Tăng cường hợp tác vì sự phát triển bền vững của các biển Đông Á

Để ngăn chặn sự suy thoái các nguồn tài nguyên thiên nhiên biển và ô nhiễm môi trường biển, việc quản lý cần được áp dụng ở tất cả các quốc gia có chung đường biển và đại dương.
Quang cảnh hội thảo chính sách phát triển đại dương của khu vực Đông Á. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Trong khuôn khổ Đại hội biển Đông Á lần thứ 5 - năm 2015 diễn ra tại thành phố Đà Nẵng, ngày 19/11 đã diễn ra các diễn đàn Quản lý vùng bờ (ICM) và Hội thảo Thông điệp Việt Nam.

Hội thảo bàn về chủ đề Các thực hành tốt và rào cản trong triển khai ICM tại Việt Nam và hợp tác bảo vệ tài nguyên môi trường biển các biển Đông Á​-lợi ích của chúng ta; Hội thảo: Thành phố tương lai - Tương lai của thành phố; Hội thảo Phát triển kinh tế xanh: Hiện trạng và hướng đi.

Mục tiêu của Diễn đàn Quản lý vùng bờ và Hội thảo Thông điệp Việt Nam tập trung nhìn lại sự phát triển của việc thực hành quản lý vùng bờ tại Việt Nam trong 2 thập kỷ qua và xác định các khu vực cần tăng cường và thực hành tốt, có thể được ứng dụng trong việc mở rộng quản lý vùng bờ và tăng cường thực hiện Chiến lược quản lý tổng hợp đới bờ Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Các đại biểu đã tập trung thảo luận về sự hội tụ của những nỗ lực quản lý vùng bờ có liên quan, bao gồm việc hoàn thành các mục tiêu của Chiến lược Phát triển bền vững vùng biển Đông Á và các ưu tiên, mục tiêu của Chiến lược quản lý tổng hợp đới bờ Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2030; thảo luận về các hợp phần khác nhau của Chiến lược quản lý tổng hợp đới bờ Việt Nam và các biện pháp đề xuất thực hiện; tăng cường hợp tác giữa việt Nam và các quốc gia Đông Á trong bảo tồn và bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường vì sự phát triển bền vững của các biển Đông Á theo tinh thần Thông điệp Việt Nam "Hợp tác bảo vệ tài nguyên môi trường biển các biển Đông Á - Lợi ích của chúng ta."

Các đại biểu đều khẳng định đại dương là môi trường liên hoàn, nên để ngăn chặn sự suy thoái các nguồn tài nguyên thiên nhiên biển và ô nhiễm môi trường biển, quản lý tổng hợp tài nguyên biển và môi trường cần được áp dụng không chỉ ở một quốc gia mà ở tất cả các quốc gia có chung đường biển và đại dương.

Vì vậy, vì lợi ích chung của tất cả các quốc gia trong vùng biển Đông Á, các quốc gia cần hợp tác trong bảo tổn và bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường tại vùng biển Đông Á.

Trên cơ sở đó, diễn đàn và hội thảo tập trung giải quyết các vấn đề liên quan đến bảo vệ và bảo tồn các nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường trong vùng biển Đông Á thông qua quản lý tổng hợp.

Trong thời gian gần đây, Quản lý vùng bờ đã được giới thiệu ở Việt Nam. Việc phê duyệt Chiến lược quản lý tổng hợp đới bờ Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12/2014 đã thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong nỗ lực theo đuổi phát triển bền vững vùng bờ.

Còn phiên hội thảo Thành phố tương lai - tương lai của thành phố có mục tiêu làm nổi bật vai trò quan trọng, mức độ cần thiết của các thành phố, chính quyền địa phương trong khu vực trong việc tham gia và dẫn đầu trong cuộc chiến với biến đổi khí hậu; tăng cường nhận thức về những tiến bộ, thành tựu và các thực hành tốt về giảm nhẹ tác động và thích ứng với biến đổi khí hậu ở cấp độ thành phố, chính quyền địa phương trong khu vực, sử dụng quản lý tổng hợp vùng bờ như nền tảng và khung quản lý cho các hành động; tìm kiếm lợi ích và cơ hội để tăng cường các sáng kiến về biến đổi khí hậu thông qua mối liên kết với các mạng lưới quốc tế của chính quyền địa phương và các chương trình .

Thông điệp chính của hội thảo lần này là các thành phố, chính quyền địa phương phải đi đầu trong các hành động xây dựng nền kinh tế bền vững cùng lúc với đương đầu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Các thành phố, chính quyền địa phương có nghĩa vụ và công cụ để thiết lập mục tiêu hữu hình cho phát triển bền vững; xây dựng các chiến lược để giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu, một trong những trở ngại chính của phát triển bề vững và các thành phố đáng sống; giám sát, báo cáo và công bố thông tin về tiến trình và kinh nghiệm trong phát triển bền vững và giảm nhẹ, thích ứng với biến đổi khí hậu. hành động của các chính quyền địa phương là vô cùng cần thiết nếu muốn đạt được các mục tiêu về phát triển bền vững cấp quốc gia và khu vực. Đối tượng hưởng lợi trực tiếp từ các hành động chính là cư dân sinh sống trong khu vực.

Còn Hội thảo Phát triển kinh tế xanh: Hiện trạng và hướng đi có thông điệp chính là khu vực các biển Đông Á là một trung tâm quan trọng cho các hoạt động thương mại biển, đầu tư và tăng trưởng.

Các nước trong khu vực các biển Đông Á chia sẻ một đại dương chiếm tới 80% diện tích nuôi trồng thủy sản toàn cầu, hơn 65% sản lượng thu hoạch và chế biến thủy sản đánh bắt trên thế giới, là cầu nối quan trọng cho 90% thương mại thế giới, kết nối mọi người, thị trường và sinh kế.

Kinh tế đại dương và vùng bờ có vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng của địa phương, tiểu vùng và khu vực.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa nhanh, đặc biệt ở khu vực vùng bờ đang ảnh hưởng đến thể trạng vùng bờ và hệ sinh thái biển. Khoảng 80-90% lượng nưới thải ở khu vực các biển Đông Á đang bị thải ra các sông hồ và bờ biển mà không qua xử lý.

Nền kinh tế xanh hứa hẹn tăng trưởng kinh tế biển bền vững và cơ hội mới cho đầu tư trong các lĩnh vực công và tư nhân.

Nâng cao sự hiểu biết về "cách tiếp cận nền kinh tế xanh" trong khu vực công và tư cũng như về đóng góp tiềm năng của nó đối với tăng trưởng kinh tế bền vững và bảo vệ, bảo tồn biển, dịch vụ sinh thái đại dương và vùng bờ, là động lực tạo ra những thay đổi, sáng kiến mới về chính sách và đầu tư...

Ngày mai (20/11) Đại hội Biển Đông Á lần thứ V- năm 2015 sẽ diễn ra phiên bế mạc và Diễn đàn Bộ trưởng lần thứ 5./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục