép.
Về đầu tư, tính đến tháng 6/2024 Bangladesh có tổng cộng 20 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn 980 triệu USD.
Ở cấp độ địa phương, quan hệ thương mại giữa Thành phố Hồ Chí Minh và Bangladesh cũng đã có những bước tiến đáng kể.
Kim ngạch xuất nhập khẩu của Thành phố Hồ Chí Minh-Bangladesh trong 7 tháng năm 2024 đạt 36,57 triệu USD, tăng 43% so với cùng kỳ năm 2023. Trong số đó, xuất khẩu của Thành phố Hồ Chí Minh sang Bangladesh ước đạt 28,47 triệu USD bao gồm hạt tiêu, rau củ quả, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, vải các loại.
Theo ông Trần Phú Lữ, Bangladesh là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam, giữa hai quốc gia còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác. Việc hợp tác trong các lĩnh vực như công nghệ thông tin, dệt may, sản phẩm Halal, dịch vụ phần mềm, xúc tiến thương mại đay và hàng đay, ngân hàng và du lịch đang mở ra cơ hội lớn cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước.
Cả hai bên đều có nhu cầu tìm kiếm đối tác và thị trường mới, đây là thời điểm rất tốt để thúc đẩy hợp tác theo hướng hiệu quả hơn.
Ông Md.Ashraf Ahmed, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Dhaka (Bangladesh) cho rằng mặc dù thương mại song phương giữa Bangladesh và Việt Nam chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc, nhưng bối cảnh thương mại thời gian qua chỉ tập trung vào một số sản phẩm.
Vẫn còn tiềm năng rất lớn để thúc đẩy thương mại song phương giữa Bangladesh và Việt Nam bằng cách đa dạng hóa các mặt hàng, lĩnh vực. Hai nước có thể đẩy mạnh hợp tác thương mại và đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, cơ giới hóa trang trại, chế biến nông sản giá trị gia tăng, nuôi trồng thủy sản, sản phẩm sữa và bánh kẹo, vật liệu xây dựng, dược phẩm, thiết bị y tế, máy móc vốn công nghiệp, kỹ thuật ánh sáng, điện tử, công nghệ thông tin, công nghệ tài chính và các sản phẩm Halal.
Theo ông Md.Ashraf Ahmed, doanh nghiệp Việt Nam có thể coi Bangladesh là cửa ngõ để thâm nhập và mở rộng sang thị trường Nam Á. Bangladesh cũng mong muốn kêu gọi doanh nghiệp Việt Nam đến đầu tư vì đây là quốc gia có cơ chế đầu tư ấn tượng và cạnh tranh nhất ở Nam Á với các lợi ích tài chính và phi tài chính đa dạng cũng như môi trường pháp lý thuận lợi cho đầu tư nước ngoài.
Trong số các ưu đãi, có thể kể đến chính sách miễn thuế 100%, sở hữu nước ngoài, kho ngoại quan, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là rất đáng chú ý. Hơn nữa, Bangladesh đã thiết lập các Hiệp định Đầu tư song phương (BIT) và Hiệp định tránh đánh thuế hai lần (DTT) với hơn 35 quốc gia; trong đó, có Việt Nam.
“Vẫn còn nhiều tiềm năng lớn chưa được khai thác trong lĩnh vực thương mại, đầu tư giữa hai nước. Trong bối cảnh này, việc trao đổi đoàn thương mại và tổ chức gặp gỡ doanh nghiệp với doanh nghiệp một cách thường xuyên để xúc tiến thương mại sẽ giúp hai bên cùng hợp tác chặt chẽ hướng tới mục tiêu chung là mở rộng thương mại và đầu tư song phương, đạt được tầm cao mới trong hợp tác kinh tế,” ông Md.Ashraf Ahmed chia sẻ thêm./.