Theo phóng viên TTXVN tại miền Nam châu Phi, Đại sứ quán Việt Nam tại Mozambique, Thương vụ Việt Nam tại Nam Phi (kiêm nhiệm Mozambique và Swaziland) vừa phối hợp với Cơ quan Xúc tiến Xuất khẩu và Đầu tư Mozambique (APIEX) và Hiệp hội các doanh nghiệp Mozambique (CTA) tổ chức “Gặp gỡ doanh nghiệp Việt Nam-Mozambique 2017” tại thủ đô Maputo.
Hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư quan trọng này nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tại địa bàn và trong nước tăng cường kết nối với đối tác sở tại trong các lĩnh vực xuất nhập khẩu, khoáng sản, chế biến nông, lâm sản, viễn thông và xây dựng dân dụng.
Đây là hoạt động ngoại giao kinh tế thường niên do Đại sứ quán Việt Nam tại Mozambique tổ chức.
Cuộc gặp gỡ đã thu hút sự tham gia của hơn 100 đại diện doanh nghiệp, trong đó, ngoài các doanh nghiệp Việt Nam đã kinh doanh tại Mozambique, các đối tác Mozambique, còn có đoàn doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang và 25 doanh nghiệp đến từ Swaziland do bà Phumelele Dlamini, Cục trưởng Cục Xúc tiến đầu tư Swaziland (SIPA) dẫn đầu tham dự.
Swaziland là quốc gia nhỏ, nằm gần với thủ đô Maputo, thuận tiện về giao thông đường bộ quá cảnh ra cảng hàng hóa Maputo.
Phát biểu tại cuộc gặp, ông Đào Mạnh Đức, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Nam Phi, khẳng định Mozambique là một trong những đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam tại khu vực miền Nam châu Phi.
Ông Đào Mạnh Đức cho biết quan hệ thương mại giữa Việt Nam-Mozambique đang ngày một phát triển với kim ngạch thương mại song phương năm 2016 đạt khoảng 100 triệu USD, tăng 52,6% so với năm trước đó.
Các mặt hàng chủ yếu Việt Nam xuất khẩu sang Mozambique gồm gạo, sản phẩm dệt may, thiết bị viễn thông…, trong khi đó Việt Nam nhập khẩu từ Mozambique chủ yếu là hạt điều, than cám, bông, gỗ...
Ông Đào Mạnh Đức kêu gọi các doanh nghiệp mạnh dạn hơn nữa trong việc tìm hiểu thông tin của nhau, tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm quốc gia và chuyên ngành, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan đại diện tại địa bàn để cập nhật chính sách kinh tế, thương mại-đầu tư, thuế, ngoại hối…nhằm giảm thiểu rủi ro trong giao thương.
Đại diện cho APIEX, cơ quan chính phủ chịu trách nhiệm xúc tiến thương mại và đầu tư của Mozambique, tiến sỹ Nuno Maposse đánh giá mặc dù cũng có lợi thế về đất đai, khí hậu và nhất là đường bờ biển dài như Việt Nam, nhưng Mozambique cần nỗ lực hơn nữa để có thể đạt được những thành tựu phát triển đáng ngưỡng mộ của Việt Nam.
Ông cho biết Mozambique chủ trương khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài vào nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, chế biến nông sản, năng lượng, du lịch… và mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm gia tăng trao đổi thương mại và đầu tư vào thị trường Mozambique.
Về phần mình, bà Phumelele Dlamini đánh giá cao sáng kiến tổ chức kết nối doanh nghiệp ba nước tại thủ đô Maputo là nơi thuận tiện về giao thông cho các doanh nghiệp Swaziland.
Bà kêu gọi doanh nghiệp Việt Nam đầu tư và mở rộng kinh doanh tại Swaziland; khẳng định chính sách ưu đãi đầu tư nước ngoài của chính phủ nước này.
Tại cuộc gặp, đại diện đoàn doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang, công ty Movitel (liên doanh của Tập đoàn Viettel) cũng đã tham luận về các thế mạnh kinh tế Tuyên Quang, những thành tựu và bài học kinh nghiệm thành công của Movitel khi tiếp cận thị trường Mozambique.
Trong khuôn khổ cuộc gặp, các doanh nghiệp Việt Nam đã trưng bày nhiều tài liệu, sản phẩm giới thiệu về hàng “Made in Vietnam” với các đối tác sở tại.
Doanh nghiệp nước bạn tham dự chương trình quan tâm đặc biệt đến các sản phẩm từ Việt Nam, đặc biệt là nông, lâm sản, hàng gia dụng, vật liệu xây dựng…
Các sản phẩm Việt Nam được đánh giá là có mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, phù hợp với thị hiếu và năng lực của thị trường Mozambique và Swaziland./.